Ông nhận định như thế nào về mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại?
Trước tiên phải khẳng định, dù bối cảnh quốc tế và trong nước có rất nhiều biến động, rủi ro khó lường ảnh hưởng đến tình hình vĩ mô của Việt Nam nhưng Chính phủ, NHNN vẫn định hướng rất rõ ràng về việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định tài chính. Báo cáo mới đây của NHNN cho thấy, tính đến giữa tháng 4/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay phát sinh mới ở mức khoảng 6,34%/năm, giảm 0,6% so với cuối năm 2024. Đây là mức thấp kỷ lục trong nhiều năm, thấp hơn cả giai đoạn dịch Covid-19. Cũng nhờ duy trì mặt bằng lãi suất phù hợp nên tín dụng đang tăng trưởng khá tích cực trong thời gian qua. Bên cạnh giảm lãi suất, các ngân hàng còn triển khai nhiều gói vay ưu đãi lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên. Điều này giúp nguồn vốn rẻ đến thẳng những lĩnh vực được coi là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Để duy trì được mặt bằng lãi suất thấp trong một thời gian dài như vậy, các nhà băng đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp như tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng cường thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) để giảm giá đầu vào...
Liệu lãi suất cho vay có thể giảm thêm, thưa ông?
Có thể thấy ngành Ngân hàng đang chịu nhiều áp lực khi giữ mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp trong thời gian dài. Thực tế, lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian qua, khiến dư địa điều chỉnh tiếp trở nên hạn hẹp; Đồng thời, nhu cầu tín dụng dành cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng được dự báo sẽ tăng mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025. Trong khi đó khả năng huy động vốn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn do sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác.
Ngoài ra, đối với nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân lớn, việc huy động sẽ dễ dàng hơn vì thế việc giảm lãi suất cũng sẽ không áp lực như những ngân hàng nhóm nhỏ. Ngoài ra, còn một số yếu tố cũng tác động tới khả năng giảm lãi suất như chi phí hoạt động, thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu…
Tuy nhiên, diễn biến lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức phù hợp với định hướng điều hành xuyên suốt của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, tạo đà cho tăng trưởng nhưng theo tôi sẽ có sự phân hóa theo nhóm ngân hàng.
Để có thể vừa giữ mặt bằng lãi suất ổn định vừa đảm bảo được hiệu quả hoạt động, theo ông các ngân hàng cần lưu ý điều gì?
Tôi muốn nhấn mạnh với các nhà băng rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hiệu quả hoạt động của ngân hàng phải luôn được đề cao. Khi hiệu quả hoạt động được nâng cao, chi phí kinh doanh sẽ giảm, nợ xấu mới không phát sinh, áp lực trích lập dự phòng rủi ro giảm, thanh khoản được cải thiện, tạo điều kiện để các ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý.
Do đó, bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Đáng lưu ý, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP đã lên tới 134% vào cuối năm 2024 – mức mà nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo tiềm ẩn rủi ro. Việc quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng và công cụ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế có thể dẫn đến mất cân đối dòng vốn, tiềm ẩn rủi ro hệ thống và gây hệ lụy dài hạn, khiến tăng trưởng khó đạt được tính bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có nhiều chính sách để thúc đẩy sự phát triển của các thị trường vốn khác như chứng khoán, trái phiếu… để san sẻ gánh nặng với hệ thống ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!
Hạ Chi