Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong để hiểu hơn vấn đề này.
Thưa ông, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng đầu năm 2025, cụ thể đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%)… Vậy, ông đánh giá như thế nào về kết quả của chính sách này với việc thực hiện xuyên suốt qua 3 năm qua?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong - Ảnh: Quốc Chuyển
Thuế giá trị gia tăng (VAT) là một khoản thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng cuối cùng và tính theo mỗi công đoạn của chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu dùng. Tổng số thuế phải thu ở mỗi công đoạn trong dây chuyền kinh tế là một tỷ lệ cố định đối với phần giá trị gia tăng được công đoạn kinh doanh thêm vào trong sản phẩm. Hàng xuất khẩu thường không phải chịu thuế VAT hoặc cách khác, VAT đối với người xuất khẩu được hoàn lại. Các doanh nghiệp có thể được hoàn lại VAT đối với nguyên vật liệu và dịch vụ mà họ mua để tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ tiếp theo để trực tiếp hay gián tiếp bán cho người sử dụng cuối.
Ở Việt Nam, mức thuế VAT phổ biến nhất cho các loại hàng hóa là 10%. Nghĩa là, một mặt hàng thông dụng doanh nghiệp mua về để bán đều có sẵn trong đó 10% thuế VAT, nhưng cũng có các loại mặt hàng hóa đặc biệt chỉ chịu thuế suất là 5%, thậm chí có loại là 0%.
Trong giai đoạn 2022-2024, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Kết quả cho thấy, năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021.
Năm 2023, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 trong 6 tháng cuối năm 2023 hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022. Sang năm 2024, số thuế giá trị gia tăng được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ước khoảng 49 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, tính chung giai đoạn 2022-2024, giá trị khoản hỗ trợ từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% lên tới 123,8 nghìn tỷ đồng, góp phần giúp giảm giá thành cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Như vậy, có thể thấy, việc xây dựng Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Ông đánh giá như thế nào về đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế trong 6 tháng đầu năm 2025, đặc biệt trong việc trợ lực kích thích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như tạo xung lực tăng trưởng nền kinh tế?
Theo Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ và Báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội từ năm 2022-2023 và 10 tháng đầu năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nhiều điểm tích cực, với sự cải thiện liên tục tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; sự ổn định chỉ số giá tiêu dùng (CPI); sự gia tăng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa và tổng thu ngân sách nhà nước.
Việc giảm thuế 2% sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách cũng như nền kinh tế - Ảnh: Mocchaumilk
Theo đó, có thể đánh giá rằng, chính sách giảm thuế GTGT 2% đã góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách giảm thuế GTGT là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Tóm lại, việc giảm 2% thuế GTGT đang và sẽ giúp cho các cơ sở kinh doanh, người dân đều được hưởng lợi và nền kinh tế có thêm động lực phục hồi kinh doanh, thể hiện sự hỗ trợ, chia sẻ thiết thực, trực tiếp và hiệu quả nhất của nhà nước; đồng thời, đòi hỏi Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, tăng cường triển khai hiệu quả các Luật thuế và quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế... bù vào phần hụt thu ngân sách nhà nước do giảm thuế.
Vậy, theo ông, cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế như thế nào để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng, đặc biệt trong năm tới?
Bên cạnh những yếu tố tích cực, hiện vẫn còn tồn tại không ít thách thức, rủi ro có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2025 (kế hoạch là 6,5-7%). Tuy nhiên, theo tôi, mục tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế của cả nước năm 2025 vừa được Quốc hội thông qua về cơ bản là hợp lý và thậm chí khá thận trọng, có nhiều cơ sở và có tính khả thi cao trong giả định bối cảnh thế giới không có nhiều đột biến lớn…
Ngoài giải pháp giảm thuế GTGT 2% để góp phần giúp giảm giá thành, giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách giảm thuế GTGT là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển… thì Chính phủ cần tiếp tục nhất quán các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023-2024, nhất là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu…
Đồng thời, thúc đẩy triển khai hiệu quả Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024; tiếp tục cải cách hành chính thực chất, giảm thiểu chi phí cơ hội của người dân và doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm, năng lực và hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ công chức, nhất là đối với người đứng đầu…
Đặc biệt, cần theo dõi sát tình hình thế giới, phản ứng chính sách phù hợp, ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nghiên cứu giảm lãi suất cho vay, phát hành trái phiếu để thực hiện các công trình hạ tầng chiến lược, miễn giảm thuế, phí, lệ phí… cho doanh nghiệp, điều hành tỷ giá phù hợp, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và năng lượng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, phát triển thị trường vốn, xây dựng các trung tâm tài chính… Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững.
Đỗ Nga