Bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức thực hiện ca ghép đa tạng tim - thận cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ tại Hội nghị tổng kết mạng lưới hiến mô, tạng từ người chết não 2024 và định hướng phát triển 2025, diễn ra ngày 7/1.
Hơn 30 năm thực hiện ghép tạng
Năm 2024 được coi là cột mốc quan trọng trong việc phát triển nguồn tạng hiến. Năm qua, Việt Nam có 41 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm 13% trong tổng số ca ghép tạng. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam. Điều đáng nói là, 41 ca hiến tạng sau chết não tập trung ở 13 tỉnh, thành phố trên cả nước. Để đạt được số ca hiến kỷ lục, bên cạnh công tác truyền thông, một trong những vấn đề quan trọng là sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước. Từ đó, nhiều bệnh viện trên cả nước đã tổ chức Lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng tại bệnh viện.
Năm 2024, Việt Nam đã lần đầu thực hiện ca ghép đồng thời tim/gan trên nền một bệnh nhân bị suy đa tạng do các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức thực hiện. Điều đó đã thêm một lần nữa khẳng định các y bác sĩ Việt Nam có thể làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật - đặc biệt là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng. Ngoài ra, Việt Nam còn thực hiện thành công ca ghép khí quản từ người cho chết não - một kỹ thuật hiếm gặp không chỉ tại nước ta mà còn trên thế giới. Chỉ riêng trong năm 2024, các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện thành công 3 ca ghép phổi, nâng tổng số ca ghép phổi lên 12 ca kể từ khi ca đầu tiên được thực hiện năm 2017.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tới nay, nước ta đã có hơn 30 năm thực hiện ghép tạng, với ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6/1992. Tính đến hết năm 2024, Việt Nam đã thực hiện được 9.516 ca trên cả nước với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm. 3 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam đã thực hiện thành công trên dưới 1.000 ca ghép tạng, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Chưa đáp ứng nhu cầu ghép tạng
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, thực hiện lời hiệu triệu của Thủ tướng, với tinh thần “Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hi vọng - Gieo mầm sự sống” vì “Cho đi là còn mãi”, trong năm 2024, hàng chục chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ra đời, không chỉ ở các cơ sở y tế công lập mà các cơ sở y tế tư nhân cũng tham gia vô cùng mạnh mẽ. Số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết đã cao gấp nhiều lần tổng số người đăng ký những năm trước đó.
“Tuy nhiên, từng đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của nhân dân. Tỉ lệ 94% tạng ghép từ hiến sống là quá cao và tỉ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam là rất thấp” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.
Hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim. Trên cả nước mới chỉ có số ít bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng, do chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thực sự phù hợp.
Bên cạnh đó, các chi phí cho các hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô, tạng; các chi phí để thực hiện dịch vụ kỹ thuật liên quan tới ghép tạng vẫn chưa được xây dựng thống nhất, khiến các bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi thanh toán các khoản chi phí này, nhất là các bệnh viện tham gia vào quá trình lấy tạng.
Bộ Y tế đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hiến, lấy, ghép mô tạng phát triển mạnh mẽ và bền vững. Bước đầu là cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, từ đó đưa ra định mức kinh tế - kỹ thuật, xây dựng một mức giá được tính đúng, tính đủ, bao phủ toàn bộ chi phí cấu thành, và hướng đến thanh toán bảo hiểm y tế.
Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định tầm quan trọng của công tác vận động hiến tạng, với hy vọng rằng trong tương lai, số người hiến tạng sẽ tiếp tục gia tăng, giúp cứu sống hàng nghìn người bệnh đang vật lộn với bệnh tật. Năm 2024, cả nước đã thành lập được 16 Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, đạt kỷ lục mới trong công tác này.
“Hiến tạng không chỉ là hành động cứu sống, mà còn là biểu tượng của tình yêu thương và lòng nhân ái vô bờ bến. Chúng ta sẽ tiếp tục chung tay xây dựng một mạng lưới ghép tạng vững mạnh, giúp mang lại sự sống cho những bệnh nhân đang chờ đợi” - PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Đức Trân