Tiếp tục xử phạt nặng, kết hợp nhiều biện pháp duy trì nền nếp giao thông

Tiếp tục xử phạt nặng, kết hợp nhiều biện pháp duy trì nền nếp giao thông
2 ngày trướcBài gốc
Từ biết sợ… đến chấp hành
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm giao thông và trừ điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực, đã tăng nặng mức phạt đối với nhóm hành vi là các lỗi cố ý, gây nguy hiểm cao độ và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng như: vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lái xe quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện… Mức phạt điều chỉnh tăng nặng từ vài lần đến vài chục lần so với quy định cũ tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Qua 3 ngày Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, từ 1 – 3/1/2025, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, đã kiểm tra, xử lý 37.667 trường hợp vi phạm; tạm giữ 227 xe ô tô, 11.609 xe mô tô, 341 phương tiện khác; tước 5.277 giấy phép lái xe các loại.
Trong đó xử lý vi phạm về nồng độ cồn 8.308 trường hợp; vi phạm về tốc độ 8.148 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 458 trường hợp; quá khổ giới hạn 83 trường hợp; vi phạm ma túy 84 trường hợp…thu nộp ngân sách Nhà nước 93 tỷ 901 triệu đồng.
Tại Hà Nội, từ ngày 1 - 2/1, lực lượng chức năng đã xử phạt 1.599 trường hợp vi phạm, tạm giữ 443 phương tiện, tước 51 giấy phép lái xe. Mỗi ngày có hàng trăm trường hợp bị trừ điểm giấy phép lái xe với các lỗi như vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đi ngược chiều…
Ghi nhận trên các tuyến đường nội đô cho thấy, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực.
Nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông đã có chuyển biến.
Đối với giao thông, tại một số tuyến đường có mật độ phương tiện cao như: Giải Phóng, Khuất Duy Tiến, Láng, Phạm Hùng,… dù còn ùn ứ nhưng đã chấm dứt tình trạng người dân chen lấn đi lên vỉa hè, dừng xe quá vạch và vượt đèn đỏ.
Đối với người tham gia giao thông, mức phạt nặng đã khiến nhiều người biết sợ, không dám vi phạm hoặc tái phạm. Trường hợp anh Nguyễn Bá Toàn, tài xế xe ôm công nghệ vừa mới bị xử phạt 5 triệu đồng do không chấp hành đèn tín hiệu giao thông là một ví dụ. Anh Nguyễn Bá Toàn cho biết: “Mức phạt bằng 1 tháng thu nhập cùng với đó còn bị trừ điểm bằng lái xe, nếu cứ tiếp tục vi phạm và bị trừ hết điểm bằng lái thì tôi thất nghiệp mất. Bị phạt một lần là sợ rồi, tôi không dám tái phạm nữa”.
Anh Nguyễn Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) cũng chia sẻ, kinh tế đang lúc khó khăn, nhìn mức phạt cao bằng tháng lương lao động, thậm chí người vi phạm ngoài phạt tiền còn bị trừ dần 12 điểm bằng lái xe và bị thu hồi bằng lái khi hết điểm, lúc đầu anh thấy hơi bức xúc nhưng không thể phủ nhận, tâm lý sợ phạt nặng đã khiến nhiều người, trong đó có cả anh phải cẩn thận hơn khi tham gia giao thông.
“Câu chuyện xử phạt trở thành chủ đề “nóng” nên bây giờ ra đường tôi và nhiều bạn bè chẳng dám chủ quan, nhắc nhau thực hiện đúng luật không sở sẩy là vừa mất an toàn vừa mất tiền phạt.” – anh Nguyễn Ngọc Anh nói.
Cần có thêm nhiều biện pháp kết hợp để duy trì hiệu quả
Chung nhận định tình hình giao thông tại nhiều tuyến đường ở Thủ đô bước đầu có những thay đổi từ ngày 1/1/2025, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, trước đây, do lực lượng chức năng mỏng, hệ thống camera phạt nguội chưa hoàn chỉnh, mức phạt vi phạm thấp, một bộ phận người dân ý thức kém… nên tại nhiều tuyến đường tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lấn làn… vẫn diễn ra phổ biến, là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
Nhưng kể từ khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định tăng nặng mức phạt có hiệu lực, cùng với đó, lực lượng CSGT kết hợp nhiều biện pháp phát hiện vi phạm như: ra quân chốt chặn; sử dụng camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ chiến sĩ trực tiếp ghi lại hình ảnh vi phạm; xử phạt nguội qua camera giám sát giao thông; tin báo vi phạm của người dân…việc phát hiện, xử lý vi phạm giao thông đã được nâng cao đồng thời khiến người dân tâm phục, khẩu phục.
Nhìn nhận dù trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, mức phạt nặng khiến nhiều người lấn cấn, nhưng vị chuyên gia này cho rằng, không thể phủ nhận, Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã có những tác động mạnh mẽ của đến ý thức của người tham gia giao thông. Điều này đã trở thành chất xúc tác, thành tiền đề để giúp nâng cao tính chủ động của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm là nguồn cơn dẫn đến các tai nạn nghiêm trọng. Vấn đề tiếp theo cần có thêm nhiều biện pháp kết hợp để duy trì hiệu quả chấp hành pháp luật lâu dài.
Vị chuyên gia này góp ý, cùng với việc lực lượng chức năng ra quân xử phạt thì cần tăng cường xử phạt nguội để tránh vì mức phạt cao mà phát sinh tiêu cực, xin xỏ, làm luật.
Quan trọng nhất vẫn là tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức về mức phạt mới tới các DN, nhà xe, lái xe biết để thực hiện nghiêm. Các DN vận tải/DN đầu tư công nghệ cần có thêm các buổi đào tạo định kỳ cũng như thường xuyên kiểm tra kiến thức an toàn giao thông đối với tài xế vận tải/tài xế công nghệ, thậm chí bổ sung thêm các hình phạt đối với tài xế tại DN nếu để xảy ra vi phạm nhằm tăng tính răn đe.
Đối với người tham gia giao thông, nên sớm cập nhật bằng lái xe với ứng dụng VNeID để có thể theo dõi số điểm và tình trạng của bằng lái xe dễ dàng. Luôn nêu cao ý thức chủ động trong tuân thủ pháp luật, tuyệt đối chấp hành luật giao thông để tránh mất tiền phạt cũng như đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người.
Không ngoại lệ đối với các nhà đầu tư, đơn vị quản lý vận hành tuyến đường, phải quan tâm đến việc duy tu bảo trì hạ tầng giao thông như: kẻ lại làn đường, bổ sung các biển báo, phát quang cây cối, biển quảng cáo che lấp chỉ đường… Nếu để xảy ra các “bẫy giao thông” do tuyến đường không đảm bảo quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, cần xử lý liên đới để đảm bảo tính công bằng.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, thời gian tới, lực lượng CSGT toàn quốc tiếp tục rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, tuyến phức tạp về an toàn giao thông, tập trung xử lý nghiêm vi phạm, không có ngoại lệ. Qua đó, góp phần hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, xây dựng nền giao thông văn minh, an toàn.
Huyền Sâm
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/tiep-tuc-xu-phat-nang-ket-hop-nhieu-bien-phap-duy-tri-nen-nep-giao-thong.html