Tiếp thêm nguồn lực bảo tồn di sản văn hóa dân tộc

Tiếp thêm nguồn lực bảo tồn di sản văn hóa dân tộc
3 giờ trướcBài gốc
(Ảnh minh họa: QUANG HƯNG)
Sau những lần chỉnh sửa, dự thảo bổ sung nhiều quy định mới, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, một số quy định liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể, di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu và bảo tàng.
Trong đó, việc bổ sung quy định nội dung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, tại Ðiều 92 của dự thảo luật được cho là cần thiết để giải quyết khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia, trên 11.000 di tích cấp tỉnh, tám di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận; 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 571 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh…
Hệ thống di sản văn hóa phong phú này vừa là tài sản và tài nguyên để khai thác và phát triển kinh tế, xã hội, du lịch; vừa là nguồn lực quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, Ðảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đất nước.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho đầu tư, bảo tồn, tu bổ, giữ gìn di tích còn hạn chế so với tiềm năng và nhu cầu thực tế của di sản. Nhiều di tích quốc gia hư hỏng, xuống cấp, nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ, làm giảm ý nghĩa và giá trị của di tích.
Luật Di sản văn hóa hiện hành chỉ quy định nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa; không quy định cụ thể nội dung, việc thực hiện đóng góp tài trợ như thế nào, dẫn đến việc thực hiện không khả thi.
Trong bối cảnh kinh phí Nhà nước hạn chế, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản sẽ huy động được nguồn lực xã hội, kịp thời triển khai hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản chưa được ngân sách bố trí kinh phí hoặc kinh phí chưa đủ để tu bổ; đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu thực tiễn về công tác sưu tầm và bảo quản hiện vật; mua và đưa các hiện vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; mua và bảo quản các hiện vật, cổ vật có giá trị đặc biệt ở trong nước, bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có nguy cơ mai một, thất truyền…
Thời gian gần đây, việc hồi hương cổ vật có giá trị từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn, một phần do hành lang pháp lý. Phần quan trọng hơn là do không có sẵn nguồn tài chính tham gia các phiên đấu giá theo luật pháp quốc tế. Ðã có không ít chuyên gia trong lĩnh vực di sản khuyến cáo việc cần thiết nghiên cứu và đề xuất Quốc hội cho phép thành lập quỹ đặc biệt về di sản văn hóa để có ngân sách dự phòng đặc biệt cho di sản văn hóa dân tộc.
Vì vậy, việc quy định nội dung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, là căn cứ pháp lý thành lập quỹ.
Thực tế ở một số lĩnh vực, chúng ta đã có một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập, có tư cách pháp nhân như Quỹ Ðổi mới công nghệ quốc gia thành lập năm 2021 theo Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước thành lập năm 2021 theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, năm 2020, Quỹ Hỗ trợ phát triển Du lịch được thành lập theo Luật Du lịch năm 2017… tuy nhiên, một số quỹ hoạt động không hiệu quả, không huy động được nguồn lực vào quỹ.
Việc luật hóa nội dung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa góp phần tạo hành lang pháp lý để xây dựng cơ chế và chính sách phù hợp yếu tố đặc thù trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, hỗ trợ kịp thời, thuận lợi các hoạt động theo những mục tiêu nêu trên.
Tuy nhiên, cần cân nhắc khả năng huy động được sự đóng góp của cộng đồng và các đối tượng hưởng lợi từ hoạt động di sản…
Mặc dù đã thể hiện rõ trong dự thảo Luật về các nguồn thu, vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật đã được quy định…, song cơ quan soạn thảo cần tiếp tục tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa hoàn thiện các quy định liên quan tới quỹ này, bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch và các điều kiện để quỹ hoạt động thực sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, bám sát thực tiễn và dự đoán các hành vi trục lợi từ loại hình quỹ này, để nguồn kinh phí xã hội hóa cùng ngân sách nhà nước phát huy tối đa hiệu quả trong các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa một cách chủ động, chuyên nghiệp; tránh tình trạng luật ban hành không theo kịp thực tế phát triển của xã hội.
NGỌC LIÊN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/tiep-them-nguon-luc-bao-ton-di-san-van-hoa-dan-toc-post835074.html