Theo kết quả xác minh ban đầu, nhóm công dân này đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đa phần là người trẻ, mong muốn tìm kiếm việc làm thu nhập cao.
Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ bằng những lời quảng cáo hấp dẫn như “việc nhẹ, lương cao”, “không cần kinh nghiệm”, “thu nhập nghìn đô”,…
Sau khi chiếm được lòng tin, các nạn nhân bị đưa sang Campuchia qua đường tiểu ngạch hoặc chỉ dẫn nhập cảnh hợp pháp qua Campuchia. Tuy nhiên, khi đến nơi, họ mới phát hiện mình bị ép làm việc trong các cơ sở lừa đảo do người Trung Quốc điều hành.
Không chỉ bị giám sát chặt chẽ, các nạn nhân còn chịu áp lực công việc nặng nề, bị đe dọa, thậm chí hành hung nếu không hoàn thành chỉ tiêu hoặc có ý định bỏ trốn.
Công dân Việt Nam lao động trái phép được phía Campuchia trao trả
Vụ việc tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về thực trạng lừa đảo lao động diễn ra phức tạp tại khu vực biên giới. Dù nhiều vụ việc đã bị phát hiện và xử lý, nhưng không ít người vẫn bị dụ dỗ bởi những lời hứa hẹn không có thật của các đối tượng buôn người.
Công an tỉnh Kiên Giang khuyến cáo người dân, đặc biệt là thanh niên, cần cảnh giác trước những thông tin tuyển dụng thiếu minh bạch trên mạng xã hội.
Trước khi quyết định làm việc ở nước ngoài, cần tìm hiểu rõ thông tin về công ty, môi trường làm việc và điều kiện pháp lý. Nếu có nghi vấn, nên liên hệ với cơ quan chức năng để được tư vấn, tránh rơi vào bẫy lừa đảo.
Minh Triết-Hoàng Đô