Trước đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã nghe Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu và 39 bị cáo liên quan nói lời sau cùng và nghị án kéo dài. Theo dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án vào sáng nay. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu ngày làm việc tiếp theo, chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Trần Nam Hà thông báo trong thời gian nghị án, HĐXX nhận được 2 biên lại nộp tiền.
Một biên lai do Tập đoàn Phúc Sơn nộp thể hiện ông Trần Công Bình đã nộp 768 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án thay cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu. Một biên lai nộp 200 triệu đồng khắc phục hậu quả cho bị cáo Phùng Quang Hùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Phiên tòa xét xử 41 bị cáo trong vụ án Tập đoàn Phúc Sơn do Thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa
Do đó, HĐXX quay lại phần xét hỏi. Trả lời HĐXX, Tập đoàn Phúc Sơn xác nhận đúng là Tập đoàn này phối hợp với đối tác để nộp khắc phục thay bị cáo Hậu.
Sau đó, chủ tọa hỏi bị cáo Hậu có ý kiến gì về việc này. Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn cho biết vào đầu giờ chiều hôm qua, bị cáo được thông báo cho biết 196 lô đất đã tìm được đối tác và bị cáo đã được nộp khắc phục hết.
Bị cáo Hậu nói cám ơn HĐXX, đại diện Viện kiểm sát (VKS) tạo điều kiện cho việc này và xin HĐXX xem xét đây là tình tiết mới để cân nhắc, giảm nhẹ cho 40 bị cáo còn lại. Từ giai đoạn điều tra, bị cáo đã nhận thức rõ lỗi lầm của mình, vì bản thân bị cáo mà 40 người khác phải đứng ở đây.
“Suốt đêm qua, tôi chỉ ngủ được 1-2 tiếng đồng hồ… khóc vì mừng”- bị cáo Nguyễn Văn Hậu nghẹn ngào nói. Bị cáo Hậu nói thêm rằng qua người dân Vĩnh Phúc ở đây, bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến các cháu bé, người già, hơn 3.000 hộ cận nghèo ở Vĩnh Phúc vì đã “không thể tiếp tục làm gì cho người dân quê tôi”.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) - bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan
Bị cáo Phùng Quang Hùng (cựu Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) trình bày với HĐXX tự nguyện nộp 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án.
Trước diễn biến này, đại diện VKS xác định đây là tình tiết giảm nhẹ mới cho các bị cáo và thay đổi quan điểm, giảm nhẹ mức đề nghị với một số bị cáo.
Theo đó, đại diện VKS đề nghị mức án mới với bị cáo Nguyễn Văn Hậu từ 14-15 năm về tội “Đưa hối lộ”, 11-12 năm tù tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và từ 7-8 năm về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Trước đó, bị cáo Hậu bị VKS đề nghị mức án 17-18 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 15-16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 11-12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt đề nghị là 30 năm tù.
Các bị cáo Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), Phùng Quang Hùng, Hà Hòa Bình (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) bị đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, các bị cáo này bị đề nghị mức án từ 4 - 4 năm 6 tháng tù. Một số bị cáo khác cũng được đại diện VKS giảm mức án đề nghị.
Tuy nhiên, nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc ở nhóm tội “Nhận hối lộ” như bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan (cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), bị cáo Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), bị cáo Phạm Hoàng Anh (cựu Giám đốc Sở Xây dựng, cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)… không được đề nghị giảm án.
Xét thấy vụ án có tình tiết mới nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định tiếp tục nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 9h ngày 11-7 tới đây.
Bùi Lâm