Tiết lộ chi phí khổng lồ cho châu Âu khi thay thế sự hỗ trợ quân sự của Mỹ

Tiết lộ chi phí khổng lồ cho châu Âu khi thay thế sự hỗ trợ quân sự của Mỹ
6 giờ trướcBài gốc
Binh sĩ Mỹ tham gia tập trận tại Korzeniewo, Ba Lan ngày 4/3/2024. Ảnh: PAP/TTXVN
Tờ Politico châu Âu (Politico.eu) ngày 16/5 dẫn một nghiên cứu mới từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết, châu Âu có thể tồn tại mà không cần sự hỗ trợ quân sự của Mỹ - nhưng cái giá phải trả sẽ là khoảng 1 nghìn tỷ USD và phải mất một phần tư thế kỷ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu Mỹ rút quân khỏi châu Âu, các thành viên NATO của châu lục này sẽ phải đối mặt với "những lựa chọn khó khăn" về cách lấp đầy khoảng trống to lớn về năng lực quân sự và đồng thời trở nên dễ bị tổn thương hơn trước mối đe dọa từ bên ngoài.
Chi phí "siêu khủng" cho việc thay thế
Theo báo cáo, chi phí thay thế tương đương các thiết bị và nhân sự của Mỹ sẽ lên tới khoảng 1 nghìn tỷ USD trong vòng 25 năm. Con số này bao gồm: Chi phí mua sắm từ 226 tỷ USD đến 344 tỷ USD, tùy thuộc vào chất lượng thiết bị được mua; các chi phí bổ sung liên quan đến bảo trì quân sự, nhân sự và hỗ trợ. Trong trường hợp xảy ra chiến sự, việc thay thế quân nhân Mỹ (ước tính khoảng 128.000 quân) sẽ tiêu tốn hơn 12 tỷ USD. Mặt hàng đắt đỏ nhất trong danh sách mua sắm sẽ là 400 máy bay chiến đấu chiến thuật, tiếp theo là 20 tàu khu trục và 24 tên lửa đất đối không tầm xa.
Đáng chú ý, đánh giá của IISS không bao gồm những lỗ hổng rõ ràng khác mà chi phí của chúng khó định lượng hơn, như: Chỉ huy và kiểm soát, phối hợp hiệp đồng, không gian, tình báo và giám sát, chi phí cho vũ khí hạt nhân
Châu Âu cũng sẽ cần đảm nhiệm một số chức vụ hàng đầu, như chức vụ Chỉ huy Đồng minh Tối cao ở châu Âu. Khi Mỹ không còn tham gia, châu Âu cũng sẽ phải tăng cường các nỗ lực phối hợp ngoại giao.
Việc lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại không chỉ là vấn đề tiền bạc. Báo cáo chỉ ra rằng ngay cả với thiện chí chính trị không giới hạn và ngân sách dồi dào, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu vẫn không có khả năng đáp ứng nhu cầu gia tăng trong ngắn hạn.
Các nhà sản xuất vũ khí châu Âu sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức: Tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu hụt công nhân lành nghề, các hạn chế về tài chính.
Giấc mơ "mua hàng châu Âu" do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất cũng có thể khó thành hiện thực trong tương lai gần. Mặc dù hoạt động mua sắm trong lĩnh vực Lục quân có thể tăng lên, nhưng các lĩnh vực như Hải quân và Hàng không vũ trụ vẫn nhận được rất ít đầu tư.
Đặc biệt, trong một số lĩnh vực công nghệ cao như pháo phản lực hoặc máy bay chiến đấu tàng hình, việc mua sắm từ các nhà sản xuất châu Âu đơn giản không phải là một lựa chọn khả thi.
Những dấu hiệu tích cực
Bất chấp sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp quân sự của Mỹ, vẫn có những tín hiệu khả quan. Phân tích của IISS về các hợp đồng mua sắm từ tháng 2/2022 đến tháng 9/2024 cho thấy 52% giá trị được trao cho các nhà cung cấp châu Âu, so với 34% cho Mỹ - một dấu hiệu cho thấy xu hướng "mua hàng châu Âu" đang dần hình thành.
Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022, nhiều quốc gia NATO đã tăng cường nỗ lực để đạt hoặc vượt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP của liên minh.
Việc Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng cũng trở thành một "lợi ích bất ngờ" cho những người ủng hộ tăng cường quốc phòng châu Âu. Yêu cầu của tổng thống Mỹ rằng các đồng minh châu Âu phải đóng góp nhiều hơn cho NATO - và gợi ý rằng Mỹ có thể từ bỏ các cam kết quốc phòng của mình - đã tạo ra những nghi ngờ về độ tin cậy của Washington.
Tình hình này khiến khái niệm "quốc phòng tự chủ của châu Âu" do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ trở nên hấp dẫn hơn đối với nhiều quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, con đường tiến tới tự chủ quốc phòng của châu Âu vẫn còn nhiều thách thức. Các chính phủ châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng ngân sách hạn hẹp, và chỉ có thể tăng chi tiêu quốc phòng trong khi vẫn kiểm soát được nợ công.
Hơn nữa, tại các quốc gia như Tây Ban Nha và Italy, nơi đang vật lộn với tình hình tài chính công khó khăn, sự phản đối của công chúng đối với việc tăng chi tiêu quân sự có thể trở thành một rào cản lớn nếu châu Âu phải tự đảm bảo an ninh mà không có sự hỗ trợ từ Mỹ.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/tiet-lo-chi-phi-khong-lo-cho-chau-au-khi-thay-the-su-ho-tro-quan-su-cua-my-20250517172711088.htm