Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Lê Quang Huy - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh: Đây là một dự án luật mới, lần đầu tiên được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển nhanh, bền vững và toàn diện của ngành công nghiệp nền tảng trong kỷ nguyên số.
Theo Ủy viên UBTVQH Lê Quang Huy, một trong những nội dung quan trọng được tiếp thu và chỉnh lý liên quan đến việc xác lập khu công nghệ số tập trung. Trước đó, một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về sự cần thiết của loại hình khu vực này, cũng như mối liên hệ giữa nó với khu công nghệ cao (theo Luật Công nghệ cao) và khu công nghệ thông tin tập trung (theo Luật Công nghệ thông tin). Vấn đề này, UBTVQH giải trình: Quy định về khu công nghệ số tập trung trong dự thảo không tạo ra loại hình khu chức năng mới mà thực chất là sự kế thừa, chuyển tiếp từ khái niệm khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung. Trong bối cảnh công nghiệp CNTT đang phát triển thành công nghiệp công nghệ số, việc điều chỉnh tên gọi và nội dung quản lý là cần thiết để phù hợp với thực tiễn. Khu công nghệ số tập trung sẽ là nơi diễn ra các hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số theo mô hình công nghiệp hiện đại, khác biệt rõ ràng với khu công nghệ cao vốn hướng đến hoạt động ươm tạo, nghiên cứu, đào tạo và sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Dự thảo Luật đã có các quy định chuyển tiếp và điều khoản thi hành cụ thể để bảo đảm sự kế thừa, ổn định và thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời không ảnh hưởng đến hoạt động của các khu CNTT tập trung hiện nay.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Lê Quang Huy - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận báo cáo giải trình.
Dự thảo Luật đề xuất nhiều chính sách ưu đãi về thuế và đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghệ số – lĩnh vực được xác định là trụ cột phát triển trong các nghị quyết quan trọng của Trung ương và Bộ Chính trị. Cụ thể, chi phí đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ số sẽ được khấu trừ gấp đôi (200%), trong khi các khoản đầu tư vào dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ số sẽ được khấu trừ 150%. Ngoài ra, dự thảo còn quy định giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn và doanh nghiệp điện tử nước ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc “một vấn đề chỉ quy định trong một luật”, các chính sách ưu đãi này sẽ được rà soát, đưa vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để tạo sự đồng bộ và khả thi trong áp dụng.
Dự thảo Luật CNCNS quy định rõ về hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời đề cập đến chiến lược phát triển AI toàn diện. Luật hướng đến mục tiêu khuyến khích ứng dụng AI vào đời sống – xã hội trên cơ sở đảm bảo an toàn, lấy con người làm trung tâm. Theo đó, các hệ thống AI được phân loại theo mức độ rủi ro, chỉ áp dụng biện pháp quản lý đối với hệ thống rủi ro cao và có tác động lớn. Về đề xuất quy định quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm do AI tạo ra, UBTVQH cho biết hiện chưa có cơ sở pháp lý phù hợp để áp dụng, do pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành và các công ước quốc tế đều chưa thừa nhận AI là chủ thể sáng tạo. UBTVQH sẽ tiếp tục nghiên cứu nội dung này và xem xét sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ khi có điều kiện phù hợp.
Toàn cảnh phiên họp chiều nay 9/5
Một nội dung quan trọng khác trong dự thảo Luật là quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số. Đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến do có sự trùng lặp với dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để đảm bảo tính thống nhất, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát và xác định: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ quy định khung pháp lý chung cho cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; còn Luật CNCNS sẽ quy định chi tiết cho lĩnh vực công nghệ số, trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thử nghiệm. Quy định này nhằm bảo vệ người sử dụng và khuyến khích sáng tạo có trách nhiệm.
UBTVQH khẳng định, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã được chỉnh lý một cách công phu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến đóng góp từ đại biểu Quốc hội và các chuyên gia. Luật hướng đến việc xây dựng nền tảng pháp lý tiên phong, tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp số, đồng thời đảm bảo kiểm soát rủi ro và giữ vững nguyên tắc quản lý nhà nước.
Việc thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số trong kỳ họp tới sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển dựa trên khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.
THU HÀ