Vũ khí Mỹ như tên lửa HIMARS đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tấn công vùng Kursk do Ukraine phát động. Ảnh: Reuters.
Chiến dịch vùng Kursk: Kế hoạch của Tổng tư lệnh Ukraine
Báo Mỹ New York Times (NYT) hôm 30/3 công bố một loạt tiết lộ chấn động trong xung đột Nga – Ukraine. Một trong những tiết lộ đó liên quan chiến dịch phản công của Ukraine ở vùng Kursk của Nga vào tháng 8/2024.
Theo NYT, Ukraine đối mặt với tình trạng thiếu binh lực và đạn dược vào mùa hè năm 2024. Các lực lượng Ukraine bị kéo căng quá mức ở mặt trận phía bắc và phía đông.
Tuy nhiên, thượng tướng Oleksandr Syrsky, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, vẫn nói với phía Mỹ rằng “Tôi cần một chiến thắng”.
Một năm trước đó, tướng Syrsky được cho là khiến Ukraine tổn thất một lượng lớn binh lực trong nỗ lực giữ thành phố Bakhmut bất thành. Bất chấp các bước lùi trên thực địa, tướng Syrsky vẫn được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tin tưởng và bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh vào đầu năm 2024.
Vài tháng sau khi nhậm chức, tướng Syrsky dường như bắt đầu xây dựng chiến dịch tấn công lãnh thổ Nga. Tháng 3/2024, phía Mỹ phát hiện kế hoạch này của Ukraine. Giám đốc CIA khi đó là William J. Burns tới Kiev, đặt câu hỏi với Kyrylo Budanov, Giám đốc tình báo quân đội Ukraine. Ông Budanov nói nếu tấn công xuyên biên giới sang lãnh thổ Nga, Ukraine sẽ làm điều đó mà không cần vũ khí Mỹ hay tình báo Mỹ hỗ trợ.
Đầu tháng 8/2024, Ukraine đã nói bóng gió về “một điều gì đó to lớn” sắp xảy ra ở phía bắc. Không lâu sau, tướng Syrsky đã hành động, đưa quân qua biên giới, tấn công vùng Kursk của Nga.
Mỹ mất lòng tin
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky. Ảnh: Reuters.
"Đối với phía Mỹ, chiến dịch tấn công vùng Kursk của Ukraine đã gây mất lòng tin đáng kể. Không chỉ Ukraine một lần nữa mở chiến dịch mà không trao đổi với Mỹ. Họ đã bí mật vượt qua ranh giới đã thỏa thuận chung, đưa thiết bị do phương Tây cung cấp vào lãnh thổ Nga", tờ NYT tiết lộ.
Trước đó, Ukraine và Mỹ đã thỏa thuận về một số khu vực ở Nga, nơi Ukraine có thể sử dụng vũ khí Mỹ với lý do ngăn chặn Nga đe dọa vùng Kharkiv. Nhưng hóa ra Kiev lại sử dụng thỏa thuận này để đưa xe tăng, xe bọc thép Mỹ sang vùng Kursk.
“Ukraine một lần nữa hành động bất chấp cảnh báo và không hề trao đổi với chúng tôi”, một quan chức Lầu Năm Góc khi đó nói.
Sau khi Ukraine mở chiến dịch vùng Kursk, Mỹ đã tính tới việc bỏ mặc, nhưng cuối cùng vẫn hỗ trợ, cung cấp thông tin tình báo vì “không muốn việc này dẫn đến thảm họa”. Washington nói Kiev sẽ không thể trụ được ở Kursk nếu không có hệ thống HIMARS và tình báo Mỹ hỗ trợ.
Mỹ kết luận rằng chiến dịch vùng Kursk là mục tiêu chiến thắng mà giới lãnh đạo Ukraine đã ám chỉ và tìm kiếm từ lâu.
Một trong những mục tiêu chính, như Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã giải thích với Mỹ, là giành được đòn bẩy – chiếm lãnh thổ Nga mà sau này có thể dùng để trao đổi lãnh thổ trong các cuộc đàm phán tương lai.
Chiến dịch vùng Kursk ban đầu diễn ra thuận lợi. Ukraine có thời điểm kiểm soát hơn 1.000 km2 lãnh thổ Nga ở Kursk. Nhưng Nga sau đó đã tái tổ chức, xây dựng thêm lực lượng phòng thủ, ngăn chặn Ukraine tiến công.
Tháng 3/2025, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dừng cấp vũ khí và chia sẻ tình báo cho Ukraine, Nga đã phát động cuộc tổng tiến công. Kết quả là Nga đã gần như đẩy lùi hoàn toàn quân đội Ukraine. Tính đến ngày 31/3, Kiev chỉ còn kiểm soát chưa tới 60 km2 lãnh thổ ở Kursk.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Ukraine hứng chịu tổn thất hơn 70.000 binh sĩ, hơn 2.000 xe tăng và phương tiện bọc thép mà không đạt được bất cứ mục tiêu gì trong chiến dịch này.
Đăng Nguyễn - NYT