Tiếng thở dài sau đỉnh Cổng Trời

Tiếng thở dài sau đỉnh Cổng Trời
21 giờ trướcBài gốc
Lạc lối vì ảo vọng
Mùa hè chỉ vừa bắt đầu được ít ngày nhưng trên đỉnh Cổng Trời, huyện vùng cao Mường Lát, mặt trời như đã bắt đầu đổ lửa từ sáng sớm. Những bản làng của đồng bào người Mông hiện ra trong thanh bình, tĩnh lặng. Trong căn nhà mái prô xi măng, vách được thưng bằng phên nứa, nằm chênh trên sườn đồi, chị Hạng Thị Cu, trú tại bản Khằm 1, xã Trung Lý cắm cúi chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Những cơ cực của số phận đã biến chị thành một người đàn bà không dễ đoán tuổi. Dưới mái tóc xơ khét nắng là khuôn mặt đen sạm.
Lực lượng chức năng tuyên truyền người dân không nghe theo lời các đối tượng xấu dụ dỗ. Ảnh: Nguyễn Chung
Chị Cu kể về câu chuyện của đời mình bằng chất giọng lơ lớ của người không sõi tiếng Kinh. Bi kịch của gia đình chị bắt đầu từ năm 2008 - khi chồng chị vướng vào vòng lao lý. Còn lại một mình, chị Cu phải thay chồng gánh vác trọng trách nuôi 2 con nhỏ. Đúng lúc ấy có một người lạ mặt xuất hiện tỉ tê, rủ chị đi làm ở tận mạn cửa khẩu Lào Cai.
Trước những viễn cảnh được họ vẽ ra rằng: Chị sẽ có công ăn việc làm, có tiền để gửi về nuôi con... Không kịp đắn đo, người mẹ đã để lại hai đứa con cho ông bà ngoại rồi ra đi. Ngày đầu tiên đến vùng đất mới, chưa kịp nghỉ ngơi lấy lại sức chị đã bị dắt qua biên giới, giam lỏng ở một nhà người Mông và sau đó bán cho ông Yosua Neng, khoảng 40 tuổi, ở tỉnh An Huy, Trung Quốc mua về làm vợ.
Thời gian đầu, chị Cu bị gia đình nhà chồng giám sát từng hành vi, cử chỉ và sẵn sàng bạo hành, khi chị có dấu hiệu muốn bỏ trốn. Mọi sự hành hạ chỉ được giảm bớt sau khi chị sinh cho gia đình nhà chồng một đứa con trai. Nhưng họ vẫn bắt chị phải đi làm thuê từ ngày này qua tháng khác. Toàn bộ số tiền kiếm được đều bị chồng và mẹ chồng lấy hết. “Có lần được chủ cho tiền, tôi lén giấu đi và khi bị phát hiện, gia đình chồng dùng roi đánh cho đến khi tôi kiệt sức họ mới ngưng…”- chị Cu nhớ lại.
Sau nhiều lần tìm cách trốn chạy không thành, vào một đêm tháng 12/2018, núi rừng tỉnh An Huy phủ dày tuyết, trên đôi chân trần, chị Cu quyết định bỏ trốn cùng với bụng bầu gần đến kỳ sinh nở. Trên hành trình trốn chạy, chị xin ăn, làm thêm ở bất cứ nơi nào chị ghé lại… cho đến khi gặp một đồn Công an ở tỉnh An Huy. Rồi chị được trao trả về Việt Nam và được đoàn tụ với gia đình ở quê nhà sau 10 năm sống nơi đất khách. Giờ đây, đứa trẻ mang hai dòng máu cùng chị trở về cũng đã 7 tuổi. Chị thương nhớ đứa con mình dứt ruột đẻ ra vẫn còn bên xứ người.
Men theo QL15C, chúng tôi đi vào sâu trong bản Tà Cóm, xã Trung Lý. Đã gần tháng nay, chiều chiều, Thào A Ga lại dắt díu 5 đứa con “trứng gà, trứng vịt” ra đầu con dốc dẫn vào bản, ngóng vợ. Cứ thấy bóng phụ nữ thấp thoáng ở phía xa, mấy bố con lại thấp thỏm, rồi lầm lũi trở về trong sự thất vọng. Khi bỏ nhà ra đi, vợ Ga chỉ nhắn lại với đứa em trong gia đình đúng một câu: “Ra đi để mong có cuộc sống đỡ vất vả, khổ cực hơn”. Cho đến khi tôi tìm gặp, Thào A Ga vẫn không biết vợ anh đang lạc lối ở nơi nào.
Lấy vợ từ năm 13 tuổi, đến nay vợ chồng Ga đã có 5 mặt con, đứa lớn nhất 15 tuổi, đứa bé nhất mới 5 tuổi. Từ ngày vợ bỏ đi, căn nhà vốn đã trống huơ, trống hoác, giờ thiếu bàn tay người phụ nữ vun vén càng trở nên tiêu điều. “Nó bỏ đi rồi, bố con khổ lắm! Mấy đứa nhỏ nhớ mẹ, đêm nào cũng khóc”- Thào A Ga nói. Chị Hạng Thị Cu và vợ của Thào A Ga chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp nhẹ dạ khác đã vượt biên trong thời gian qua. Thế nhưng, lời hứa từ miệng của những đối tượng buôn người vẫn khiến không ít phụ nữ lầm đường, lạc lối.
Chưa có hồi kết
Khi nhắc đến tình trạng phụ nữ người Mông bị dụ dỗ, lôi kéo qua biên giới, ông Ngân Văn Lon - Chủ tịch UBND xã Trung Lý không giấu được sự băn khoăn cho biết: Tính từ trước tới nay, xã Trung Lý có tới 50 trường hợp lấy chồng người Trung Quốc, trong đó chỉ có 7 trường hợp là hợp pháp, và chỉ có 5 người trở về. Còn tại xã Mường Lý, theo báo cáo có 45 người xuất cảnh trái phép, trong đó có 28 phụ nữ vượt biên sang các nước Trung Quốc, Lào...
“Nhiều năm trước, phụ nữ người Mông ở Mường Lát nhẹ dạ cả tin bị dụ dỗ, bị bán sang nước ngoài rất nhiều. Cũng có trường hợp trốn được nhưng đa phần không trở về. Có người sau khi bị gả bán, sinh con rồi lại bị bán qua tay cho nhiều người đàn ông khác. Để ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ bản, vượt biên, ngoài việc tăng cường các hình thức tuyên truyền, địa phương đã định hướng công ăn việc làm cho bà con. Tuy nhiên, tình trạng vượt biên trái phép vẫn còn xảy ra”- ông Lon nói.
Trung tá Vi Văn Nooc -Trưởng Công xã Trung Lý cho biết: Tình trạng phụ nữ bỏ chồng, con vượt biên sang một số nước khác diễn ra phổ biến vào khoảng những năm 2018 trở về trước. Một số người thì bị dụ dỗ, lôi kéo, một số người là do bị lừa bán sang. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của người dân còn kém. Họ nhẹ dạ tin về lời dụ dỗ việc nhẹ, lương cao…
Những năm gần đây, tình trạng này đã giảm rất nhiều do cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ. Nhận thức của bà con cũng đã được nâng lên.
“Hàng tháng, hàng quý, chúng tôi đều tổ chức tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Đưa ra dẫn chứng những người ra đi, sau đó quay trở lại địa phương đều vỡ mộng. Chúng tôi lấy chính con người đó để tuyên truyền về cuộc sống hôn nhân ở bên kia biên giới không sung sướng gì. Song song với đó là cho làm cam kết bằng văn bản. Phụ nữ bản viết cam kết, số chưa đi thì cam kết không đi; số đi rồi trở về cũng phải cam kết không đi, không dụ dỗ” -Trung tá Vi Văn Nooc chia sẻ thêm.
Còn Thiếu tá Quản Bình Thao - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trung Lý, huyện Mường Lát nhận định: “Yếu tố quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức và tạo sinh kế cho bà con. Chỉ khi nào đời sống của người dân vùng cao được nâng lên về mọi mặt thì khi ấy tình trạng vượt biên trái phép mới có thể được chấm dứt hoàn toàn”.
Nguyễn Chung
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tieng-tho-dai-sau-dinh-cong-troi-10305548.html