Tiếp thêm sức hút đầu tư cho Khu kinh tế Thái Bình

Tiếp thêm sức hút đầu tư cho Khu kinh tế Thái Bình
8 giờ trướcBài gốc
Cảng hàng lỏng Ba Lạt vừa được khởi công tại xã Hưng Phú là công trình hạ tầng đầu tiên trong chuỗi logistics ven biển mới hình thành. Cảng được kỳ vọng sẽ bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định, giảm chi phí vận chuyển và tạo lợi thế cạnh tranh cho khu vực ven biển. Khi hạ tầng mở đường, làn sóng đầu tư mới đang được kích hoạt, khu kinh tế Thái Bình đứng trước thời cơ lớn để bứt phá và khẳng định vị thế trên bản đồ thu hút đầu tư quốc gia.
Nhà đầu tư khẩn trương triển khai thi công dự án Cảng hàng lỏng Ba Lạt.
Cuối tháng 6 vừa qua, tại xã Hưng Phú, tỉnh Hưng Yên, dự án khu bến cảng hàng lỏng Ba Lạt chính thức được khởi công. Đây là dự án đầu tiên trong hệ thống hạ tầng cảng năng lượng ven biển. Dự án mang ý nghĩa chiến lược trong xây dựng chuỗi logistics hiện đại và phát triển công nghiệp vùng duyên hải phía Bắc. Dự án được khởi công trong thời điểm hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh đang được đầu tư hoàn thiện nhanh chóng, bao gồm tuyến cao tốc CT.16 kết nối trực tiếp với khu vực Ba Lạt; các tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), Vành đai 5 Hà Nội (CT.39) cùng hệ thống quốc lộ và tuyến đường ven biển đang được đẩy nhanh tiến độ.
Cảng hàng lỏng Ba Lạt có tổng diện tích trên 68.500m2, được thiết kế để tiếp nhận tàu trọng tải đến 3.000 tấn, công suất thông quan 150.000 tấn/năm và hệ thống kho chứa gần 5.000m2. Ngoài khu cầu cảng, dự án còn có nhà điều hành, hệ thống bồn bể, khu xử lý nước thải, đường dẫn và các hạng mục kỹ thuật hoàn chỉnh. Ông Ngô Văn Phát, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành (nhà đầu tư dự án) chia sẻ: Tôi tin rằng khi cảng Ba Lạt hình thành sẽ mở ra hành lang logistics ven biển có năng lực cạnh tranh cao, không chỉ phục vụ khu vực đồng bằng mà còn kết nối với trung du và miền núi Bắc Bộ. Cảng được xây dựng nhằm vận chuyển xăng, dầu, đồng thời là bước khởi đầu cho cả một chuỗi logistics năng lượng gắn với các KCN trong khu kinh tế Thái Bình.
Cảng hàng lòng Ba Lạt được đầu tư tại cửa sông Hồng đổ ra biển Đông với quy mô diện tích trên 68.500 m².
Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa bàn tỉnh Hưng Yên sẽ đóng vai trò trung tâm kết nối logistics liên vùng - liên tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang quy hoạch và đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cảng thủy nội địa trên sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc và sông Hóa, đủ năng lực tiếp nhận tàu đến 3.000 tấn. Cảng biển Ba Lạt, nơi đặt dự án cảng hàng lỏng, là một trong ba khu bến chính của tỉnh Hưng Yên nằm trong nhóm cảng biển số 1 quốc gia. Đây là nền tảng để hình thành trung tâm logistics ven biển cấp vùng. Cùng với đó, tỉnh đã quy hoạch mới 4 cảng cạn chia thành hai cụm: Cảng cạn Nam Phú, Tân Trường (phía Đông) và cảng cạn Hưng Hà, Quỳnh Côi (phía Tây). Đây sẽ là chuỗi vận chuyển hàng hóa từ cảng biển, thông qua đường bộ, đường thủy nội địa, đến các KCN và thị trường tiêu dùng. Đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hưng Yên cho biết: Việc đồng bộ hệ thống cảng biển, đường bộ, cảng cạn và quy hoạch thêm sân bay chuyên dụng ven biển sau năm 2030 là cơ sở quan trọng để Hưng Yên hình thành hệ sinh thái logistics đa phương thức. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng hạ tầng đi trước một bước để đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào khu kinh tế Thái Bình.
Cảng hàng lỏng Ba Lạt được thiết kế với công suất thông quan 150 nghìn tấn/năm.
Dự án cảng hàng lỏng Ba Lạt không chỉ là một công trình kỹ thuật quy mô, mà còn là tín hiệu mở cửa cho dòng đầu tư mới vào khu kinh tế Thái Bình. Trong năm 2024, tỉnh đã thu hút hơn 180 dự án đầu tư mới, tăng hơn 80% so với năm trước, với tỉ trọng lớn đến từ lĩnh vực chế biến, chế tạo và logistics. Các nhà đầu tư lớn như Green i-Park, VSIP, Tập đoàn Phú Thành... đang góp phần định hình mô hình khu công nghiệp xanh, hiện đại, tích hợp logistics. Với hạ tầng logistics đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng cảng biển, cảng cạn và giao thông kết nối, chính là tiêu chí then chốt trong đánh giá môi trường đầu tư hiện nay. Mới đây, tại cuộc làm việc với Bộ Xây dựng về phát triển cảng biển, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, trong giai đoạn tới, mục tiêu của tỉnh là mở rộng không gian kinh tế hướng biển, trọng tâm là xây dựng khu kinh tế Thái Bình trở thành cụm phát triển kinh tế đa ngành, tạo động lực tăng trưởng cho tỉnh Hưng Yên nói riêng và cả nước nói chung. Việc tỉnh Hưng Yên triển khai cảng hàng lỏng và các công trình hạ tầng đi kèm thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược và năng lực tổ chức thực hiện của địa phương. Bên cạnh đó, chính sách của tỉnh cũng đang được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, như cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, quy hoạch đất sạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhanh gọn, đồng hành sau cấp phép sẽ tạo sức hút đầu tư mạnh mẽ hơn vào khu kinh tế.
Cảng hàng lỏng Ba Lạt là công trình tiên phong trong hạ tầng logistics năng lượng, là khởi đầu cho giai đoạn phát triển mới của tỉnh Hưng Yên. Với hệ thống hạ tầng đa phương thức đang dần hoàn chỉnh và tư duy chiến lược “đi tắt đón đầu”, Hưng Yên chủ động nâng tầm vị thế khu kinh tế ven biển, hướng đến trở thành trung tâm logistics - công nghiệp - dịch vụ có tính liên kết vùng cao, đủ sức cạnh tranh và hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.
Theo thiết kế, cảng hàng lỏng Ba Lạt có khu cầu cảng, nhà điều hành, hệ thống bồn bể, khu xử lý nước thải, đường dẫn và các hạng mục kỹ thuật hoàn chỉnh.
Khắc Duẩn
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/tiep-them-suc-hut-dau-tu-cho-khu-kinh-te-thai-binh-3182843.html