Tiết kiệm chi và gỡ các điểm nghẽn

Tiết kiệm chi và gỡ các điểm nghẽn
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 5-11, Quốc hội (QH) thảo luận các vấn đề về thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025… cùng các vấn đề liên quan. Hai vấn đề được quan tâm trong phiên thảo luận là việc tiết kiệm và tháo gỡ các điểm nghẽn.
Vướng mắc ở khắp nơi
Từ khóa “vướng mắc” đã được nhiều đại biểu (ĐB) đề cập. ĐB Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) nêu vướng mắc trong tìm cát, vật liệu san lấp khi tỉnh này triển khai cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang.
ĐBQH Lê Quân (đoàn Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG
ĐB Lê Quân (đoàn Hà Nội) bày tỏ cảm ơn Chính phủ và các bộ, ngành vừa qua đã gỡ vướng trong sử dụng vốn ODA cho ĐH Quốc gia Hà Nội để đơn vị này bước đầu khai thác hiệu quả và đưa được gần 10.000 sinh viên lên cơ sở Hòa Lạc... Dù vậy, ngay sau đó ông nêu những vướng mắc trong chi ngân sách cho khoa học công nghệ. “Chúng tôi thấy rằng chúng ta chi chưa được 1% hoặc nhỉnh hơn 1% một chút so với chi ngân sách, trong khi đó Nghị quyết 20 cho là 2%, vậy vướng mắc ở đâu?” - ông Quân nêu vấn đề.
ĐB Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) nêu quan điểm về vấn đề vốn của các địa phương trong đầu tư công và kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT phải song hành trong quá trình lập kế hoạch, thậm chí là cả kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm.
Ông Sơn nói Bộ Tài chính hiện chỉ có kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước ba năm nên sẽ có độ chênh nhất định. “Nguồn cũng phải tập trung, trong quá trình lập kế hoạch và chi từ các nguồn tài chính cũng phải đủ để có thể giải ngân” - ĐB Sơn nói.
ĐB Triệu Quang Huy (đoàn Lạng Sơn) nhắc lại giải trình của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng từ tháng 11-2021 về giải ngân đầu tư công chậm với các lý do liên quan như chuẩn bị đầu tư yếu khiến vốn chờ dự án, ảnh hưởng tiến độ và hiệu quả dự án đầu tư công.
“Chính phủ đã nhận diện vấn đề và đề cập trong báo cáo trình QH, tại kỳ họp thứ tám này, QH sẽ thảo luận, quyết định sửa đổi một số luật liên quan” - ĐB Huy nói và khẳng định việc nâng cao chất lượng công tác đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai, thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công.
ĐB Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương). Ảnh: PHẠM THẮNG
Tiết kiệm có làm ảnh hưởng đến hoạt động công vụ?
ĐB Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) khi đề cập đến tiết kiệm đã nói rằng việc kêu gọi tiết kiệm chi thường xuyên cũng tốt nhưng chi thường xuyên hiện nay tới 7-8 mục. Nếu chi thường xuyên tiết kiệm quá sẽ có một số chi về hoạt động kinh tế - xã hội bị kìm hãm. Do vậy, không phải cái gì tiết kiệm cũng tốt bởi các kế hoạch chi đã rõ ràng từ đầu.
Nhấn mạnh Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu tiết kiệm chi 5% cho đầu tư phát triển, ĐB Nguyễn Trúc Sơn đề nghị nếu được thì ngay từ đầu năm khi làm dự toán cắt 5% này đưa ngay vào chi đầu tư phát triển.
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ dùng 5% nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân nhưng ĐB Cẩm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) đề nghị cân nhắc vì bây giờ đã là tháng 10, theo quy định thì ngày 13-11 sẽ thông qua nghị quyết này.
“Tuy nhiên, nhiều địa phương dự toán đã xây dựng từ đầu năm và đã giải ngân hết rồi, bây giờ cắt 5% thì không biết lấy nguồn ở đâu” - ĐB Chung nói và đề nghị có cơ chế mở. Nếu địa phương nào chi hết rồi thì cần được xem xét, không nên đồng loạt bắt tất cả đều như nhau.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: PHẠM THẮNG
Nhiều quy trình… làm phân bổ chậm
Giải trình ý kiến của các ĐB, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết giải ngân chậm là vấn đề thực tiễn, tới đây sẽ phải đổi mới về hình thức và cách thức để thực hiện.
“Quy định của luật là phải có đầy đủ thủ tục mới được phân bổ. Tuy nhiên, hiện các chủ đầu tư trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chưa có dự án đầu tư được phê duyệt, do đó Bộ KH&ĐT chưa thể tham mưu cho Chính phủ, QH phân bổ được” - Phó Thủ tướng nói.
Sau khi phân tích quy định trong chi thường xuyên, thời gian lập dự toán… ông Phớc nêu ví dụ ở lĩnh vực khoa học công nghệ và cho rằng luật quy định nhiều quy trình, chính quy trình làm cho việc phân bổ chậm. Tới đây, vấn đề này sẽ vận dụng giải pháp là sau khi QH phê chuẩn thì giao một lần cho các tỉnh, bộ, ngành để phân bổ, Bộ Tài chính sẽ hậu kiểm.
“Cũng có ý kiến cho rằng thẩm quyền phân bổ là của QH. Nhưng chúng tôi hiểu đây là thẩm quyền của Chính phủ vì hiến pháp quy định QH phân bổ tổng thể vấn đề ngân sách, còn điều hành và quản lý dự toán thì giao Chính phủ. Nếu chúng ta đồng thuận về tư duy như vậy thì sẽ trôi chảy” - Phó Thủ tướng nói.
Khuyến khích tiết kiệm tiền đi nước ngoài, công tác phí
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng cho hay vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên chủ yếu ở kinh tế sự nghiệp, mua sắm, chi phí công tác phí, hội nghị, tiếp khách… Còn lương và các khoản phụ cấp gần như không tiết kiệm được.
Vấn đề này liên quan đến định mức mà Chính phủ ban hành từ đầu nhiệm kỳ. Cụ thể, nếu cơ quan dưới 100 biên chế thì bố trí 70 triệu đồng/biên chế; từ trên 100 biên chế đến dưới 500 biên chế được bố trí 65 triệu đồng/biên chế; dưới 1.000 biên chế là 61 triệu đồng/biên chế; trên 1.000 biên chế chỉ còn 57 triệu đồng/biên chế.
“Ngoài việc chi thường xuyên, bây giờ khuyến khích các bộ, ngành, địa phương có thể tiết kiệm các khoản chi khác như đi nước ngoài, công tác phí, hội nghị… Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình giảm tiết kiệm chi thường xuyên của cả nước được khoảng 7.000 tỉ đồng” - ông Phớc nói.
THANH NGUYỆT - PHÚ HIỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/tiet-kiem-chi-va-go-cac-diem-nghen-post818439.html