Cục Tài chính doanh nghiệp đã tham mưu, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của DNNN. Ảnh tư liệu
Chủ động, tích cực hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2024
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025 của Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN), bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng cho biết, tính đến hết ngày 20/12/2024, Cục TCDN tiếp nhận trên 14.100 văn bản đến; trình Bộ Tài chính ban hành 771 văn bản, Cục ban hành 2.750 văn bản về các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục TCDN.
Năm 2024, Cục TCDN đã bám sát chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền để kịp thời tham mưu, báo cáo xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc về tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, có thể kể đến như Đề án tái cơ cấu VNA, xử lý các vấn đề tài chính của SBIC…
Về thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (DATC, Tập đoàn Bảo Việt), Cục TCDN đã tham mưu, trình Bộ có văn bản gửi các đơn vị về việc giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Cục TCDN tham mưu, trình Bộ có văn bản gửi các đơn vị về các nội dung liên quan đến sắp xếp lại cơ sở nhà đất; phê duyệt báo cáo tài chính 2023 và kế hoạch kinh doanh 2024; Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên và Quy chế hoạt động của người đại diện phần vốn nhà nước; giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2023; quyết toán quỹ tiền lương thực hiện năm 2023 và kế hoạch năm 2024…
Đối với công việc thường xuyên, trong năm 2024, Cục TCDN đã tiếp nhận và tham gia ý kiến về năng lực tài chính của nhà đầu tư đối với 19 hồ sơ dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực; có ý kiến tham gia với các bộ ngành (11 công văn) về tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp, của các dự án đầu tư ra nước ngoài/ dự án đầu tư tại Việt Nam của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…
Thảo luận tại phiên họp, đại diện các phòng, ban, đơn vị liên quan thống nhất cao với báo cáo tổng kết được trình bày. Các ý kiến cũng nhấn mạnh, năm 2024, khối lượng công việc Cục TCDN đã thực hiện là rất lớn, cả về xây dựng, hoàn thiện thể chế, tham mưu, xử lý tài chính tại doanh nghiệp...
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao trong năm, các công việc của Cục luôn được lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Lãnh đạo Cục và Đảng ủy Cục TCDN luôn kịp thời chỉ đạo, điều hành công việc bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ để đảm báo tiến độ đối với các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đối với Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi).
Triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2024, căn cứ kế hoạch của Bộ, Cục TCDN và các đơn vị đã chủ động xây dựng các kế hoạch ngay từ đầu năm. Cục thường xuyên rà soát, chủ động phối hợp với Vụ Pháp chế để điều chỉnh kế hoạch thực hiện các đề án đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, các ý kiến đánh giá, công tác triển khai nhiệm vụ năm 2024 còn một số khó khăn, thách thức như các nhiệm vụ xây dựng đề án, chính sách được giao có tính chất phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng trên phạm vi cả nước, nhiều quan điểm xử lý trái chiều nên phải tiếp thu, giải trình nhiều lần dẫn đến chậm tiến độ, phải nhiều lần báo cáo Bộ, phối hợp với Vụ Pháp chế để điều chỉnh kế hoạch xây dựng các đề án.
Một số công việc do trải rộng trên nhiều lĩnh vực chuyên ngành với khối lượng công việc lớn, phải lấy ý kiến nhiều vòng, bao gồm nhiều công việc, sự vụ cấp bách, cần xử lý trong thời gian ngắn, dẫn đến một số nhiệm vụ chưa đảm bảo về mặt tiến độ. Một số nội dung xử lý tài chính, vướng mắc về tài chính của các doanh nghiệp còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau…
Thống nhất đầu mối quản lý nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Bước sang năm 2025, Cục trưởng Cục TCDN Bùi Tuấn Minh nhấn mạnh, một nhiệm vụ trọng tâm của Cục là xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách.
Theo đó, Cục TCDN sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện Đề án xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Nghiên cứu, xây dựng trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Cục trưởng Cục TCDN Bùi Tuấn Minh, với cách làm luật mới, theo hướng chỉ quy định chung, không quy định cụ thể, nếu Luật có hiệu lực mà chưa có văn bản hướng dẫn thì sẽ không thể triển khai được. Do đó, việc chuẩn bị đầy đủ, chi tiết các văn bản hướng dẫn là hết sức quan trọng.
Đánh giá đây là nhiệm vụ rất nặng nề, khối lượng nhiều, độ khó cao, Cục trưởng Bùi Tuấn Minh đề nghị các cán bộ, nhân viên trong đơn vị cũng cố gắng quyết tâm, đồng lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục TCDN lưu ý, cùng với việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, lĩnh vực tài chính doanh nghiệp dự kiến có những thay đổi tương đối lớn về công tác chuyên môn.
Hiện nay, theo Cục trưởng Bùi Tuấn Minh, việc quản lý các doanh nghiệp có vốn nhà nước đang được thực hiện đan xen, chồng chéo giữa một số cơ quan. Tới đây, với việc thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết 18, tinh thần là một việc chỉ giao cho một đơn vị.
Do đó, bên cạnh thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên, Cục trưởng Bùi Tuấn Minh đề nghị các đơn vị, cán bộ, nhân viên quan tâm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tham mưu cho Cục, từ đó Cục TCDN tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ để thực hiện phân công cho một đầu mối, thống nhất về trách nhiệm, tránh phân tán, chồng chéo, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Xử lý các vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Năm 2024, Cục TCDN đã bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ để kịp thời có văn bản gửi các cơ quan, doanh nghiệp để tham gia ý kiến, xử lý các vướng mắc, tồn tại tài chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu của các doanh nghiệp như: hướng dẫn, xử lý các vấn đề tài chính, tái cơ cấu dự án ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải, xăng dầu, hóa chất, nông, lâm nghiệp; xử lý các vấn đề tài chính liên quan đến dự án Lọc Hóa dầu Nghi Sơn, Dung Quất; Đề án cơ cấu lại EVN, TKV giai đoạn 2021 - 2025...
Hoàng Yến