Kỳ cuối: Quyết định của Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, trái) đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) tại Nhà Trắng, ngày 4/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy vậy, trong lúc ông Netanyahu vẫn còn ở Nhà Trắng, ông Trump công khai tuyên bố khởi động các cuộc đàm phán với Iran.
Trong các cuộc thảo luận kín, ông Trump đã nói rõ với ông Netanyahu rằng ông sẽ không hỗ trợ cuộc tấn công của Israel vào tháng 5 khi các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
Ngày hôm sau, ông Trump ám chỉ rằng một cuộc tấn công quân sự của Israel nhắm vào Iran vẫn là một lựa chọn. Ông nói: “Nếu cần đến quân sự, chúng tôi sẽ dùng đến quân sự. Israel rõ ràng sẽ là lực lượng đi đầu”.
Sau chuyến thăm của ông Netanyahu, ông Trump cử Giám đốc CIA John Ratcliffe đến Jerusalem. Ngày 9/4, ông Ratcliffe đã gặp ông Netanyahu và ông David Barnea, lãnh đạo cơ quan tình báo Mossad, để thảo luận về các phương án đối phó với Iran.
Ngoài đàm phán và tấn công, hai bên còn bàn về các lựa chọn khác, bao gồm cả các chiến dịch bí mật của Israel với sự hỗ trợ từ Mỹ và siết chặt trừng phạt.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Brian Hughes nói toàn bộ đội ngũ lãnh đạo an ninh quốc gia đều cam kết ủng hộ chính sách Iran của ông Trump và nỗ lực nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định ở Trung Đông.
Khi thúc ép ông Trump tham gia một cuộc tấn công Iran, ông Netanyahu đang tái hiện lại cuộc tranh luận mà ông đã nhiều lần có với các tổng thống Mỹ trong gần hai thập kỷ qua.
Bị các đối tác Mỹ ngăn cản, ông Netanyahu từ lâu đã tập trung vào các chiến dịch phá hoại bí mật nhằm vào những cơ sở cụ thể cũng như ám sát các nhà khoa học hạt nhân của Iran. Dù những nỗ lực đó có thể đã làm chậm chương trình hạt nhân, nhưng đến nay Iran đã tiến sát hơn bao giờ hết đến khả năng sản xuất ít nhất sáu đầu đạn hạt nhân chỉ trong vài tháng hoặc một năm.
Các quan chức Mỹ từ lâu đã cho rằng nếu hành động một mình, Israel không thể gây tổn thất đáng kể cho các cơ sở hạt nhân Iran chỉ bằng chiến dịch ném bom. Israel từ lâu đã tìm cách sở hữu quả bom xuyên boong-ke lớn nhất của Mỹ, tức là loại 15 tấn, có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân then chốt nằm sâu dưới núi của Iran.
Israel đã cân nhắc nhiều phương án cho cuộc tấn công dự kiến trong tháng 5 và đã bàn thảo nhiều phương án đó với phía Mỹ.
Ban đầu ông Netanyahu thúc đẩy một phương án kết hợp không kích với đột kích của lực lượng đặc nhiệm. Kế hoạch này sẽ là phiên bản táo bạo hơn nhiều so với chiến dịch Israel tiến hành hồi tháng 9/2024, khi lực lượng Israel sử dụng trực thăng đưa quân vào Syria để phá hủy một hầm ngầm nơi sản xuất tên lửa cho Hezbollah.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lo ngại rằng chỉ một phần cơ sở hạt nhân Iran có thể bị lực lượng đặc nhiệm phá hủy. Phần urani được làm giàu ở cấp độ cao nhất gần đạt mức chế tạo bom được phân tán tại nhiều địa điểm khắp Iran.
Để thành công, phía Israel muốn có máy bay Mỹ yểm trợ cho lực lượng đặc nhiệm dưới mặt đất.
Nhưng ngay cả khi Mỹ đồng ý hỗ trợ, các chỉ huy quân sự Israel cho biết chiến dịch như vậy sẽ mất vài tháng để lên kế hoạch. Điều này gây ra vấn đề, bởi nhiệm kỳ của Tướng Kurilla dự kiến kết thúc trong vài tháng tới, nên hai bên muốn có kế hoạch có thể triển khai khi ông còn đương chức. Còn ông Netanyahu thì muốn hành động ngay.
Sau khi gác lại ý tưởng dùng đặc nhiệm, các quan chức Israel và Mỹ bắt đầu thảo luận về một chiến dịch ném bom quy mô lớn, dự kiến khởi động vào đầu tháng 5 và kéo dài hơn một tuần. Một cuộc không kích của Israel năm ngoái đã phá hủy hệ thống phòng không S-300 của Iran. Chiến dịch ném bom sắp tới sẽ phải mở màn bằng việc phá hủy các hệ thống phòng không còn lại, giúp tiêm kích Israel có lối vào tự do hơn để đánh vào các cơ sở hạt nhân.
Bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel nhằm vào cơ sở hạt nhân cũng sẽ kích hoạt loạt tên lửa đáp trả mới từ phía Iran, điều sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ của Mỹ để chống đỡ.
Các quan chức cấp cao Iran, từ tổng thống đến tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và ngoại trưởng, đều tuyên bố rằng Iran sẽ tự vệ nếu bị Israel hoặc Mỹ tấn công.
Thiếu tướng Mohammad Bagheri, Tổng Tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Iran, nói trong bài phát biểu ngày 6/4 rằng Iran không muốn chiến tranh và muốn giải quyết căng thẳng với Mỹ thông qua con đường ngoại giao. Nhưng ông cảnh báo: “Phản ứng của chúng tôi trước bất kỳ cuộc tấn công nào vào chủ quyền của Cộng hòa Hồi giáo sẽ rất mạnh mẽ và để lại hậu quả nghiêm trọng”.
Thùy Dương/Báo Tin tức