Chuyện của doanh nhân da giầy
Hôm rồi, chúng tôi ngồi tiếp chuyện với một doanh nhân lớn. Mặt ông trông khá mệt mỏi. Ông kể, từ trước dịch Covid-19 ông đã đeo đuổi một dự án da giầy lớn ở một tỉnh phía Bắc, quê nhà của ông, suốt nhiều năm nay, qua nhiều đời lãnh đạo, nhưng rồi tất cả rơi vào bế tắc.
Ông đã lo xong mặt bằng đất đai, được cấp phép đầu tư và chỉ chờ ngày giờ đẹp để khởi công. Tuy vậy, lễ khởi công đó vẫn chưa thể diễn ra vì có quá nhiều thay đổi. “Toàn bộ quá trình chuẩn bị, cả vốn đầu tư đều bị ngưng trệ vì đất nằm ngoài khu công nghiệp. Chúng tôi không được xây dựng nữa”.
Trường hợp của vị doanh nhân này giống như các câu chuyện khác về sự khó khăn của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong các làng nghề, trong việc tiếp cận đất đai mà chúng tôi có cơ hội nghe và chứng kiến.
Tiếp cận đất đai là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Một chủ doanh nghiệp có xưởng gỗ ở một huyện Hà Nội kể rằng, cả dãy xưởng gỗ của anh và nhiều người khác đã bị dẹp bỏ vì “vi phạm quy định”. Số vốn đầu tư cho nhà xưởng mà anh chắt chiu, dành dụm trong nhiều năm bỗng chốc mất hoàn toàn. Khu đất giải tỏa mà trước đây là các nhà xưởng sầm uất giờ chỉ là một bãi đất trống, hoang tàn, trong khi vị doanh nhân này không có xưởng sản xuất.
Mấy năm nay, tình trạng dẹp bỏ các xưởng sản xuất làng nghề đã diễn ra lúc này, lúc khác ở nhiều địa phương do vi phạm các quy định, thủ tục chặt chẽ hơn về quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy,...
Hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ ra rìa
Các cơ sở sản xuất bắt buộc phải nằm trong khu công nghiệp mới được cấp các giấy phép này để hoạt động.
Vấn đề là nhiều hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp nhỏ không có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư vào khu công nghiệp, trong khi họ có sẵn đất có sổ đỏ, diện tích lớn, phù hợp để dựng nhà xưởng. Do đất của họ không nằm trong quy hoạch đất công nghiệp, họ không thể xin giấy phép sản xuất, cũng không được cấp chứng nhận phòng cháy, dù hoạt động không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Ngay cả với những hộ kinh doanh hay doanh nghiệp nhỏ và vừa đã hoạt động từ trước khi có quy hoạch đất công nghiệp, giấy phép của họ cũng không được gia hạn vì lý do "đất không phù hợp mục đích sử dụng".
Những doanh nghiệp này không được làm kho bãi, không được sản xuất – và cũng không có con đường hợp pháp nào nếu không dời về khu công nghiệp.
Hệ lụy của tình trạng trên là rất lớn. Họ không thể xây dựng nhà xưởng hợp pháp ngoài khu công nghiệp hay cụm công nghiệp ngay trên đất ở, đất vườn, đất thương mại – dù quy mô nhỏ, thân thiện môi trường. Họ không được cấp giấy phép xây dựng, chứng nhận PCCC, đánh giá môi trường, dẫn đến hoạt động sản xuất bị treo, rủi ro pháp lý, không thể vay vốn, mở rộng, hoặc chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.
Trong khi đó, chi phí thuê đất trong khu công nghiệp vượt xa khả năng chi trả của đại đa số hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn nữa, quỹ đất cụm công nghiệp ở nhiều địa phương lại không có hoặc chậm triển khai.
Tình trạng thiếu hành lang pháp lý dành riêng cho cơ sở sản xuất nhỏ và vừa hoạt động trong khu dân cư, khiến phần lớn hoạt động sản xuất, đầu tư của không ít hộ gia đình, doanh nghiệp gặp rủi ro.
Thậm chí, các dự án sản xuất – kinh doanh được cấp phép và vận hành hợp pháp từ trước khi hình thành khu công nghiệp/cụm công nghiệp không được gia hạn hoặc điều chỉnh giấy phép, gây gián đoạn hoạt động và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Ở nhiều địa phương, họ không được xây dựng, cải tạo, hay mở rộng sản xuất.
74% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh
Tiếp cận đất đai vẫn là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI vừa công bố cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai tiếp tục ở mức cao, gần 74% vào năm 2024.
Năm 2023 có gần 73% doanh nghiệp cho biết họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai, cao hơn đáng kể so với mức 42,9% của năm 2022 và 53,9% năm 2021.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nói: “Tiếp cận đất đai để thực hiện đầu tư kinh doanh luôn là một rào cản lớn đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Khó khăn không chỉ nằm ở thủ tục hành chính phiền hà, phức tạp kéo dài và tốn kém mà cả chi phí tiếp cận đất quá cao, vượt khả năng chi trả của đa số các nhà đầu tư.
Theo Luật Đất đai hiện hành, nhà nước thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu theo cơ chế đấu giá, hoặc đấu thầu chọn nhà đầu tư, trừ một số dự án quan trọng quốc gia. Cơ chế tiếp cận đất đai hiện nay đã loại hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi các phiên đấu giá, tức là họ khó có thể đủ điều kiện để vào danh sách rút gọn.
Bên cạnh đó, sau khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, giá đất được giao hay cho thuê được xác định theo giá thị trường, cao vượt mức chi trả của dự án đầu tư kinh doanh, làm cho chi phí đầu tư quá cao; các dự án đầu tư liên quan khó khả thi về tài chính.
“Không tiếp cận được đất đai, thì chắc chắn doanh nghiệp không thể đầu tư phát triển, nhất là vào các ngành công nghiệp chế tác, chế tạo, logistics và bán buôn, bán lẻ quy mô lớn,” ông nói.
Hy vọng vào Nghị quyết 68
Nghị quyết 68 đã xác định khó khăn này khi đưa ra yêu cầu: Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho các doanh nghiệp nêu trên. Nhà nước có chính sách giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất cho các đối tượng này trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất.
Nghị quyết cũng yêu cầu chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án vướng thủ tục, chậm tiến độ; đưa vào khai thác nguồn lực đất đai bị lãng phí, đất trong các vụ việc tranh chấp, vụ án kéo dài.
Tinh thần này đã được Chính phủ giữ nguyên trong phiên họp thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội chiều qua 12/5.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, một trong những lãnh đạo thúc đẩy chính cho nghị quyết này giải thích, đây là giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể tiếp cận được với đất đai, giải quyết tình trạng trước đây khi các doanh nghiệp hạ tầng chủ yếu ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn thuê trọn gói, khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhu cầu và năng lực hạn chế hơn khó tiếp cận.
Ông cũng thừa nhận, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế cũng đã có quy định về việc dành một tỷ lệ nhất định (3% hoặc 5% diện tích) cho doanh nghiệp nhỏ, nhưng việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả. “Lần này, Nghị quyết quy định cụ thể hơn, mang tính đột phá hơn”.
Tinh thần này của Nghị quyết 68 đang thắp lên hy vọng cho những chủ doanh nghiệp tư nhân như ông chủ da giầy. Lãnh đạo địa phương đó giải quyết khó khăn của ông bằng cách, đưa dự án của ông vào một khu công nghiệp. Song, ngay cả trong giải pháp này ông lại gặp vấn đề mới: phải lấy chữ ký đồng thuận của hàng chục vị lãnh đạo, từ Chủ tịch đến Giám đốc sở.
Ông nói một cách buồn rầu: “Tôi đã dành cả tuần qua để xin chữ ký mà vẫn chưa đủ. Lẽ ra, chỉ cần lãnh đạo tỉnh ký là đủ”.
Hiện có hàng chục doanh nghiệp có khó khăn về thủ tục đất đai tương tự như của ông tại tỉnh. Họ còn chưa thấy đường ra sau khi đã đầu tư vào nhà xưởng.
“Tôi mong rằng Nghị quyết 68 và các cơ chế sắp tới sẽ thực sự cởi mở hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong các quy định liên quan đến đất đai, quy hoạch, phòng cháy chữa cháy và thủ tục hành chính. Chúng tôi mòn mỏi chờ đợi lâu lắm rồi”, ông nói.
Tư Giang
Lan Anh