Cùng với dân tộc Kinh, vùng đất Khánh Hòa còn là nơi sinh sống của 35 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc mang những sắc màu văn hóa riêng, nhưng đồng thời cũng có sự tiếp biến văn hóa của dân tộc khác để cùng tạo nên nét đặc trưng trong những sinh hoạt, phong tục, lễ nghi.
Trình diễn lân sư rồng trong lễ hội Cầu ngư.
Khánh Hòa là vùng đất sinh sống lâu đời của các dân tộc anh em. Trải qua lịch sử hàng trăm năm, các dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin, Chăm… đã cùng với dân tộc Kinh xây dựng nền văn hóa xứ Trầm Hương đa dạng, bản sắc. Quá trình lâu dài sinh sống gần gũi với nhau của cộng đồng các dân tộc đã có sự ảnh hưởng, tiếp biến văn hóa một cách tự nhiên giữa dân tộc này với dân tộc khác. Biểu hiện rõ ràng nhất của sự tiếp biến văn hóa đó chính là thông qua các lễ hội truyền thống được người dân tổ chức như: Lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ bỏ mả của đồng bào Raglai, lễ hội Cầu ngư… Cả 3 lễ hội này đều được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Khi đề cập đến lễ hội Tháp Bà Ponagar, chúng ta thấy rõ quá trình tiếp biến văn hóa của người Kinh với người Chăm. Di tích Tháp Bà Ponagar vốn là nơi thờ nữ thần Pô Inư Nagar của đồng bào Chăm và được tôn xưng là Bà Mẹ xứ sở. Khi người Việt đến sinh sống ở vùng đất này, trải qua suốt một thời gian dài đã dần dần tạo nên sự tiếp biến văn hóa giữa 2 dân tộc Việt - Chăm. Hình tượng Bà Mẹ xứ sở dần được chuyển hóa thành Bà Chúa Ngọc, rồi sau này khi tiếp thu tinh hoa của đạo Mẫu (vốn xuất phát từ đồng bằng Bắc Bộ) thì Bà Mẹ xứ sở được gọi là Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Sự tiếp biến văn hóa này đến từ một điểm chung trong tâm thức của cư dân 2 dân tộc Việt - Chăm, đó chính là việc cùng xem bà là một vị thần có nhiều công lao giúp đỡ nhân dân, đem lại nhiều điều tốt lành trong cuộc sống và mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người. Đến ngày nay, lễ hội Tháp Bà Ponagar được diễn ra hàng năm từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch, cả người Việt và người Chăm đều về thành kính dâng cúng lễ vật, nguyện cầu những điều tốt đẹp đến với bản thân, gia đình, đất nước.
Đồng bào Raglai trên địa bàn tỉnh sinh sống chủ yếu ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và một số xã của TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm, huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa. Đồng bào Raglai vẫn giữ được những lễ hội, nghi lễ truyền thống như: Lễ ăn mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ tạ ơn cha mẹ… Lễ bỏ mả là một nghi lễ quan trọng của đồng bào Raglai. Khi xem lễ bỏ mả, chúng ta thấy hình ảnh người chủ nhang mặc áo thụng đỏ, đóng khăn màu đỏ; hai người phụ lễ mặc áo thụng xanh và đóng khăn xanh. Trang phục của chủ nhang và phụ lễ thực tế chính là bộ áo dài thụng và khăn đóng của người Kinh. Đây có thể xem là một sự tiếp biến văn hóa trong quá trình sinh sống lâu dài với người Kinh. Một biểu hiện khác của sự tiếp biến văn hóa trong lễ bỏ mả chính là phần thực hiện nghi thức chia của (lễ dứt đứt - vihdi atơw). Đây là một nghi lễ phổ biến của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên và đồng bào Raglai ở Khánh Hòa. Nhưng khác với các dân tộc Tây Nguyên, lễ chia của của đồng bào Raglai ở Khánh Hòa phần vật phẩm được chia mang tính tượng trưng chứ không phải chia những vật dụng cụ thể. Những tài sản chia cho người đã mất chủ yếu được chạm khắc trên các trụ cột của nhà mồ, thực phẩm được sử dụng chính là những thứ dùng để cúng. Điều này vừa thể hiện được nét văn hóa, đồng thời tránh được sự lãng phí. Theo nhạc sĩ Hình Phước Liên, tục chia tài sản của đồng bào Raglai như thế phải chăng cũng là một trong những biểu hiện của sự tiếp biến văn hóa của người Raglai trong quá trình lâu dài chung sống với người Kinh.
Đồng bào Chăm tham dự lễ hội Tháp Bà Ponagar.
Cộng đồng người Hoa được ghi nhận đã đến sinh sống ở vùng đất Khánh Hòa từ thế kỷ XVIII và có sự giao lưu chặt chẽ với cộng đồng người Việt, cùng các dân tộc khác. Vậy nên, sự tiếp biến văn hóa của người Hoa với các dân tộc khác cũng là điều dễ hiểu. Chẳng hạn, trong lễ hội Cầu ngư ở các làng biển ngày nay, chúng ta thấy trong lễ rước có sự xuất hiện của đội múa lân và các nhân vật như: Thần tài, Ông địa, Tôn Ngộ Không. Trong phần biểu diễn hát tuồng ở nhà võ ca của các đình làng thường diễn những tích tuồng có nguồn gốc từ Trung Hoa. Ngoài ra, sự tiếp biến văn hóa của người Hoa với người Việt còn được thể hiện qua những nét tương đồng trong tục thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo với tục thờ Quan Thánh Đế Quân; trong nhiều đình làng ở Khánh Hòa bên cạnh thờ tiền hiền, hậu hiền, Thiên Y A Na Thánh Mẫu, các anh hùng liệt sĩ…, còn thờ Quan Công; đám cưới của người Hoa hiện nay được tổ chức mang những phong tục và cách thức tổ chức của người Việt…
Nhìn lại sự tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc trên vùng đất Khánh Hòa cho chúng ta thấy tinh thần đại đoàn kết dân tộc biểu hiện một cách tự nhiên và sâu sắc, từ đó góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, xa rời dần những hủ tục lạc hậu. Sự tiếp biến này ở Khánh Hòa không làm mất đi những giá trị văn hóa, mà còn làm phong phú, đa dạng hơn và thêm đậm đà, sâu sắc hơn.
GIANG ĐÌNH