Những năm qua, thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần giúp người tiêu dùng trong tỉnh dần thay đổi thói quen, suy nghĩ, ngày càng tin dùng hàng Việt.
Năm 2024, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm.
Năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình tiếp tục hoàn thành xây dựng 2 điểm bán hàng với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Lương Sơn và thành phố Hòa Bình. Ngay khi đi vào hoạt động, 2 điểm bán hàng đã trở thành địa chỉ mua sắm uy tín tại địa phương bởi chất lượng, mẫu mã cũng như giá cả đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Năm 2024, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Điểm bán hàng Việt Nam là mô hình cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước, được ngành Công Thương đề xuất và triển khai nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa, xây dựng niềm tin vào thương hiệu Việt. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo động lực để người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm nội địa, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển. Tính đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh thực hiện 10 điểm bán hàng Việt.
Cùng với việc nhân rộng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức có hiệu quả các chương trình, góp phần lan tỏa, vận động người dân hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhiều nội dung đã đem lại những chuyển biến tích cực, thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng như: tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP; tổ chức hội chợ nông sản; đấu tranh, tố giác các hành vi kinh doanh hàng kém chất lượng, gian lận thương mại; hỗ trợ các chủ thể OCOP, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, phát triển thị trường…
Tính riêng năm 2024, Sở Công Thương tiếp nhận và giải quyết trên 26,8 nghìn hồ sơ thông báo hoạt động khuyến mại; xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại cho 19 tổ chức, các nhân trên địa bàn. Hỗ trợ đẩy mạnh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp qua "Gian hàng Việt trực tuyến” trên 3 sàn thương mại điện tử như: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sàn Postmart.vn; Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel sàn voso.vn; Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ - thuộc Tập đoàn FPT sendo.vn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, nông nghiệp, nông thôn được thực hiện hiệu quả. Hỗ trợ các đơn vị tham gia giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hòa Bình.
Cũng trong năm 2024, ngành Công Thương đã tham mưu, chủ trì tổ chức 6 hội chợ với khoảng 800 gian hàng, thu hút trên 150 triệu lượt khách tham quan, mua sắm. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn tham gia 10 hội chợ khắp cả nước; vận động, hướng dẫn, tổ chức cho hơn 30 lượt doanh nghiệp của tỉnh tham gia chương trình hội chợ tại các tỉnh và thành phố trong cả nước... Qua các hoạt động đã giúp các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, nắm bắt nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng.
Đặc biệt, để tăng tính cạnh tranh cho hàng Việt, nhiều năm qua, tỉnh Hòa Bình triển khai nghiêm túc và hiệu quả chương trình bình ổn giá, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong các dịp lễ, Tết. Năm 2024, có 5 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, tổng số tiền doanh nghiệp tự bình ổn gần 48,3 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước.
Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, song theo đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn bộc lộ những hạn chế, như trong hoạt động tổ chức hội chợ, chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được nhiều nhà sản xuất, phân phối và tiêu dùng; nguồn ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại, kinh phí tuyên truyền và triển khai chương trình hành động còn hạn chế...
"Trong năm 2025, ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin thị trường đến mọi tầng lớp nhân dân; cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng trong tỉnh nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Ngành cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại gắn liền với quảng bá du lịch Hòa Bình. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường... từng bước tạo thói quen mua sắm và ưu tiên sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất”- đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm.
Minh Vũ