Cán bộ Trạm Y tế xã Yên Mạc (Yên Mô) tuyên truyền phòng chống bệnh sởi cho học sinh Trường THCS Vũ Phạm Khải.
Tại xã Yên Mạc (Yên Mô), đã có 9 trường hợp ghi nhận mắc bệnh sởi, trong đó có 5 học sinh Trường THCS Vũ Phạm Khải.
Bác sỹ Phạm Văn Chấn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Mạc cho biết: Khi xuất hiện các ca bệnh sởi trên địa bàn, nhất là các ca tại trường học, Trạm Y tế đã phối hợp với nhà trường tổ chức phun hóa chất, hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng dịch, tiến hành điều tra dịch tễ không để bệnh phát sinh, lan rộng.
Bên cạnh đó, xác định vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu, Trạm đã phối hợp với các nhà trường trên địa bàn tuyên truyền về sự cần thiết phải tiêm chủng để người dân đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng.
Tại Trạm Y tế xã cũng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, máy móc, cơ số thuốc, hóa chất… sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi.
Đối với Trường THCS Vũ Phạm Khải, khi xuất hiện các ca bệnh sởi trong học sinh, nhà trường đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong môi trường học đường.
Anh Nguyễn Văn Tiến, cán bộ y tế học đường Trường THCS Vũ Phạm Khải cho biết: Từ ngày 9/4, Trường có 5 học sinh nghỉ học vì mắc bệnh sởi. Nhà trường đã lập danh sách, phối hợp với Trạm Y tế theo dõi sức khỏe học sinh. Yêu cầu các gia đình cho con em ở nhà chăm sóc, cách ly trong thời gian mắc bệnh. Cùng với việc phun khử khuẩn ở tất cả các lớp học, khuôn viên trường, nhà trường cũng tuyên truyền để giáo viên, học sinh, phụ huynh nắm bắt được thông tin về tình hình dịch sởi, tích cực áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân như: đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc đông người, rửa tay sát khuẩn…
Bên cạnh đó, để bảo đảm có thêm nhiều học sinh được phòng bệnh bằng vắc xin, nhà trường tiếp tục rà soát các trường hợp học sinh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi để thông báo, nhắc phụ huynh quan tâm đưa con em đi tiêm chủng…
Cán bộ Trạm Y tế xã Quang Thiện (Kim Sơn) tuyên truyền, hướng dẫn người dân đưa con em đi tiêm chủng theo lịch.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn quốc đã ghi nhận 67.904 trường hợp nghi sởi với 8 trường hợp tử vong và tiếp tục ghi nhận số trường hợp nghi sởi cao
nhất tại khu vực miền Nam. Hầu hết các trường hợp mắc sởi đều không tiêm chủng, chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tại Ninh Bình, theo báo cáo từ Hệ thống giám sát trên địa bàn tỉnh, trong những tuần gần đây, số ca mắc sởi đang xu hướng gia tăng, tản phát ở nhiều địa phương, nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát.
Tính từ đầu năm đến ngày 21/4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 402 trường hợp mắc sởi, trong đó có 351/402 trường hợp chưa được tiêm chủng, không rõ tiền sử tiêm chủng hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Đặc biệt, có 105/402 ca mắc từ 11-15 tuổi phân bổ tại 22 xã, phường thuộc 6 huyện, thành phố với 6 chùm ca bệnh tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh.
Nhóm trên 10 tuổi (nhóm tuổi không thuộc diện tiêm chiến dịch đợt 1 và đợt 2) lại chiếm 38,3%, tăng 18,3% so với tuần trước, trong đó nhóm 11-15 tuổi chiếm 25,1% và nhóm trên 16 tuổi chiếm 10,7%.
Đây là số mắc sởi cao nhất trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Kết hợp giữa việc virus sởi đang lưu hành và khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng, dự báo trong thời gian tới số mắc sởi sẽ vẫn còn tiếp tục tăng cao.
Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng vắc xin phòng sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh một số năm gần đây chưa đạt hiệu quả cao (đạt tỷ lệ dưới 95%) do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và gián đoạn nguồn cung ứng vắc xin từ Trung ương trong một số giai đoạn.
Qua 2 đợt chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho nhóm đối tượng từ 6-9 tháng tuổi và 1-10 tuổi, tỉnh Ninh Bình đã tiêm được 9.672 đối tượng/10.119 đối tượng, đạt tỷ lệ 95,6%.
Qua công tác điều tra trong các trường học, các nhà trường đã rà soát, lập danh sách các học sinh thuộc diện phải tiêm chủng trong Chiến dịch đợt 3.
Đối với điều tra tại cộng đồng, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đã phối hợp với Y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, trưởng thôn... và chính quyền địa phương rà soát nhóm đối tượng từ 11-15 tuổi không đi học và đang có mặt tại địa phương, bao gồm cả đối tượng vãng lai, trẻ sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội (trung tâm giáo dưỡng, trại trẻ mồ côi, đền chùa, nhà bảo trợ xã hội). Theo thống kê, toàn tỉnh có 2.657 trẻ từ 11-15 tuổi thuộc đối tượng tiêm chủng vắc xin phòng sởi đợt 3 Chiến dịch.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Mai Thanh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rús sởi gây ra, là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ em trên toàn cầu mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Bệnh rất dễ lây và có khả năng gây dịch lớn, 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác. Người mắc bệnh chủ yếu là trẻ em chưa tiêm chủng, hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi.
Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua các đồ vật mới bị nhiễm các dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban; có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy....
Do đó, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi đợt 3 trên địa bàn tỉnh hướng tới mục tiêu trên 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc xin chứa thành phần sởi. Qua đó góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi.
Bài, ảnh: Bùi Diệu