Vụ tai nạn của Jeju Air hôm 29/12/2024 tại Sân bay quốc tế Muan ở Hàn Quốc khiến 179 người thiệt mạng, bao gồm 175 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn. Ảnh: Reuters.
Máy bay va chạm chim được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn của Jeju Air hôm 29/12/2024, đã làm dấy lên mối lo ngại về mức độ của các hoạt động kiểm soát chim tại Sân bay quốc tế Muan ở Hàn Quốc.
Vào thời điểm xảy ra sự việc, chỉ có một Đội cảnh báo chim (BAT), thường được gọi là "Batman", đang làm nhiệm vụ, mở ra nghi vấn về việc liệu mức độ nhân sự và các giao thức hoạt động có đủ hay không, Korea Times đưa tin hôm 1/1.
Các đội BAT thường sử dụng súng và các biện pháp răn đe khác để xua đuổi chim khỏi sân bay và liên lạc trực tiếp với tháp kiểm soát khi phát hiện đàn chim.
Theo các nguồn tin của nhật báo Hankook Ilbo, chỉ có một thành viên BAT làm việc trong vụ va chạm với chim được cho là có khả năng xảy ra trong khoảng thời gian từ 8h57 đến 8h59 sáng 29/12/2024. Điều này mâu thuẫn với các tuyên bố trước đó của Trụ sở đối phó thảm họa và an toàn trung ương của chính phủ, cho biết có hai thành viên có mặt vào ngày hôm đó.
Sự khác biệt có thể bắt nguồn từ cơ cấu nhân sự của sân bay.
Bức ảnh này cho thấy ngọn lửa bùng lên từ động cơ bên phải của máy bay Jeju Air (khoanh tròn màu đỏ) khi máy bay đang tiến gần đến Sân bay quốc tế Muan trước khi hạ cánh. Ảnh: Yonhap.
BAT của sân bay Muan hoạt động với một nhóm gồm bốn thành viên được chia thành hai ca: hai người trực ban ngày (9-18h) và một người trực ban đêm (18h đến 9h sáng hôm sau).
Vì sự cố xảy ra ngay trước khi ca sáng bắt đầu, nên nhân viên duy nhất trực ban có thể đã chậm trễ trong việc xác định tình hình do thủ tục thay ca.
Khi được hỏi, một viên chức sân bay xác nhận rằng chỉ có một thành viên BAT hoạt động trong vụ va chạm với chim.
Lực lượng BAT của sân bay Muan từ lâu đã nhỏ hơn so với các sân bay có quy mô tương tự. Ví dụ, sân bay Cheongju và Daegu, lần lượt là các trung tâm chính ở miền Trung và Đông Nam Hàn Quốc, mỗi sân bay có 8 thành viên BAT, gấp đôi số lượng tại Muan.
Trong số 14 sân bay do Tổng công ty Sân bay Hàn Quốc quản lý (trừ Sân bay Quốc tế Incheon), chỉ có bốn sân bay, tất cả đều không có tuyến bay quốc tế ngoại trừ Yangyang, có ít thành viên BAT hơn Muan.
Ngay cả khi số vụ va chạm với chim tăng trên toàn quốc từ 91 trường hợp vào năm 2019 lên 130 trường hợp vào năm ngoái, Muan vẫn bị loại khỏi kế hoạch tăng cường nhân sự của BAT.
Korea Airports Corporation có kế hoạch triển khai thêm 43 thành viên BAT tại 7 sân bay vào giữa năm 2024, nhưng Muan không được đưa vào kế hoạch vì tần suất va chạm với chim tương đối thấp - 10 vụ từ năm 2019 đến tháng 8/2024.
Đàn chim di cư bay gần sân bay Muan vào hôm 29/12. Ảnh: Newsis.
Tuy nhiên, Sân bay Muan ghi nhận tỷ lệ va chạm với chim cao nhất trong số 14 sân bay địa phương của Hàn Quốc, theo dữ liệu do Tổng công ty Sân bay Hàn Quốc đệ trình lên quốc hội.
Xét trên mức có 11.004 chuyến bay đến và đi từ sân bay Muan trong thời gian này, tỷ lệ va chạm với chim ước tính là 0,09%, Yonhap đưa tin.
Đây là mức cao hơn so với các sân bay lớn khác như Gimpo (0,018%) và Jeju (0,013%). Tuy nhiên, vì số lượng vụ va chạm tuyệt đối là cực kỳ nhỏ nên khó có thể khái quát hóa thành số liệu thống kê có ý nghĩa.
Vụ tai nạn gần nhất đã nêu bật hậu quả tàn khốc có thể xảy ra từ một vụ va chạm với chim. Trong khi đó, hầu hết sân bay nội địa đều nằm gần môi trường sống của các loài chim di cư, tiềm tàng nguy cơ sự cố như vậy.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo đủ nhân sự và áp dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống radar phát hiện chim.
"Vụ tai nạn này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc tăng cường nhân sự kiểm soát chim", một chuyên gia nghiên cứu hàng không quốc gia của Hàn Quốc cho biết.
"Chúng ta cũng cần cân nhắc việc đưa vào sử dụng các hệ thống radar để chủ động phát hiện hoạt động của chim", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Dương Lam