Hỗ trợ mạnh phục hồi những lĩnh vực đóng góp lớn cho ngân sách
Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 5.11, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến thu, chi ngân sách nhà nước. Công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước được các đại biểu ghi nhận đã có nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách ước vượt 10,1% so với dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Nhất trí cao về việc phải tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 và năm 2025 - năm cuối nhiệm kỳ có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 và tạo tiền đề, chuẩn bị cho 5 năm tiếp theo, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục và tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu, chi ngân sách nhà nước.
Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước, cải thiện công tác lập kế hoạch dự toán, nhất là dự toán thu; kịp thời phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công và đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tiêu cực.
ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chính phủ yêu cầu các địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm thu ngân sách tăng thêm 5% so với năm 2024. Nêu thực tế cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp tại nhiều địa phương, ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) lưu ý, chưa thể lạc quan rằng, các khoản thu trong thời gian tới có thể đạt được như dự kiến. Do đó, đại biểu đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cần hướng dẫn địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải quyết khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. "Chúng ta cần hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các địa phương phục hồi nhanh hơn".
Đánh giá cụ thể các nguồn thu ngân sách nhà nước hiện nay, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn chỉ rõ, thu nội địa còn khó khăn nên cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm hỗ trợ cho các nhóm đối tượng có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Các nhóm đối tượng này, theo đại biểu, "không ai khác ngoài doanh nghiệp", chính vì vậy "cần tiếp tục duy trì những giải pháp hỗ trợ mạnh nhằm phục hồi những lĩnh vực có đóng góp lớn cho ngân sách như thị trường bất động sản, các dự án đã hoàn thành và đang trong quá trình sớm đưa vào sử dụng như các dự án năng lượng… góp phần làm cho thu ngân sách ổn định".
Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý, khi Bộ Tài chính giao cho các địa phương tăng thu thường dựa vào hai nguồn là: xổ số kiến thiết và sử dụng đất. Tuy nhiên, năm 2024 nguồn thu từ sử dụng đất dù lớn nhưng rất chậm vì phải trải qua rất nhiều thủ tục. “Nếu không làm rõ bảng giá đất năm 2024, 2025 hoặc những chính sách mới qua các luật như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở hay Luật Đất đai vừa có hiệu lực thì các nguồn thu từ sử dụng đất sẽ rất khó khăn”. Nêu vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung hướng dẫn các địa phương thật cụ thể, chi tiết, từ đó ra được những giải pháp mạnh nhằm tăng thu ngân sách từ sử dụng đất, góp phần bảo đảm nguồn thu ổn định và nâng dần tỷ lệ thu nội địa.
Cần gỡ "nút thắt" về thể chế với doanh nghiệp nhà nước
Kết quả thu nội địa năm 2024 dự kiến vẫn bảo đảm tăng 8,9% so với dự toán và tăng 6,9% so với cùng kỳ, song ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nêu rõ: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước không tăng, thậm chí giảm so với dự toán, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh đều tăng. “Điều đó cho thấy, cần phải có phân tích, đánh giá kỹ hơn đối với nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước”.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Lâm Hiển
Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân là do Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đang là "nút thắt" về thể chế đối với doanh nghiệp nhà nước. "Cần sớm sửa đổi và hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để việc phân cấp cho doanh nghiệp tự chủ hơn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong hoạt động doanh nghiệp, yếu tố thời cơ rất quan trọng, nếu cứ phải theo những quy trình của đầu tư công sẽ dẫn đến mất đi cơ hội của doanh nghiệp".
Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác hậu kiểm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán nhà nước để bảo đảm việc quản lý, sử dụng vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước phát huy được tác dụng. Đây là nguồn thu tiềm năng mà chúng ta cần phải tập trung cho năm 2025 và những năm tới.
Bên cạnh các biện pháp nhằm tăng thu ngân sách một cách bền vững, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nhất trí với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về việc phải đẩy mạnh chống lãng phí, trong đó, các tài sản công, đất công, vốn nhà nước tại khu vực công rất lớn cần phải chú ý quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Đặc biệt, theo đại biểu, Chính phủ, Quốc hội cần quan tâm đến các lĩnh vực là động lực tăng trưởng hiện nay để có các chính sách phù hợp về thu - chi ngân sách. Đơn cử, với lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, cần giảm hơn nữa thuế giá trị gia tăng; đối với hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nên áp dụng mức thuế giá trị gia tăng ở mức hiện hành là 5%. Hay với lĩnh vực nông nghiệp, cần cân nhắc việc tăng mức thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, nếu muốn tăng thuế thì nên tăng ở tỷ lệ thấp nhất có thể, có thể là 1-2%.
Các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, cần tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, có giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; kiểm soát chặt chẽ bội chi nợ công trong điều kiện phải tăng quy mô nợ để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; tập trung các giải pháp quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, mở rộng cơ sở thu bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước; chú ý các khoản thu từ đất và thương mại điện tử; lưu ý cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu, chi ngân sách; bố trí dự toán cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, tạo nguồn quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương; cơ chế tài chính đặc thù cho một số cơ quan, đơn vị và tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như tăng cường quản lý sử dụng tài sản công.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội để đưa các nội dung quan trọng, cần thiết vào các nghị quyết của Quốc hội.
Nhật An