Tại họp báo Chính phủ chiều ngày 5/2, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã nhận được câu hỏi của phóng viên xoay quanh đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy. Cụ thể là việc rà soát số lượng công chức, viên chức sẽ giảm khi hợp nhất, tinh gọn và sắp xếp bộ máy. Nguồn kinh phí để hỗ trợ chế độ chính sách cho cán bộ, công chức nghỉ theo diện tinh giản đã được chuẩn bị ra sao?
Ông Vũ Đăng Minh trả lời tại họp báo. Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN
Trả lời vấn đề trên, ông Vũ Đăng Minh - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 178 quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ngay sau đó, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Ngày 4/1/2025, Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo Chính phủ có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương trong việc quy định tiêu chí, điều kiện cụ thể để phù hợp đặc điểm, tình hình của từng Bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, cộng với đánh giá năng lực trong 3 năm gần nhất, lựa chọn những người tiếp tục giữ lại công tác, người nào vào diện sắp xếp.
“Nguyên tắc là rõ việc, rõ người, rõ sản phẩm, nếu không chứng minh được vị trí đó làm việc gì, sản phẩm là gì, khối lượng một năm làm được gì thì sẽ phải vào diện sắp xếp. Chúng ta cũng phải tính toán để làm sao tìm ra đội ngũ có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngang tầm nhiệm vụ để vận hành bộ máy mới bảo đảm tăng hiệu lực, hiệu quả,” ông Vũ Đăng Minh nói.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, đến nay, đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nhận được sự nhất trí cao về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, cơ cấu về nhân sự, tới đây sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Ông Minh thông tin thêm, các Bộ, ngành, địa phương đã có phương án cụ thể về sắp xếp, tổ chức bộ máy. Riêng về số lượng người tinh giản cụ thể, phải chờ Quốc hội thông qua đề án về cơ cấu Chính phủ. Sau đó, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành... “Có những Bộ không thuộc dạng sắp xếp cũng phải điều chỉnh bộ máy bên trong, tinh gọn, hợp nhất các vụ để có bộ máy mới...,” ông Minh nói thêm.
Liên quan đến việc chi trả chế độ cho đội ngũ cán bộ, công chức... thuộc diện sắp xếp, ông Minh cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Tài chính (chủ trì) khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn về nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí này. "Về mặt cơ sở pháp lý đã có Nghị định 178, có thông tư hướng dẫn cách tính với từng người, thông tư hướng dẫn lập dự toán... Khi Quốc hội thông qua đề án sắp xếp thì có thể thực hiện được ngay," người phát ngôn Bộ Nội vụ nói.
Về việc có đủ nguồn thanh toán hay không? Ông Minh khẳng định, khi thực hiện xây dựng dự thảo Nghị định 178, Bộ Nội vụ đã xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương, của Tổng Bí thư, trong đó rất quan tâm đến việc có đủ nguồn hay không. “Chúng tôi đã đánh giá tác động, nếu thực hiện theo phương án này thì nguồn kinh phí chi trả cho những người sắp xếp còn thấp hơn để trả cho những người ấy tiếp tục làm việc ấy trong vòng 5 năm. Như vậy chúng ta có thể cân đối được nguồn để thực hiện,” Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ nói.
Về số tiền được hưởng thực tế, có người cao người thấp, ông Vũ Đăng Minh cho biết đã có quy định cụ thể tại Nghị định 178 và Thông tư 01, căn cứ vào số lương thực tế đang hưởng, số tháng nghỉ, thời điểm nghỉ trong 12 tháng hay sau 12 tháng... Theo thông tư hướng dẫn, chỉ cần nhập số liệu theo công thức tính sẽ ra số tiền cần phải chi trả cho mỗi người.
Đại diện Bộ Nội vụ khẳng định, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, đến thời điểm hiện tại, các tài liệu, hồ sơ trình Quốc hội đã hoàn thiện và đầy đủ, chỉ chờ Quốc hội thông qua để triển khai thực hiện.
Đinh Nhung