Tiếp cận mục tiêu 95-95-95, tiến tới loại trừ AIDS vào năm 2030

Tiếp cận mục tiêu 95-95-95, tiến tới loại trừ AIDS vào năm 2030
một ngày trướcBài gốc
Giáo viên, học sinh Trường THPT Mường Lát ký cam kết thực hiện “4 có” và “4 không” tại lễ phát động triển khai tháng cao điểm về phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đợt 1, năm học 2024-2025.
Sau 29 năm tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên phát hiện vào tháng 11/1995 tại huyện Đông Sơn, đến nay lũy tích số ca nhiễm HIV toàn tỉnh là 9.211 người, trong đó 5.146 người nhiễm HIV đã tử vong, không có tên tuổi quản lý ở địa phương và 4.683 người nhiễm HIV đang còn sống và quản lý được (4.065 là người Thanh Hóa và 618 là người tỉnh ngoài ở trại giam); 27/27 huyện, thị xã, thành phố và 542/558 xã, phường, thị trấn báo cáo phát hiện ca nhiễm HIV.
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang triển khai 3 dự án quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS (Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam; Dự án Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ) và Chương trình đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nguồn ngân sách của địa phương, với các hoạt động chính, bao gồm: Can thiệp giảm tác hại, điều trị Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); hoạt động tư vấn xét nghiệm (TVXN) HIV; hoạt động chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; hoạt động giám sát hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực hợp tác quốc tế phòng, chống HIV/AIDS...
Toàn tỉnh có khoảng 60 cơ sở cung cấp dịch vụ TVXN HIV tư nhân và công lập; có 13 phòng XN HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 12 huyện và 1 phòng XN khẳng định tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa. Trong 9 tháng năm 2024 đã XN HIV cho 51.930 lượt khách hàng; 248 khách hàng có kết quả HIV dương tính (bao gồm cả người Thanh Hóa, người tỉnh ngoài ở cộng đồng và trong trại giam, tạm giam); tỷ lệ HIV dương tính chiếm 0,48% số lượt khách hàng làm XN HIV. Hoạt động can thiệp giảm tác hại tiếp tục duy trì trên 2 nhóm NCMT và MSM (Nghiện chích ma túy và nam có quan hệ tình dục đồng giới) thông qua 170 đồng đẳng viên nhóm NCMT tại 23 huyện/thị xã/thành phố, cấp miễn phí 799.520 bơm kim tiêm sạch cho 5.354 NCMT...
Bên cạnh đó, hoạt động điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone triển khai tại 28 cơ sở điều trị và 11 điểm cấp phát thuốc, hiện đang điều trị cho 1.576 bệnh nhân (BN). Hoạt động chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cũng được đẩy mạnh, toàn tỉnh đang điều trị cho 4.171 BN: có 4.079 BN người lớn và 92 BN trẻ em; Trong 9 tháng năm 2024, có 280 BN mới tham gia điều trị ARV; 27 BN ARV tử vong và 48 BN ARV bỏ trị. Số BN điều trị trong cộng đồng có thẻ BHYT đạt 94,4%; 122 BN được mua và cấp thẻ BHYT miễn phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh.
Hoạt động điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được chú trọng, có 21 phụ nữ đang được điều trị dự phòng, trong đó 17 phụ nữ được dự phòng trước khi có thai, 4 phụ nữ được dự phòng trong khi chuyển dạ đẻ; có 22/22 trẻ đẻ sống sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được dự phòng; 11 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm XN PCR lần 1; 11/11 trẻ đều có kết quả HIV âm tính.
Trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Bình Yên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa được biết, thực hiện mục tiêu 95-95-95, Thanh Hóa đã kết hợp triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội và về chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai rộng rãi, đảm bảo người bệnh HIV/AIDS được điều trị liên tục, dễ dàng... nhờ đó tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh từng bước được kiểm soát.
Nhận định tình hình dịch HIV/AIDS ở Thanh Hóa vẫn trong giai đoạn tập trung ở những người có hành vi nguy cơ cao là người NCMT và MSM. Số liệu ca HIV mới tăng nhanh ở nhóm MSM và tăng mạnh ở đường quan hệ tình dục không an toàn là những khuyến nghị để trong giai đoạn tiếp theo, Thanh Hóa sẽ ưu tiên triển khai tốt các hoạt động dự phòng can thiệp và chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, từng bước tiến tới mục tiêu 95-95-95 và tiến tới loại trừ AIDS vào năm 2030.
Theo đó, sẽ mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn XN HIV, đẩy mạnh XN HIV dựa vào cộng đồng, tự XN; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%; tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; góp phần loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030...
Bài và ảnh: Tô Hà
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/tiep-can-muc-tieu-95-95-95-tien-toi-loai-tru-aids-vao-nam-2030-230246.htm