"Chúng tôi đang tăng cường và ký những hiệp định liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù, liên quan đến dẫn độ tội phạm. Căn cứ theo từng nước, chúng tôi dần dần làm từng bước. Thời gian qua chúng ta đã bắt và xử lý dẫn độ nhiều đối tượng”.
Cũng theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, có những nước chưa bao giờ dẫn độ tội phạm sang nước khác nhưng vừa qua đã hợp tác với Việt Nam. Chúng ta đã đưa những đối tượng dẫn độ về nước. “Thời gian tới, trên tinh thần này, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ có những hiệp định liên chính phủ để chúng ta thực hiện nội dung này tốt hơn", Bộ trưởng Lương Tam Quang thông tin.
Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu giải trình tại Quốc hội, sáng 26/11/2024.
Trong các hoạt động về tư pháp, dẫn độ tội phạm là một lĩnh vực ít người để ý, nhưng lại là lĩnh vực mà nếu chịu khó nghiên cứu sẽ thấy rất thú vị, vì liên quan đến quan điểm về đối ngoại trong lĩnh vực tư pháp giữa các quốc gia. Vì thế, mới có trường hợp hiện nay vẫn “có những nước chưa bao giờ dẫn độ tội phạm sang nước khác”, như Bộ trưởng Lương Tam Quang thông tin.
Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng của tội phạm có tính chất xuyên quốc gia. Tội phạm công nghệ cao; mua bán, vận chuyển ma túy; mua bán người, ngày càng gia tăng ở nhiều nước và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng đối tượng phạm tội bỏ trốn sang nước khác đã dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong bối cảnh đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, không chỉ là công việc nội bộ đơn thuần của mỗi quốc gia, đồng thời đòi hỏi các quốc gia phải có sự hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Thực tế thì hợp tác quốc tế về dẫn độ tội phạm đã giúp các quốc gia truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với đối tượng phạm tội và đây cũng là một trong những hình thức hợp tác quốc tế điển hình trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ở nước ta, khái niệm dẫn độ đã được quy định trong Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998. Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 (hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008) kế thừa quy định này và có thêm các chế định cụ thể hơn, cùng với Bộ luật Tố tụng hình sự mang tính chất “xương sống” cho hoạt động dẫn độ.
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn.
Theo đó, khái niệm dẫn độ được hiểu là “việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc ngoài bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó”. Ngoài ra, Việt Nam còn có các đạo luật khác mang tính chất bổ trợ, các điều ước quốc tế bảo đảm phạm vi hợp tác của hoạt động dẫn độ, là cơ sở pháp lý nhằm ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Với mục tiêu tăng cường quan hệ quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực mở rộng quan hệ với các nước, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới từ năm 1986 và những năm gần đây, thông qua việc ký kết các hiệp định về dẫn độ với các nước, chẳng hạn như với Cộng hòa Ấn Độ (hiệu lực từ ngày 12/8/2013), Cộng hòa Pháp (hiệu lực từ ngày 1/5/2020), Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (hiệu lực từ ngày 12/12/2019), Mông Cổ (hiệu lực từ ngày 28/5/2021), Cộng hòa Mozambique (hiệu lực từ ngày 12/5/2021)...
Cho đến cuối năm 2024, Việt Nam đã là thành viên của 22 điều ước quốc tế và ký kết 10 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ, cùng 18 hiệp định song phương về dẫn độ. Việt Nam còn linh hoạt áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong trường hợp cần hỗ trợ tư pháp từ các quốc gia chưa ký kết hiệp định về dẫn độ.
Việc triển khai các điều ước quốc tế về dẫn độ đã đạt được hiệu quả cao, tỷ lệ giải quyết thành công lớn trong tổng số yêu cầu đã tiếp nhận và gửi đi. Việc ký kết và áp dụng các hiệp định song phương về dẫn độ được coi là một yếu tố quan trọng để củng cố cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Bộ Công an cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật trong nước về dẫn độ, để phù hợp với các công ước và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề về dẫn độ.
Qua thực tiễn, từ ngày Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực đến nay, bộ máy thực hiện dẫn độ đã được xây dựng và kiện toàn, từng bước đáp ứng năng lực thực hiện nhiệm vụ. Bộ Công an - Cơ quan Trung ương về công tác dẫn độ đã thực hiện tốt các quy định của luật và các điều khoản ghi trong các hiệp định; bảo đảm các yêu cầu về đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam với các quốc gia đối tác.
Theo báo cáo của Bộ Công an về kết quả thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong hoạt động dẫn độ, giai đoạn 2008-2024, tính đến tháng 10/2024, công an các đơn vị, địa phương đã đề nghị hướng dẫn việc lập yêu cầu dẫn độ đối với 128 đối tượng truy nã bỏ trốn ra nước ngoài. Qua đó, Bộ Công an đã gửi 98 hồ sơ (gồm 70 yêu cầu theo các hiệp định song phương và 28 yêu cầu theo nguyên tắc có đi có lại) yêu cầu dẫn độ đến các cơ quan có thẩm quyền quốc tế. Trong số này, 16 đối tượng đã được dẫn độ về Việt Nam; phía nước ngoài từ chối dẫn độ 18 đối tượng và 2 yêu cầu đã kết thúc do đối tượng bị yêu cầu dẫn độ đã qua đời hoặc bị bắt khi trở về Việt Nam. Bộ Công an cũng cho biết đang tích cực đôn đốc các quốc gia đối tác giải quyết các yêu cầu dẫn độ còn lại.
Ở chiều ngược lại, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 43 yêu cầu dẫn độ do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến. Từ các yêu cầu này, Bộ Công an đã dẫn độ 21 đối tượng cho phía nước ngoài; từ chối 7 yêu cầu dẫn độ do các đối tượng đã bỏ trốn hoặc không có mặt tại Việt Nam khi yêu cầu được gửi đến, những trường hợp khác nữa thì do đã được dẫn độ cho quốc gia khác hoặc đã đề nghị phía nước ngoài bổ sung thông tin nhưng không nhận được phản hồi...
Việc dẫn độ phải tuân theo một số quy định (Ảnh minh họa).
Việc xác lập và hoàn thiện một hồ sơ pháp lý để thực hiện việc dẫn độ là không đơn giản và nhiều điều thú vị. Chẳng hạn, khi đối tượng chỉ ở diện bị truy nã thôi, chưa có bản án thì rất khó khăn trong hợp tác quốc tế, nhưng khi bản án tuyên có hiệu lực - đối tượng đã được phán quyết là tội phạm thì vấn đề sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, với tội phạm liên quan tham nhũng, kinh tế thì các quốc gia trên thế giới đều không dung tha, nên việc hợp tác để truy bắt hoặc dẫn độ sẽ hiệu quả hơn.
Một trong những đối tượng liên quan đến án kinh tế gần đây rất được dư luận quan tâm là Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ban Quản lý Dự án công trình xây dựng y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan, TAND tỉnh Bắc Ninh đã xét xử sơ thẩm vào ngày 29/10/2024.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc AIC) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”; bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã đặc biệt và TAND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định xét xử vắng mặt bị cáo này.
Trước đó, đầu tháng 1/2023, do bỏ trốn và bị truy nã toàn quốc, quyết định truy nã quốc tế nên Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng bị “xét xử vắng mặt”, trong các vụ án như vụ “Vi phạm quy định đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan (TAND TP Hà Nội xét xử) và vụ sai phạm xảy ra tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC và Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (TAND TP Hồ Chí Minh xét xử)...
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc xét xử vắng mặt những trường hợp như Nguyễn Thị Thanh Nhàn, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về kết quả Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tổ chức ngày 16/8/2024), Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn như vừa qua là mở đường xử lý trường hợp tương tự ở các vụ án khác.
Ông Đặng Văn Dũng nhấn mạnh: "Đây là điểm mới, nổi bật trong phòng, chống tham nhũng, là cơ sở dẫn độ tội phạm, nghiên cứu ban hành án lệ áp dụng trên cả nước về xét xử đối tượng bỏ trốn".
Ông Đặng Văn Dũng cũng nhắc lại việc thực hiện chủ trương chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là "dù tội phạm có bỏ trốn cũng bị xét xử". Điều này được cụ thể hơn, khi tại cuộc họp này các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhấn mạnh kiên quyết dẫn độ bằng được đối tượng bỏ trốn trong các vụ án về nước để xét xử nghiêm minh.
Khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết quốc tế
Tại Hội nghị lần thứ 33 của Ủy ban Ngăn ngừa tội phạm và Tư pháp hình sự (CCPCJ) với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật để phòng ngừa tội phạm có tổ chức, tham nhũng, khủng bố dưới mọi hình thức và các loại hình tội phạm khác, bao gồm trong lĩnh vực dẫn độ, tương trợ tư pháp và thu hồi tài sản” (tổ chức tháng 5/2024 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Vienna, Áo), với sự tham gia của hơn 120 nước thành viên Liên hợp quốc, đoàn liên ngành Việt Nam (do Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Đại diện Thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và các tổ chức quốc tế tại Vienna, làm trưởng đoàn) đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế phòng, chống tội phạm có tổ chức, tham nhũng và khủng bố, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm ngày càng phát triển phức tạp và tinh vi nhờ những tiến bộ khoa học, công nghệ.
Đoàn Việt Nam cũng đã thể hiện quan điểm của Việt Nam tại các đề mục thảo luận chuyên đề về tăng cường hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật, xu hướng tội phạm toàn cầu và tội phạm mới nổi; phối hợp với các nước trong nhóm G77 và Trung Quốc và một số nước cùng quan điểm, tham gia thương lượng các nghị quyết; thông tin về những thành tựu của Việt Nam từ xây dựng hoàn thiện pháp luật đến củng cố khuôn khổ pháp lý quốc tế song phương và đa phương, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội làm cơ sở phát triển kinh tế, xã hội.
Lương Duy Cường