Tiếp tục đổi mới và tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Tiếp tục đổi mới và tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
23 phút trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình tại Phiên họp (Ảnh: Hồ Long)
Chính phủ chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra vào chiều 5/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nêu một số nội dung đáng chú ý của dự án Luật.
Cụ thể, về hệ thống VBQPPL, với chủ trương tiếp tục tinh gọn hệ thống VBQPPL, dự thảo Luật bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp xã để bảo đảm thống nhất với đề xuất nêu tại Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật mà Đảng đoàn QH đã trình Bộ Chính trị; thay đổi 1 hình thức từ quyết định sang hình thức thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước để bảo đảm tính tương đồng, thống nhất với hình thức VBQPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC ban hành; bổ sung 1 hình thức VBQPPL do Chính phủ ban hành là nghị quyết. So với Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, dự thảo Luật giảm 1 hình thức VBQPPL (hiện gồm 26 hình thức) và giảm 2 chủ thể có thẩm quyền ban hành (hiện có 16 chủ thể).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết: Nhằm phân định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội trong quy trình xây dựng pháp luật, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ quy định bảo đảm Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình; Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình
Ngoài ra, nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới tư duy, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, dự thảo Luật quy định đổi mới toàn diện, mạnh mẽ quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Với tinh thần đó, khi thiết kế quy định cụ thể, dự thảo Luật đã lược bỏ một số thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian ở một số công đoạn như đăng tải, lấy ý kiến.
Nội dung đổi mới trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL tập trung vào 3 vấn đề lớn, trọng tâm: đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của QH, UBTVQH; hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; ban hành VBQPPL trong trường hợp đặc biệt. Trong đó, thời gian ban hành luật có thể rút ngắn từ 22 tháng xuống 12 tháng, thậm chí xuống 5 tháng hay thời gian để xây dựng, ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn chỉ mất khoảng 1 - 2 tháng (giảm được 6 - 8 tháng).
Toàn cảnh phiên họp
Đáng chú ý về vai trò của cơ quan trình dự án luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của QH, UBTVQH, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh: Với tinh thần mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm, trên cơ sở chủ trương của Đảng về việc đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền về kiểm soát quyền, lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, cần thiết phải phân định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Chính phủ và QH trong quy trình xây dựng pháp luật. Theo đó, dự thảo Luật sẽ quy định để bảo đảm Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình; QH là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, QH để chỉnh lý dự thảo luật. Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung các quy định nhằm phân định rõ vai trò cũng như tăng cường cơ chế phối hợp giữa của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và UBTVQH trong quá trình trình, thẩm tra, cho ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Thường trực Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản bám sát, thể chế hóa đầy đủ định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/1/2025 của Bộ Chính trị và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Dự thảo Luật được thiết kế gọn hơn với 8 chương, 72 điều (giảm 101 điều so với Luật hiện hành) dù phạm vi điều chỉnh được mở rộng hơn để bao hàm một số nội dung về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật khác được trình Quốc hội xem xét thông qua tại cùng Kỳ họp.
Thường trực Ủy ban cơ bản thống nhất với cơ quan trình dự án về việc lược giảm hình thức VBQPPL của HĐND, UBND cấp xã và của HĐND quận; bổ sung nghị quyết của Chính phủ là VBQPPL; thay đổi hình thức VBQPPL của Tổng Kiểm toán nhà nước. Đối với đề xuất lược giảm hình thức VBQPPL của UBND quận, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng thêm, vì UBND quận là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành các hoạt động trên địa bàn, nếu không được giao thẩm quyền ban hành VBQPPL thì có thể sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng như thực hiện phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan, tổ chức cấp dưới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Thường trực Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản bám sát, thể chế hóa đầy đủ định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật
Về việc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề lớn của hồ sơ chính sách và dự thảo VBQPPL, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH tán thành với quy định của dự thảo Luật vì mặc dù có sự thay đổi trong vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết so với quy định của Luật hiện hành nhưng UBTVQH vẫn có trách nhiệm xem xét, cho ý kiến, chỉ đạo công tác tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng của dự thảo văn bản trình Quốc hội; trong quá trình này có thể phát sinh các vấn đề lớn, quan trọng cần xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nên quy định nêu trên của dự thảo Luật là phù hợp.
Một số ý kiến khác cho rằng quy định nêu trên của dự thảo Luật là thể chế hóa nội dung tại khoản 2 Điều 14 của Quy định số 178-QĐ/TW, nhưng nội dung này tương thích với quy trình của Luật Ban hành VBQPPL hiện hành là cơ quan chủ trì thẩm tra giúp UBTVQH nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Tuy nhiên, dự thảo Luật đã chuyển trách nhiệm chủ trì tiếp thu, chỉnh lý sang cơ quan trình, do đó đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng giao tổ chức đảng của cơ quan trình có trách nhiệm xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng về các vấn đề lớn của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn:
"Tăng cường thêm vai trò của cơ quan trình trong việc chịu trách nhiệm đến cùng với dự án"
Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn
Tôi đề nghị làm rõ thêm tăng cường vai trò của cơ quan trình trong việc chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án do cơ quan mình trình. Việc làm luật phải do Bộ trưởng, Trưởng ngành chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối trong quá trình soạn thảo. Tổng Thư ký QH xem liệu nếu Bộ trưởng, Trưởng ngành không tham dự phiên làm việc biểu quyết thông qua dự án luật mà chỉ cử cấp phó đi thì sẽ không thông qua, phải tăng cường kỷ luật để nâng cao chất lượng của luật.
Tôi nhất trí bổ sung hình thức nghị quyết của Chính phủ là hình thức VBQPPL theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ lưỡng nội dung quy định ban hành nghị quyết có trùng lắp với nội dung ban hành nghị định.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh:
"Đồng tình rất cao với chủ trương “chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do cơ quan mình trình”
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh
Tôi tán thành việc bổ sung hình thức nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị điều chỉnh lại để có phân biệt phạm vi điều chỉnh giữa nghị quyết quy phạm pháp luật với nghị quyết là văn bản cá biệt.
Về những quy định nhằm bảo đảm Chính phủ, cơ quan trình dự án luật chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do cơ quan mình trình, tôi đồng tình rất cao với chủ trương này và chắc chắn các đại biểu QH sẽ rất phấn khởi. Tuy nhiên, đề nghị rà soát, nghiên cứu thêm vấn đề này trên cơ sở kế thừa các quy định, quy trình hợp lý, cần thiết, phát huy những điểm tốt của Luật hiện hành để giảm sự bị động của các cơ quan của QH và bảo đảm chất lượng, tiến độ cho việc thông qua luật, nghị quyết, bảo đảm phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan lập pháp trong giai đoạn chỉnh lý và thông qua luật…
Hoàng Thư
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/tiep-tuc-doi-moi-va-tinh-gon-he-thong-van-ban-quy-pham-phap-luat-post539056.html