Tiếp tục nới chính sách tài khóa: Hàng nghìn tỷ đồng phí, lệ phí sắp được giảm

Tiếp tục nới chính sách tài khóa: Hàng nghìn tỷ đồng phí, lệ phí sắp được giảm
8 giờ trướcBài gốc
Việc ban hành Thông tư theo trình tự rút gọn được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận chính sách hỗ trợ, giảm áp lực tài chính.
Đã hỗ trợ tài chính 2.300 tỷ đồng
Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, để giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành 3 Thông tư quan trọng nhằm giảm phí và lệ phí theo từng giai đoạn cụ thể.
Cụ thể, Thông tư số 120/2021/TT-BTC ban hành ngày 24/12/2021 quy định mức thu của 37 khoản phí, lệ phí được giảm trong 6 tháng đầu năm 2022 để hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tiếp đó, Thông tư số 44/2023/TT-BTC ban hành ngày 29/6/2023 tiếp tục duy trì mức giảm cho 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2023. Gần đây nhất, Thông tư số 43/2024/TT-BTC ban hành ngày 28/6/2024 đã quy định giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm 2024.
Mức giảm phổ biến dao động từ 10% đến 50% so với quy định hiện hành tại các Thông tư gốc. Cụ thể, nhiều lĩnh vực đã được điều chỉnh giảm đáng kể như: Giảm 50% phí và lệ phí trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; giảm 50% mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; giảm 50% phí thẩm định hồ sơ miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh; giảm 50% phí, lệ phí liên quan đến kiểm dịch động vật; giảm 20% phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với nghiệp vụ di động mặt đất; giảm 10% phí hải quan cho các chuyến bay nước ngoài đến các cảng hàng không Việt Nam và giảm 10% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay. Bộ Tài chính tính toán, tổng hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp từ chính sách này ước tính lên tới 2.300 tỷ đồng.
Trên tinh thần tiếp nối các chính sách hỗ trợ đã thực hiện, Bộ Tài chính cho rằng việc tiếp tục ban hành Thông tư mới để duy trì chính sách giảm phí, lệ phí là rất cần thiết và cấp bách. Việc ban hành Thông tư mới không chỉ duy trì việc giảm 36 khoản phí, lệ phí đã áp dụng trong các Thông tư trước mà còn mở rộng thêm 3 khoản mới nhằm bao phủ thêm các lĩnh vực quan trọng, có tác động rộng đến sản xuất và xuất nhập khẩu.
Các chính sách giảm phí, lệ phí đã được thực hiện từ năm 2022.
Thực hiện theo trình tự rút gọn
Theo Điều 50 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong những trường hợp cấp bách nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn hoặc đảm bảo lợi ích quốc gia, văn bản quy phạm có thể được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính dự kiến áp dụng hình thức này để đảm bảo Thông tư có hiệu lực kịp thời, tránh sự chậm trễ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc ban hành Thông tư lần này hướng đến mục tiêu tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng hoạt động, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Về mặt quan điểm, nội dung Thông tư phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về phí, lệ phí, ngân sách nhà nước cũng như các văn bản liên quan khác. Mức thu được thiết kế để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa đảm bảo bù đắp chi phí hoạt động thu phí của các tổ chức cung cấp dịch vụ công.
Dự thảo Thông tư lần này quy định giảm mức thu đối với tổng cộng 39 khoản phí, lệ phí. Trong đó có 36 khoản đã được quy định tại Thông tư số 43/2024/TT-BTC, và 3 khoản mới được bổ sung sau quá trình rà soát theo chỉ đạo của Chính phủ. Các nội dung khác liên quan đến thủ tục thu, kê khai, nộp, miễn và quản lý phí, lệ phí tiếp tục thực hiện theo các Thông tư chuyên ngành hiện hành.
Thời hạn áp dụng chính sách giảm phí, lệ phí theo dự thảo Thông tư bắt đầu từ ngày 01/6/2025 đến hết ngày 31/12/2026. Theo Bộ Tài chính, với việc kéo dài thời gian áp dụng và mở rộng phạm vi hỗ trợ, chính sách này dự kiến sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Việc ban hành Thông tư theo trình tự rút gọn được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận chính sách hỗ trợ, giảm áp lực tài chính trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động và thách thức. Đây là một bước đi cần thiết và đúng hướng trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế sau giai đoạn khó khăn kéo dài.
Thùy Linh
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/tiep-tuc-noi-chinh-sach-tai-khoa-hang-nghin-ty-dong-phi-le-phi-sap-duoc-giam.html