Tiêu điểm: 'Dở khóc dở cười' vì nhiều khoáng sản

Tiêu điểm: 'Dở khóc dở cười' vì nhiều khoáng sản
2 giờ trướcBài gốc
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỪ KHOÁNG SẢN BÔ XÍT
Với trữ lượng 10 tỷ tấn bô xít, Tây Nguyên chiếm 90% lượng bô xít cả nước. Trong đó, 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng có trữ lượng nhiều nhất.
Sau hơn 15 năm triển khai đầu tư 2 dự án bô xít ở khu vực Tây Nguyên, gồm Tổ hợp dự án bô xít - nhôm Lâm Đồng và dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ Đắk Nông, công suất mỗi dự án 650.000 tấn alumin/năm, đến nay có thể khẳng định, cả hai dự án đều đạt hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ dừng ở đó, 2 công ty này còn tạo điều kiện cho hơn 1.000 lao động tại mỗi địa phương, trong đó có cả người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với mức lương trên 16 triệu đồng/người/tháng.
Phát triển tổ hợp nhôm sắt xốp là 1 trong 3 hướng đột phá chiến lược chính và tập trung về kinh tế mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng đề ra.
Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh, đây là dự án nằm trong chủ trương lớn về xây dựng ngành công nghiệp - một ngành kinh tế có ý nghĩa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tiềm năng rất lớn, thế nhưng việc quy hoạch khai thác loại khoáng sản đặc thù này đang làm cho một số địa phương có trữ lượng lớn “đứng hình”.
Theo Quyết định số 866 ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Đắk Nông có tổng diện tích khu vực phân bố quặng bô xít là hơn 1.670km2. Số lượng này chiếm 25% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Bô xít có ở 5/8 huyện, thành phố: Tuy Đức, Đắk R’lấp, thành phố Gia Nghĩa, Đắk Song, Đắk Glong. Còn tại Lâm Đồng, 7/9 huyện thành phố của tỉnh này cũng nằm trong vùng quy hoạch khoáng sản. Thành phố Bảo Lộc, các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh với 70.200ha, trên 97.000 người dân chịu ảnh hưởng.
Những tưởng nhiều khoáng sản sẽ mang lại nhiều giá trị để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên chính sự nhiều “khoáng sản” bất thường, phân bố rộng khắp lại làm cho địa phương “dở khóc dở cười”.
“DỞ KHÓC DỞ CƯỜI” VÌ NHIỀU KHOÁNG SẢN
Hơn 40 năm trước ông Nguyễn Anh Tuấn (phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng cùng gia đình vào Tây Nguyên theo diện kinh tế mới. Khi Bảo Lộc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, giá trị mảnh đất của ông tăng lên. Thế nhưng, Quy hoạch 866 đã làm đảo lộn tất cả. Toàn bộ diện tích đất hợp pháp trước đây trở thành đất trong quy hoạch.
Không được xây dựng, sữa chữa nhà trên mảnh đất sở hữu hợp pháp, không được làm giấy tờ để phân chia đất cho con cái, không được thế chấp vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất... là những bức xúc của người dân nằm trong vùng quy hoạch.
Tại Đắk Nông, hơn 1.062 công trình bị “đóng băng” do vướng quy hoạch khoáng sản, trong đó có các công trình trọng điểm, công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư công. Tái định cư không thể xây, mỏ vật liệu không thể cấp phép, hệ lụy kéo theo khiến nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương gặp khó khăn. Đến cả những công trình phục vụ mục đích cộng đồng như sửa đường hỏng cũng nhiều lần phải trả lại vốn.
Quy hoạch khoáng sản này phần lớn đang chồng lấn với quy hoạch đất khu dân cư hiện hữu, đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng.
GỠ VƯỚNG CHO LOẠI KHOÁNG SẢN ĐẶC THÙ
Thời điểm hiện tại, Quy hoạch 866 làm thay đổi toàn bộ các kế hoạch, định hướng phát triển của chính quyền tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông. Điều này còn ảnh hưởng tới đời sống, sinh kế của người dân, gây hoang mang bức xúc, dẫn đến những trường hợp đơn thư, khiếu nại, tố cáo về đất đai và quyền lợi công dân đã manh nha hình thành, làm cho chính quyền cơ sở phải đau đầu ứng phó mỗi ngày.
Các địa phương đã làm việc với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương nhiều lần để mong tháo gỡ khó khăn, nhưng chờ mãi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu cũng đã chất vấn Bộ trưởng nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng tiếp thu ý kiến của địa phương, khẩn trương tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Địa chất Khoáng sản cho phù hợp.
Theo các chuyên gia, để có thể khai thác được hết trữ lượng bô xít với công suất của các nhà máy hiện nay cần đến 400 năm nữa. Nhưng bài toán về phát triển kinh tế xã hội và an sinh của người dân phải giải quyết kịp thời để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất. Không nên để khoáng sản đang là “lợi thế” trở thành “bất lợi” cho địa phương kéo dài.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Phúc Hân - Ngọc Duy
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/tieu-diem-do-khoc-do-cuoi-vi-nhieu-khoang-san-243069.htm