Tiêu chuẩn chống động đất: Yêu cầu quan trọng cho các nhà máy

Tiêu chuẩn chống động đất: Yêu cầu quan trọng cho các nhà máy
một ngày trướcBài gốc
Gần đây, vụ động đất mạnh 7,7 richter tại Myanmar diễn ra vào trưa ngày 28/3 đã gây ra thiệt hại lớn cho đất nước này, khi có hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm tòa nhà, cơ sở hạ tầng bị đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng, trong đó có nhiều bệnh viện, công trình hạ tầng, tòa nhà văn phòng…
Dù cách tâm chấn nhưng tại Việt Nam, vào khoảng 13h30 ngày 28/3, người dân ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... cũng thấy nhà rung chuyển, người dân sống trên các chung cư cao tầng bị chóng mặt như tụt huyết áp. Nhiều người dân đã phải chạy khỏi các cao ốc xuống tầng 1.
Động đất là một hiểm họa tiềm ẩn không thể dự báo chính xác, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động giảm thiểu thiệt hại bằng cách xây dựng các công trình an toàn hơn. Ảnh minh họa
Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam nằm trong vùng có nguy cơ động đất trung bình đến cao, đặc biệt là khu vực Điện Biên, Lai Châu, Quảng Nam, Quảng Ngãi và khu vực dãy Hoàng Liên Sơn. Trong bối cảnh này, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật chống động đất trong xây dựng nhà máy là rất quan trọng, giúp bảo vệ an toàn cho người lao động và giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các nhà máy, khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều tại Việt Nam. Đây là động lực quan trọng cho kinh tế, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ về an toàn, đặc biệt là an toàn trước rủi ro động đất - đây được cho một yếu tố thường bị bỏ qua hoặc xem nhẹ ở nhiều nơi.
Tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật chống động đất
Theo đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam có tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012 về thiết kế công trình chịu động đất. Tiêu chuẩn này được biên soạn dựa trên nền tảng của Eurocode 8 (Tiêu chuẩn châu Âu về thiết kế kháng chấn), một bộ tiêu chuẩn tiên tiến và được công nhận rộng rãi trên thế giới.
Ngoài ra, từ lâu Bộ Xây dựng đã ban hành và tham mưu ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế và xây dựng công trình chịu động đất nhằm đảm bảo an toàn, độ bền vững và khả năng chống chịu của công trình trước tác động của động đất.
Năm 2006, Bộ Xây dựng đã ban hành Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 375:2006 “Thiết kế công trình chịu động đất” và được chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012 năm 2012. Đây là cơ sở cho các chủ đầu tư tính toán kháng chấn cho công trình.
Điều 91 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) cũng có quy định về việc đảm bảo an toàn công trình. Theo đó, các công trình xây dựng phải được thiết kế và thi công đảm bảo khả năng chịu lực, tính ổn định và tính bền vững trong điều kiện động đất. Đặc biệt, đối với những khu vực có nguy cơ động đất cao, công trình phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, năm 2022, QCVN 02:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng cũng đã được ban hành trên cơ sở soát xét QCVN 02:2009/BXD. Quy chuẩn kỹ thuật này quy định số liệu điều kiện tự nhiên áp dụng trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các hoạt động xây dựng bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tại Việt Nam.
Như vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật chống động đất trong nhà máy không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là một chiến lược bảo vệ lâu dài. Đầu tư vào thiết kế kháng chấn sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo hoạt động bền vững và an toàn cho con người.
Tại sao nhà máy cần đặc biệt quan tâm đến chống động đất?
Không giống như nhà ở thông thường, nhà máy có những đặc thù khiến chúng trở nên nhạy cảm hơn với rung động địa chấn.
Kết cấu đặc thù: Nhà máy thường có không gian lớn, nhịp kết cấu rộng, mái cao để phục vụ dây chuyền sản xuất. Các dạng kết cấu này (như khung thép khẩu độ lớn) có thể có chu kỳ dao động riêng dễ cộng hưởng với sóng động đất hơn so với nhà thấp tầng thông thường.
Tải trọng lớn và phức tạp: Máy móc, thiết bị nặng, hệ thống đường ống, bể chứa hóa chất, giá kệ chứa hàng hóa... tạo ra tải trọng lớn và phân bố không đều. Sự rung lắc có thể gây đổ ngã, hư hỏng các thiết bị này, không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn có thể dẫn đến thảm họa thứ cấp (cháy nổ, rò rỉ hóa chất).
Tầm quan trọng kinh tế và xã hội: Một nhà máy ngừng hoạt động do động đất gây thiệt hại kinh tế nặng nề, mất việc làm, gián đoạn chuỗi cung ứng. Với các nhà máy có yếu tố nguy hiểm (hóa chất, năng lượng), hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Tập trung đông người lao động: Đảm bảo an toàn tính mạng cho hàng trăm, hàng ngàn công nhân là ưu tiên hàng đầu.
Theo giới chuyên gia, để ứng phó với động đất, các đơn vị cần chủ động xây dựng phương án đảm bảo cung cấp điện an toàn, dự phòng nhiên liệu và vật tư để sẵn sàng khắc phục sự cố đối với hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối, nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Thanh Bình
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/tieu-chuan-chong-dong-dat-yeu-cau-quan-trong-cho-cac-nha-may-380960.html