Tiếng Việt giàu đẹp: Sao lại quýt làm cam chịu?

Tiếng Việt giàu đẹp: Sao lại quýt làm cam chịu?
12 giờ trướcBài gốc
Theo "Việt Nam tự điển" của Lê Văn Đức, "Quýt làm cam chịu: Người này gây tội mà người khác phải chịu oan do một sự lầm lẫn". Nhưng sao lại quýt làm cam chịu? Quýt và cam liên hệ nhau như thế nào?
Sao lại quýt làm cam chịu? (Ảnh minh họa từ Internet)
Đọc lại phóng sự về nông thôn miền Bắc của nhà văn Ngô Tất Tố, ta thấy có từ "mới" thể hiện qua nhân vật "mới/thằng mới": "Hàng xóm đã đến đông đủ! Thằng mới đem làm cỗ đi!". Thằng mới là thằng nào? Xin thưa, chính là cách gọi khác về… thằng mõ. Cái thằng mõ này, liệu có phải thằng cam mà nhà thơ Nguyễn Gia Thiều đã sai bảo?
"Cam, tốc ra thăm gốc hải đường,
Hái hoa về để kết làm tràng.
Những cành với nhánh đừng vin nặng,
Mấy đóa còn xanh chớ bẻ quàng".
Thằng cam không phải thằng mới/thằng mõ mà nó chính là cái thằng trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan: "Nó bảo từ thuở bé, nó vẫn tên là thằng Quýt. Cái tên xấu xí ấy, nhiều lần ông Dự muốn đổi, để gọi cho đỡ có vẻ giai cấp. Vì ông khoe rất yêu chủ nghĩa bình dân. Nhưng đến tám tháng nay, có lẽ ông chưa có thì giờ nghĩ nên tên nó vẫn cứ nguyên văn là thằng Quýt". Cũng như mới/thằng Mới thì quýt/thằng Quýt là danh từ chung trở thành danh từ riêng nhằm chỉ về thân phận của một hạng người trong xã hội. Nếu thằng mới, cách gọi khác nhằm chỉ thằng mõ thì thằng quýt chính là… thằng cam. "Việt Nam tự điển" (1931) giải thích: "Cam: Nghĩa nữa là tên thông dụng để gọi những đứa ở trai"; đứa ở này, chính là… thằng Quýt mà nhà văn Nguyễn Công Hoan nêu rõ trong mạch văn trên: "Ông nuôi một thằng đầy tớ rất nhanh nhẩu, khỏe mạnh".
Cơn cớ tại làm sao người ta sử dụng từ cam/thằng cam, quýt/thằng quýt để chỉ đầy tớ, người ở, nô bộc? "Do điển Lý Xung trồng ở đất Long Dương một nghìn gốc quýt và bảo con trai rằng: "Ta đã có một nghìn cây quýt làm đầy tớ cho ta, sau này không bắt con phải lo cơm áo cho ta". Thơ Trần Thánh Tông ở nước ta có câu: "Thiên hàng nô bộc, quất thiên đầu": Nghìn hàng đầy tớ, nghìn cây quýt" (Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Gia Khánh chủ biên, NXB Văn Học, 1983, tr.92). Trải qua năm tháng, cách gọi thằng mới, thằng mõ, thằng cam, thằng quýt dần dần không còn thông dụng nữa.
Lê Minh Quốc
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/tieng-viet-giau-dep-sao-lai-quyt-lam-cam-chiu-196250705175020461.htm