Tiếp thị số: Hợp tác xã cần được 'cầm tay chỉ việc'

Tiếp thị số: Hợp tác xã cần được 'cầm tay chỉ việc'
4 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, do hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, nhiều HTX vẫn cần được “cầm tay chỉ việc” trong lĩnh vực này, nhất là việc livestream bán hàng.
Hiệu quả thấy rõ
Thành lập cách đây gần 1 năm, HTX Nông-lâm nghiệp và dịch vụ An Lộc (xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang) chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng đặc trưng của vùng Tây Nguyên như: măng le, chuối hột rừng, nghệ, nấm linh chi rừng...
Hiện tại, HTX có một số lợi thế, đặc biệt là có thể nhanh chóng gia nhập thị trường trong bối cảnh tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX tham gia các sàn thương mại điện tử, tiếp thị số.
Bà Phạm Thị Từ Vân (bìa phải)-Giám đốc HTX Nông-lâm nghiệp và dịch vụ An Lộc livestream bán hàng (ảnh nhân vật cung cấp).
Bà Phạm Thị Từ Vân-Giám đốc HTX Nông-lâm nghiệp và dịch vụ An Lộc-cho biết: “Ngoài bán hàng trực tiếp thì chúng tôi còn bán hàng qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Mới đây, qua 2 đợt tập huấn và tham gia tiếp thị, bán hàng qua mạng xã hội TikTok, được hướng dẫn cách livestream, chúng tôi đã tiếp cận với một số khách hàng trong cả nước. Các sản phẩm của HTX đã bán được cho nhiều khách hàng ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai”.
Cũng theo bà Vân, để tiếp thị và bán hàng qua kênh TikTok, HTX đã đầu tư mua sắm thiết bị, bố trí không gian phù hợp. Bà cùng các thành viên HTX cũng thiết lập khung thời gian cố định trong ngày để livestream bán hàng, thường là từ 19 giờ và mỗi phiên livestream kéo dài 1-2 tiếng đồng hồ. “Hiện 30% lượng sản phẩm được bán qua kênh TikTok. Tin rằng lượng hàng bán qua kênh này sẽ tăng lên dần trong tương lai”-bà Vân phấn khởi cho hay.
Tương tự, bà Trần Thị Hoàng Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai) chia sẻ: “Bán hàng online là cơ hội rất lớn để những nhà sản xuất nhỏ có thể tiếp cận với nhiều khách. So với kênh tiêu thụ truyền thống thì bán hàng qua các sàn thương mại điện tử thu hút lượng khách nhiều hơn hẳn. Đặc biệt, chỉ cần nắm rõ cách thức livestream và tự tin trong thể hiện thì hiệu quả bán hàng sẽ tăng lên nhiều”.
Nhiều HTX cần được hỗ trợ
Tuy nhiên, không phải HTX nào cũng thuận lợi trong việc tiếp cận, triển khai hoạt động tiếp thị số. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tơ Tung (huyện Kbang) thông tin: Hợp tác xã có 70 thành viên, sản xuất kinh doanh 3 sản phẩm gồm: măng le rừng Kbang, tinh dầu sả Java nguyên chất và bí đao sấy khô Thanh Hương. Các sản phẩm này đều đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Từ năm 2017, các sản phẩm của HTX đã được bán qua các kênh Zalo, Facebook hoặc các sàn thương mại do tỉnh hỗ trợ như: https://ocopgialai.vn, http://www.thuongmaigialai.vn... Doanh số bán hàng qua các sàn thương mại điện tử chiếm 70% tổng lượng hàng bán ra của HTX.
“Tuy nhiên, 2/3 thành viên HTX là người dân tộc thiểu số; thành viên trẻ nhất khoảng 30 tuổi, lớn nhất là hơn 70 tuổi. Vì vậy, chúng tôi chưa tiếp cận được với cách thức tiếp thị, quảng bá sản phẩm mới như livestream trên ứng dụng TikTok. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ trực tiếp kiểu “cầm tay chỉ việc”-bà Hương bày tỏ.
Ông Phạm Quốc Trưởng-Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ-nông nghiệp Ia Tô (huyện Ia Grai) cho biết, độ tuổi thành viên nhỏ nhất của HTX cũng đã ngoài 30 nên khâu tiếp thị số rất hạn chế. Ảnh: Hà Duy
Đồng quan điểm, ông Phạm Quốc Trưởng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ-nông nghiệp Ia Tô (huyện Ia Grai) thông tin: “Hợp tác xã có gần 100 thành viên, người trẻ nhất cũng đã ngoài 30 tuổi nên khâu tiếp thị số rất hạn chế và gần như chưa có hoạt động livestream.
Mặc dù cũng tham gia tập huấn đầy đủ nhưng do hạn chế về công nghệ, độ nhạy bén nên chúng tôi rất cần được hướng dẫn một cách tường tận, cặn kẽ hơn về tiếp thị số, livestream bán hàng”.
Gia Lai hiện có 462 HTX đăng ký hoạt động. Để hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-cho biết: Đơn vị đã đăng ký cho 4 HTX tham gia Dự án “Thanh niên trong HTX là chủ thể của chuyển đổi số tại địa phương”; tổng hợp danh sách 5 HTX đăng ký hỗ trợ xây dựng website, phần mềm, ứng dụng thương mại điện tử năm 2024 gửi Sở Công thương; phối hợp với các sở, ngành kết nối, tổ chức tập huấn cho các HTX về chuyển đổi số, tham gia sàn thương mại điện tử…
Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh”, Sở Công thương đã tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại, giải pháp kinh doanh trực tuyến hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, TikTok Shop... cho doanh nghiệp, HTX.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều HTX ở vùng sâu, vùng xa rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, ngành theo cách “cầm tay chỉ việc” để có thể tiếp cận, phát triển hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
HÀ DUY
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/tiep-thi-so-hop-tac-xa-can-duoc-cam-tay-chi-viec-post299632.html