Trong một thông cáo ngày 2/2, Hải quân Hàn Quốc cho biết, một ngày trước đó, Hải quân nước này đã thành lập một hạm đội mới mang tên Bộ Tư lệnh Hạm đội cơ động, trong nỗ lực nhằm ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa quân sự trên biển từ Triều Tiên.
“Bộ Tư lệnh Hạm đội cơ động Hải quân Hàn Quốc, một đơn vị cốt lõi của hệ thống ba trục trên biển chống lại các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời bảo vệ các tuyến đường vận tải biển của đất nước, đã được đưa vào hoạt động kể từ ngày 1/2.”, thông cáo nói, lưu ý, hạm đội mới sẽ vận hành nhiều tàu khu trục, bao gồm cả những tàu được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis.
Đây là hạm đội cơ động đầu tiên của Hàn Quốc sau 36 năm kể từ khi tính thiết yếu của lực lượng này trong Hải quân được thiết lập vào năm 1989 và 15 năm kể từ khi tiền thân của đơn vị này là Tiểu hạm đội cơ động 7 được thành lập vào năm 2010.
Hệ thống ba trục trên biển là phiên bản trên biển của cấu trúc răn đe ba trục của quân đội Hàn Quốc, bao gồm nền tảng tấn công phủ đầu Kill Chain, hệ thống trừng phạt và trả đũa hàng loạt và hệ thống phòng thủ tên lửa- phòng không.
Theo Hải quân Hàn Quốc, trong trường hợp có tình huống bất ngờ, Bộ Tư lệnh sẽ điều các tàu khu trục chủ chốt đến vùng biển gần Đường giới hạn phía Bắc, biên giới trên biển liên Triều trên thực tế, để phát hiện và đánh chặn tên lửa của Triều Tiên, trong khi tiến hành các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu cốt lõi.
Tàu khu trục thế hệ mới Jeongjo Đại đế, thành phần trong Hạm đội cơ động của Hải quân Hàn Quốc. Nguồn: HD Hyundai Heavy Industries.
Theo Hải quân Hàn Quốc, đơn vị này do một Tư lệnh cấp trung tướng chỉ huy, gồm 3 Hải đoàn cơ động, vận hành 10 tàu khu trục với các tàu khu trục thế hệ mới Jeongjo Đại đế nặng 8.200 tấn và tàu khu trục Chungmugong Yi Sun-sin, được trang bị chức năng tránh radar và hệ thống chiến đấu Aegis mới nhất; một Hải đoàn hậu cần cơ động với 4 tàu hậu cần, gồm tàu Soyang; cùng một Hải đoàn căn cứ có nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ các căn cứ trên mặt đất.
Các tàu được đóng theo dự án tàu khu trục thế hệ tiếp theo (KDDX) của Hàn Quốc cũng sẽ được giao cho Bộ Tư lệnh mới sau khi hoàn thành, thông báo cho biết thêm.
Đặc biệt, so với tàu Sejong Đại đế, tàu Jeongjo Đại đế không chỉ có khả năng phát hiện, truy dấu tên lửa đạn đạo mà còn có thể đánh chặn bằng tên lửa đánh chặn hạm đối không tầm xa.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị tên lửa đạn đạo hạm đối đất và tên lửa hành trình, cho phép tấn công trực tiếp các điểm tấn công xuất phát của đối phương từ trên biển.
Nguồn tin lưu ý, khác với các Hạm đội có khu vực hoạt động ở các vùng biển phía Đông, Tây và Nam của bán đảo Triều Tiên, Hạm đội cơ động không có vùng tác chiến cố định.
Đơn vị này sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ như bảo vệ tuyến đường hàng hải, giám sát và ứng phó tại vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên, cũng như tham gia các nhiệm vụ điều quân ra nước ngoài.
Quân đội Hàn Quốc đánh giá Hạm đội cơ động với khả năng cơ động và tác chiến linh hoạt, sẽ giúp nâng cao hiệu quả triển khai lực lượng trên biển và kiểm soát tác chiến một cách chủ động hơn.
Văn Phong/Yonhap, KBS