Mang lại giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp
"Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) là một đề án quan trọng do Chính phủ ban hành, trong đó lực lượng CAND đóng vai trò nòng cốt trong việc triển khai và thực hiện. Điểm lại những dấu ấn nổi bật có thể kể đến việc thực hiện hai “đại dự án” mang ý nghĩa chiến lược gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân gắn chíp điện tử. Tiếp đó là phát triển hệ thống cấp định danh điện tử và xác thực điện tử, kết nối đồng bộ dữ liệu với các bộ, ngành, lĩnh vực…
Công an TP. Hà Nội triển khai cấp thẻ căn cước cho người dân từ ngày 1.7.2024. Ảnh: Lê Tú
Theo Bộ Công an, tính đến nay có 63/63 địa phương, 17/21 bộ, ngành hoàn thành việc kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp bộ, cấp tỉnh với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. 100% bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp chuyển đổi sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực trực tuyến. Tính đến tháng 12.2024, mạng băng rộng di động đã phủ sóng được 99,25% số thôn, bản trên toàn quốc.
Về dữ liệu, tính đến ngày 10.12.2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại địa phương đạt 67,06% (tăng 24% so với tháng 12.2023) tại bộ, ngành đạt 60,98% (tăng 31% so với tháng 12.2023). 33 địa phương đã cơ bản hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai được đưa vào vận hành, sẵn sàng đưa vào tái sử dụng trong giải quyết các TTHC liên quan.
Mới đây, tại phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, quá trình triển khai Đề án 06 đã bám sát nguyên tắc “5 vấn đề, 4 xuyên suốt, 3 giá trị, 2 nhận thức, 1 quyết tâm” để tháo gỡ 5 điểm nghẽn. Đề án 06 đã mang lại những giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ, cụ thể: Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 54/76 dịch vụ công thiết yếu. Người dân sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương, thực hiện các TTHC ở bất cứ đâu với mức phí, lệ phí ưu đãi. Nhiều địa phương có những bước đột phá trong cải cách TTHC như Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức đi lại cho người dân.
Từ ngày 1.7.2024, Bộ Công an chính thức cấp thẻ căn cước/giấy chứng nhận căn cước cho công dân dưới 14 tuổi với gần 12 triệu hồ sơ được thu nhận và được người dân hưởng ứng, đánh giá cao. Đến nay, đã cấp trên 87,7 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, thu nhận gần 81 triệu hồ sơ định danh điện tử (tăng 10,8 triệu tài khoản so với tháng 12.2023) và kích hoạt gần 60 triệu tài khoản cho người dân (tăng 10,3 triệu tài khoản so với tháng 12.2023).
Hoàn thành cung cấp 35 tiện ích trên ứng dụng VNeID (tăng 22 tiện ích so với năm 2023), được người dân hưởng ứng sử dụng với hơn 460 triệu lượt truy cập, nổi bật là: Triển khai trên toàn quốc Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, đã tích hợp 15.547.509 thông tin công dân trên Sổ sức khỏe điện tử, người dân có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của mình. Thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho hơn 2,5 triệu người dân được nhận chế độ an sinh xã hội với số tiền trên 24.000 tỷ đồng; 78% người dân được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội với số tiền trên 41.000 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 51 tỷ đồng chi phí đi lại cho người dân.
Việc đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Giá trị, cũng như đã mang lại rất nhiều tiện ích cho các tổ chức, doanh nghiệp. Đã có 56,8 triệu hồ sơ khách hàng được đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD gắn chip và qua VNeID; cung cấp giải pháp ứng dụng thẻ CCCD gắn chip và VNeID để mở tài khoản thanh toán, xác thực giao dịch, thông tin khách hàng tại 32 tổ chức tín dụng, giúp ngành ngân hàng kiểm soát, đánh giá rủi ro khi cho vay tín chấp, xác thực chủ thể tham gia giao dịch ngân hàng, giảm thời gian, quy trình xác minh.
Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp làm sạch dữ liệu, cụ thể: Làm sạch 1.784.410 dữ liệu công dân có nơi đăng ký thường trú/tạm trú không khớp với nơi đăng ký hợp đồng điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Làm sạch 1.473.887 dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai dịch vụ mà không cần kiểm tra, xác minh. Làm sạch hơn 115 triệu dữ liệu thông tin thuê bao di động cho 3 nhà mạng viễn thông (Viettel, Mobifone, Vinaphone), thu về ngân sách nhà nước hơn 164,4 tỷ đồng, góp phần chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ dần tình trạng “sim rác”, tội phạm lừa đảo, đe dọa, vu khống.
Rõ hiệu quả trong quản lý, điều hành
Trong năm 2024, Đề án 06 cũng đã mang lại rất nhiều giá trị, tiện ích cho Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước. Kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tăng mạnh theo từng năm (tăng 33 nghìn tỷ đồng so với năm 2023). Bộ Tài chính đã rà soát, xử lý vi phạm đối với hơn 22 nghìn cơ sở kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử và thu về ngân sách nhà nước hơn 2.917,9 tỷ đồng. 90.904 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền với 1,23 tỷ hóa đơn điện tử (tăng hơn 51 nghìn cơ sở kinh doanh với 1,1 tỷ hóa đơn so với tháng 12.2023); giúp Chính phủ truy thu thuế hơn 1.900 tỷ đồng.
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ phát biểu tại phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Bộ Công an phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tích cực triển khai thu thập 547 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ trên toàn quốc, đưa vào ngân hàng GEN, mở ra hy vọng đưa các liệt sĩ bị thất lạc về với người thân. Hỗ trợ xây dựng Chuyển đổi số tại các bệnh viện và Bộ Y tế xây dựng Hệ thống điều phối dữ liệu y tế để tạo lập Kho dữ liệu sức khỏe người Việt và trục liên tuyến dữ liệu giữa các bệnh viện, tận dụng kết quả xét nghiệm, tiết giảm chi phí khám chữa bệnh của người dân.
Với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tạo lập 4,59 triệu học bạ số cho học sinh từ lớp 1- 4 năm học 2003 - 2004 (đạt tỷ lệ 64,74%), nhằm cắt giảm thành phần hồ sơ trong một số TTHC lĩnh vực giáo dục, Bộ Công an đã triển khai giải pháp kết hợp dịch vụ xác thực thẻ CCCD và dịch vụ eKYC chống gian lận thi cử, xác thực thông tin học sinh, người giám hộ, giáo viên. Việc này đã giúp các cơ sở giáo dục được làm sạch dữ liệu ngay từ gốc; kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác phân bố chỉ tiêu tham gia nghĩa vụ quân sự hàng năm.
Phối hợp Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, đánh giá 230 chỉ tiêu thống kê ứng với 250 loại dữ liệu cần cung cấp hiện đang quản lý của 13 bộ, ngành phục vụ công tác hoạch định chính sách. Hỗ trợ cung cấp, phân tích, đánh giá biến động dân cư (thường trú, tạm trú) trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có yêu cầu, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh.
Đánh giá việc thực hiện Đề án 06, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long khẳng định, việc triển khai thành công Đề án 06 là tiền đề để xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia trong thời gian tới, mang lại giá trị to lớn cho nhiều mặt đời sống, kinh tế, xã hội như tạo văn minh xã hội, phát triển kinh tế số, phục vụ an ninh, quốc phòng, chính trị và hợp tác quốc tế về dữ liệu…
Lê Tú