Tiêu chuẩn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiều cấp học?

Tiêu chuẩn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiều cấp học?
9 giờ trướcBài gốc
Minh họa/INT
Địa phương tôi đang thực hiện sáp nhập trường tiểu học và THCS. Theo giải thích của sở Nội vụ, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường tiểu học sau khi sáp nhập đều không đủ điều kiện để tiếp tục làm cán bộ quản lý ở trường tiểu học và THCS.
Lý do là, khoản 3 Điều 11 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về trình độ đào tạo và thời gian công tác phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học và đã dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.
Do đó, phải dạy học 5 năm ở cấp học cao nhất mới được làm phó hiệu trưởng trường tiểu học và THCS. Xin hỏi, cách giải thích như trên có đúng không? (lylong***@gmail.com)
* Trả lời:
Tiêu chuẩn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiều cấp học được quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, cụ thể như sau: Có thời gian dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó, đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, và đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất nếu là trường phổ thông có nhiều cấp học.
Theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị định hướng cho việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, việc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo hướng: Giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế và thực hiện chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường THCS, tiểu học, mầm non, trạm y tế của đơn vị cơ sở mới.
Tại Công văn số 1581/BGDĐT-GDPT ngày 8/4/2025 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập được giữ nguyên và chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý.
Trong thời gian Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, nhằm bảo đảm ổn định đội ngũ quản lý và duy trì hoạt động giáo dục thông suốt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025, Bộ đề nghị sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành liên quan để giữ nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục.
Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Email: bandocgdtd@gmail.com
GD&TĐ
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/tieu-chuan-cua-hieu-truong-pho-hieu-truong-truong-pho-thong-co-nhieu-cap-hoc-post738325.html