Tiêu chí nào phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026 – 2030?

Tiêu chí nào phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026 – 2030?
3 giờ trướcBài gốc
Việc ban hành Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026 - 2030 nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước
Theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026 - 2030 nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đảng và Nhà nước luôn khẳng định vị trí, vai trò chiến lược của công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong sự nghiệp phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc”.
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW khóa IX, trong đó nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc theo hướng tích hợp, lồng ghép, có trọng tâm, trọng điểm.
Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và thông qua bố trí vốn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại Nghị quyết số 120/2020/QH14.
Để cụ thể hóa các chủ trương này, cần thiết phải ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cấp Chính phủ nhằm quy định thống nhất, công khai, minh bạch các tiêu chí phân định địa bàn, làm cơ sở áp dụng chính sách dân tộc trong giai đoạn 2026 - 2030 và các giai đoạn tiếp theo.
Cần thiết phải ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cấp Chính phủ nhằm quy định thống nhất, công khai, minh bạch các tiêu chí phân định địa bàn, làm cơ sở áp dụng chính sách dân tộc
Việc ra đời Nghị định này cũng sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ, kịp thời thay thế các quy định hiện hành sắp hết hiệu lực.
Hiện nay, việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển đang được thực hiện theo Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12.11.2020 của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, Quyết định này sẽ hết hiệu lực sau năm 2025. Nếu không có văn bản mới thay thế, sẽ dẫn đến khoảng trống pháp lý trong việc xác định địa bàn triển khai các chính sách dân tộc, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng và phân bổ nguồn lực đầu tư trung hạn giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, việc ban hành Nghị định thay thế Quyết định hiện hành là cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, bảo đảm thống nhất, minh bạch và phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ và yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo cũng cho biết, Nghị định là căn cứ để xác định địa bàn ưu tiên đầu tư, phân bổ nguồn lực công bằng và hiệu quả.
Theo đó, việc phân định rõ ràng các địa bàn theo đặc điểm dân cư, địa hình, điều kiện tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở để áp dụng chính sách có địa chỉ, đúng đối tượng; Ưu tiên đầu tư các nguồn lực ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn vay ưu đãi và nguồn lực xã hội; Thiết lập hệ thống dữ liệu thống nhất phục vụ quản lý, theo dõi và đánh giá chính sách một cách khách quan, minh bạch.
Nghị định ra đời sẽ thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng, các dân tộc
Cùng với đó, phân định địa bàn không chỉ là yêu cầu kỹ thuật của quản lý nhà nước, mà còn là công cụ để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc; Bảo đảm quyền tiếp cận công bằng đến các dịch vụ cơ bản (giáo dục, y tế, nước sạch, điện, internet…); Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển nông nghiệp đặc sản, kinh tế bản địa; Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2026 - 2030, mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ là xóa đói giảm nghèo, mà còn hướng đến phát triển toàn diện, bền vững, có bản sắc và gắn kết liên vùng. Do đó, cần thiết phải xây dựng tiêu chí phân định phù hợp với yêu cầu mới, làm cơ sở hoạch định chính sách một cách chiến lược, hiệu quả
Việc phân định được thực hiện nhằm làm cơ sở pháp lý và thực tiễn để xác định địa bàn ưu tiên đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc, chính sách phát triển vùng.
Phân loại, đánh giá khách quan thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các thôn, xã, tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hoặc có điều kiện địa lý, tự nhiên đặc thù như miền núi.
Bảo đảm tính công bằng, minh bạch và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực đầu tư công, tránh dàn trải, trùng lặp chính sách.
Phục vụ công tác quy hoạch, lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và trung ương, nhất là trong các giai đoạn 5 năm (như 2026-2030).
Thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng, các dân tộc.
Nội dung cơ bản của Nghị định gồm Quy định tiêu chí thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Quy định tiêu chí xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Quy định tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Quy định tiêu chí phân định xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; Quy trình, thủ tục, thẩm quyền và thời hạn xác định, tổng hợp, thẩm định, trình phê duyệt danh sách xã, thôn; Quy định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện ở các cấp và nguyên tắc sử dụng kinh phí.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ là xóa đói giảm nghèo, mà còn hướng đến phát triển toàn diện, bền vững, có bản sắc và gắn kết liên vùng
Theo Dự thảo Nghị định, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là thôn có người dân tộc thiểu số sinh sống ổn định thành cộng đồng, đáp ứng ít nhất 1 trong 3 tiêu chí: Có tổng số hộ dân người dân tộc thiểu số chiếm từ 15% trở lên.; Có ít nhất 50 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số trở lên; Có độ cao trung bình (hoặc độ cao tính tại vị trí nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn) so với mực nước biển từ 300m trở lên.
Xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là xã có người dân tộc thiểu số sinh sống ổn định thành cộng đồng, đáp ứng tối thiểu 1 trong 3 tiêu chí sau: Có tổng số hộ dân người dân tộc thiểu số chiếm từ 15% trở lên; Có ít nhất 300 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tối thiểu 50% số thôn thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trở lên; Có độ cao trung bình (hoặc độ cao tính tại vị trí trụ sở UBND xã) so với mực nước biển từ 300m trở lên.
Tại Dự thảo Nghị định, tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm 3 tiêu chí cụ thể sau: Có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều gấp từ 3 lần tỷ lệ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân của cả nước trở lên; riêng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều gấp từ 2 lần tỷ lệ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân của cả nước trở lên.
Tỷ lệ đường từ trung tâm xã đến các thôn chưa được cứng hóa theo tiêu chuẩn B đường giao thông nông thôn.
Chưa có điện lưới quốc gia hoặc đã có nhưng vẫn còn trên 30% số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
Trong đó xác định thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là thôn có ít nhất 2 trên 3 tiêu chí trên.
Dự thảo Nghị định cũng quy định tiêu chí phân định xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển gồm 8 tiêu chí cụ thể.
Theo đó, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 50% trở lên so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước theo công bố của năm trước liền kề.
Có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều cao gấp từ 2 lần trở lên so với tỷ lệ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân của cả nước; riêng đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều gấp từ 1,5 lần trở lên so với tỷ lệ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân của cả nước.
Cùng với đó, tỷ lệ hộ có điện sử dụng thường xuyên, an toàn đạt dưới 90%; tỷ lệ hộ dùng nước sạch, hợp vệ sinh đạt dưới 80%; tỷ lệ đường xã được cứng hóa theo tiêu chuẩn A đường giao thông nông thôn đạt dưới 80%; tỷ lệ đường từ trung tâm xã đến các thôn được cứng hóa theo tiêu chuẩn B đường giao thông nông thôn đạt dưới 60%; chưa có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt dưới 90%.
Trên cơ sở đó, phân định xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển như sau: Xã khu vực I (xã đang phát triển) là xã có ít hơn 3 tiêu chí. Xã khu vực II (xã khó khăn) là xã có từ 3 đến 4 tiêu chí. Xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) là xã có từ 5 tiêu chí trở lên.
HUY AN
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/tieu-chi-nao-phan-dinh-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-giai-doan-2026-2030-131567.html