Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, với vai trò là đơn vị chủ công trong trận mở màn chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 316 đã để lại dấu ấn lịch sử sâu sắc. Trong hành trình 74 năm xây dựng và trưởng thành, đâu là những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc của Sư đoàn?
Đại tá Bùi Thế Dũng: Có thể nói, mỗi giai đoạn phát triển của Sư đoàn 316 đều gắn liền với những dấu mốc lịch sử vẻ vang của dân tộc. Từ khi thành lập vào ngày 1-5-1951, Sư đoàn đã trải qua nhiều chiến dịch ác liệt, từ Tây Bắc, Điện Biên Phủ, Trung Lào cho tới cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là vai trò chủ công mở màn Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, mở đầu cho cuộc tổng tiến công trong mùa xuân đại thắng.
Điều làm nên bản sắc của Sư đoàn không chỉ là những chiến công hiển hách mà chính là ở những cán bộ, chiến sĩ luôn mang trong mình khí chất “Trung thành-tự lực-đoàn kết-kiên cường-sáng tạo-chiến thắng”. 6 phẩm chất ấy không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành một hệ giá trị sâu sắc, xuyên suốt quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của đơn vị.
Đại tá Bùi Thế Dũng kiểm tra huấn luyện giai đoạn 1 các khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TUẤN HÙNG
Chúng tôi đặc biệt tự hào về truyền thống tự lực và sáng tạo. Trong mọi hoàn cảnh, từ thời kỳ hành quân gian khổ ở Chiến dịch Điện Biên Phủ cho tới khi tác chiến trong địa hình rừng núi Tây Nguyên, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn tìm tòi cách đánh phù hợp, phát huy nội lực, sáng tạo trong chiến thuật. Tinh thần đoàn kết và kiên cường là chất keo gắn kết mọi thế hệ, giúp đơn vị vượt qua mọi thử thách, từ bom đạn chiến tranh đến gian khó trong thời bình.
PV: Phát huy truyền thống, thời gian qua, Sư đoàn đã triển khai những giải pháp nào nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?
Đại tá Bùi Thế Dũng: Tình hình thế giới, khu vực và trong nước hiện nay đang đặt ra những yêu cầu rất cao đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, vì vậy, Sư đoàn 316 xác định rõ: Nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng SSCĐ là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên, lâu dài.
Trước hết, chúng tôi tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác huấn luyện. Bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, huấn luyện sát với nhiệm vụ, địa bàn, phương án tác chiến; tổ chức các đợt huấn luyện dã ngoại, huấn luyện cơ động, rèn luyện trong điều kiện phức tạp, sát thực tế chiến đấu. Nét mới trong huấn luyện là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mô hình mô phỏng trong chỉ huy tham mưu và kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành.
Cùng với đó, Sư đoàn chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị, rèn luyện ý chí chiến đấu và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc cho từng cán bộ, chiến sĩ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được tổ chức linh hoạt, sâu sát, gắn với từng nhiệm vụ cụ thể. Tổ chức đảng các cấp luôn là hạt nhân lãnh đạo toàn diện, bảo đảm đơn vị có nội bộ đoàn kết, thống nhất cao. Sư đoàn thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập, hội thi, hội thao ở nhiều cấp độ để kiểm tra khả năng cơ động, hiệp đồng tác chiến, năng lực tổ chức chỉ huy trong tình huống thực tế.
PV: Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, Sư đoàn 316 còn thường xuyên chủ động đến với nhân dân, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng chí có thể chia sẻ một vài hoạt động tiêu biểu mà cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn mang theo trong hành trình “vì dân, dựa vào dân”?
Đại tá Bùi Thế Dũng: Với Sư đoàn 316, tinh thần “vì dân, dựa vào dân” đã ăn sâu vào từng hành động, việc làm của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi luôn xác định giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, thể hiện rõ nét phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.
Trong những năm qua, mỗi khi xảy ra thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, bão lụt... cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đều nhanh chóng cơ động, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn, dựng lại nhà cửa, khắc phục hậu quả. Đơn cử, trong đợt mưa lũ tháng 9-2024 xảy ra sạt lở tại một số huyện vùng cao ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Sư đoàn đã huy động 1.472 lượt cán bộ, chiến sĩ; 66 phương tiện để giúp nhân dân sơ tán khỏi vùng lũ. Hình ảnh người chiến sĩ dầm mình trong nước, bùn lầy, bốc từng viên đá để thông đường, hay cứu dân tại Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai) đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng nhân dân.
Không chỉ trong thiên tai, trong cuộc sống đời thường, Sư đoàn cũng tổ chức nhiều chương trình hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, khám-chữa bệnh miễn phí, tặng quà cho gia đình chính sách... đã trở thành nét đẹp trong văn hóa quân sự của đơn vị. Những tình cảm ấy là phần thưởng lớn nhất, là minh chứng cho sự gắn bó bền chặt giữa quân và dân.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
CAO XUÂN (thực hiện)