Một số thông tin sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội về Nghị định 168. Ảnh chụp màn hình
Xuyên tạc nghị định đẩy con người trở nên vô cảm
Mặc dù trước đó, các phương tiện truyền thông chính thống trong nước đã đăng tải thông tin “Không xử phạt vi phạm vượt đèn đỏ khi nhường đường cho xe cứu thương và các xe ưu tiên”, thế nhưng mới đây, các thế lực thù địch vẫn thông tin xuyên tạc rằng: “Khi nghe tiếng còi xe cứu hỏa, cứu thương hay xe cảnh sát trên đường nhưng người dân không dám vượt đèn đỏ hay leo lên lề tránh, đừng vội trách dân. Nghị định 168 đã phơi bày thực trạng: luật vô nhân đạo đẩy con người nên vô cảm. Ai sẽ trả tiền phạt?”; “Xe cấp cứu đứng im một cục vì vẫn còn giận lẫy Nghị định 168”…
Không dừng lại ở đó, một số trang mạng xã hội còn đăng tải video clip với nội dung: “Nhà xe điêu đứng, tài xế bỏ việc vì Nghị định 168” mà địa chỉ, nhân vật, địa điểm, thông tin xe đều bị che mờ, cắt ghép, lập lờ. Hoặc cho rằng “dân không dám ra đường vì sợ không có tiền đóng phạt…”. Tất cả những thông tin xuyên tạc, sai sự thật này đều nhằm mục đích kích động dư luận xã hội, gây mất an ninh trật tự, sâu xa hơn là hòng gây mất niềm tin của người dân vào chính sách cũng như sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Trên thực tế, Nghị định 168 đã được áp dụng vào thực tiễn một cách phù hợp, vừa có lý vừa có tình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Như trường hợp, khoảng 11h50 ngày 25-12-2024, anh Phạm Anh Vượng (sinh năm 1988, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển xe ô tô mang biển kiểm soát 30G-095.xx di chuyển trên đường Võ Chí Công, Thành phố Hà Nội. Khi ngang qua một vụ tai nạn giao thông, anh phát hiện một phụ nữ bất tỉnh trên đường. Không do dự, anh đã vượt đèn đỏ, cùng lực lượng cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Ngày 4-2, trang Facebook Thông tin Chính phủ đã đăng tải thông tin “Không phạt nguội đối với công dân Phạm Anh Vượng - tài xế ô tô vượt đèn đỏ đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu”, đồng thời bình luận: “Khi có hành động đúng đắn, chính quyền sẽ có biện pháp phù hợp để bảo vệ người dân, không để người dân bị thiệt thòi khi thực hiện nghĩa cử cao đẹp”. Sau 6 ngày đăng tải, thông tin này có hàng trăm ngàn lượt like, yêu thích và hơn 6,3 ngàn lượt thích cho bình luận này.
Khi quy định của pháp luật về an toàn giao thông được chấp hành một cách tự giác, nghiêm túc, người dân sẽ đi đến nơi, về đến chốn, hạn chế những nỗi đau do tai nạn giao thông mang lại; đồng thời, có môi trường giao thông an toàn, văn minh. Những so sánh số liệu thống kê về tai nạn giao thông đã cho thấy rõ tác động tích cực của nghị định, đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch.
Vi phạm và tai nạn giao thông đều giảm
Chiều 5-2 vừa qua, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện Bộ Công an đã thông tin về tình hình trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán 2025; đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2025, tình hình trật tự, an toàn giao thông đã có những chuyển biến rất tích cực, tai nạn giao thông giảm sâu trên cả 3 tiêu chí và đặc biệt lần đầu tiên ghi nhận giảm trên 2 con số. Trong đó, so với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024, tai nạn giao thông giảm 258 vụ (tương đương 36,69%); giảm 128 người chết (37,61%); giảm 232 người bị thương (38,34%). Sau hơn một tháng triển khai Nghị định 168, ý thức và hành vi tham gia giao thông của người dân, những người lái xe dịch vụ, xe tải, xe khách... và của cả chủ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều đã chuyển biến rất tích cực và rõ rệt. Người dân đã chấp hành nghiêm túc hơn các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông ngay cả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; đặc biệt là chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chấp hành việc đi đúng phần đường, làn đường theo quy định; trên đường cao tốc các phương tiện không chạy ở làn dừng khẩn cấp...
Đáng chú ý, nhiều lỗi vi phạm đã giảm mạnh so với thời gian trước liền kề, điển hình như: tổng số trường hợp bị xử phạt do vi phạm giảm 12,8%; vi phạm về nồng độ cồn giảm 13%; vi phạm về tốc độ giảm 2,1%; vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng xe giảm 44%.
Tại Đồng Nai, theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, sau một tháng thực hiện Nghị định 168 (từ ngày 1 đến 31-1), tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước và thời gian trước liền kề.
Cụ thể, trong thời điểm trên, toàn tỉnh đã xảy ra 44 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 31 người chết, 17 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024, số vụ tai nạn giảm 43,58%, giảm 42,59% số người chết và 64,58% số người bị thương.
Tăng cường tuyên truyền về hiệu quả pháp luật về giao thông
Để tiếp tục đưa quy định pháp luật vào đời sống, tạo đồng thuận trong xã hội, thời gian tới, Bộ Công an đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường tuyên truyền về hiệu quả của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng như Nghị định 168 và những chuyển biến của tình hình trật tự an toàn giao thông. Qua đó, tiếp tục nâng cao ý thức của mọi người dân khi tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.
Còn theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, mỗi một người dân cần nêu cao ý thức chấp hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục duy trì các đợt tuần tra, kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu tai nạn và vi phạm giao thông với mục tiêu không chỉ là xử phạt, mà còn là nâng cao nhận thức, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.
Từ quá trình triển khai áp dụng Nghị định 168 vào thực tiễn thời gian qua có thể thấy, phản biện, góp ý cho một chính sách công, quy định mới là cần thiết, góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng. Thế nhưng, điều này cũng đòi hỏi mang tính xây dựng, khách quan, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Ngược lại, việc lợi dụng việc triển khai Nghị định 168 trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông để tung ra những lập luận xuyên tạc, sai lệch của các đối tượng phản động, các tổ chức truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam hòng làm rối loạn trật tự xã hội rất đáng lên án. Bởi mục tiêu cuối cùng của việc thực hiện chính sách này chính là xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao thông, tạo nền tảng cho một xã hội tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi của mọi người dân.
Lâm Viên - Nhật Hạ