Với quan điểm xây dựng pháp luật, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn”, người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là đích đến của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các tổ chức quốc tế đánh giá rất tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khi tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tích cực vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, ước đạt 6,8 - 7% cả năm 2024. Tuy nhiên, để Việt Nam thực sự bước vững vàng trên kỷ nguyên mới, chúng ta cần phải tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế. Bởi nếu vướng mắc ngay ở các quy định pháp luật mà không được nhận diện để sửa đổi kịp thời thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh sự cần thiết, tính cốt lõi trong chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Chỉ đạo tháo gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” về công tác xây dựng pháp luật của Tổng Bí thư Tô Lâm được coi là đột phá về tầm nhìn. Định hướng quan trọng, tầm nhìn rộng lớn của người đứng đầu Đảng cho thấy, chỉ có đổi mới công tác lập pháp mới có thể tạo ra bước đột phá về thể chế, để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khi người dân, doanh nghiệp là trung tâm của mọi quyết sách, là khi ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng dựng xây đất nước.
ĐỔI MỚI TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT - TẠO SỨC BẬT TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong hệ thống pháp luật ở nước ta, đồng thời yêu cầu cần dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, “không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư”. Thông điệp của Tổng Bí thư như ngọn đèn sáng dẫn dắt cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng hành động, khơi thông dòng chảy phát triển.
Không chần chừ và phản ứng nhanh, Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV tiếp tục thể hiện sự đổi mới, lắng nghe và sẵn sàng sửa ngay những vấn đề cấp bách mà cuộc sống đang đòi hỏi. Ngay sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 29/10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có văn bản gửi các đại biểu Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng như các Bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, nghị quyết về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.
Cần giải bài toán “điểm nghẽn thể chế” khi hệ thống pháp luật bắt đầu bộc lộ một số bất cập và đổi mới, hành động ngay từ khâu soạn thảo dự án luật, nghị quyết.
Thực tiễn xây dựng pháp luật thời gian qua cũng như yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đòi hỏi Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và trực tiếp là từ Kỳ họp thứ 8 phải có sự đổi mới không ngừng trong công tác lập pháp. Do đó, xây dựng pháp luật chính là may chiếc áo “pháp luật” vừa vặn, có sức bền và khả thi trong cuộc sống và xây dựng pháp luật phải là tiền đề cho việc khơi thông nguồn lực, hạn chế điểm nghẽn, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, tiếp thu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, thời gian tới, công tác xây dựng pháp luật cần có đổi mới rõ nét.
CHIẾC ÁO THỂ CHẾ VỪA VẶN, KHẢ THI, BỀN VỮNG
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 45 nghị quyết và 3 pháp lệnh. Ngay trong Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội dự kiến tiếp tục thông qua 15 dự luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến vào 13 dự thảo luật, trong đó có 1 luật sửa 3 luật trong lĩnh vực đầu tư, 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản và có cả những dự án luật rất mới, phù hợp với xu thế phát triển như Luật Dữ liệu và Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đặc biệt, đối với những dự án luật được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 8, trong quá trình thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chỉ đạo “luật chỉ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư”. Từ chỉ đạo đó, dự án Luật Nhà giáo từ 71 điều ban đầu, đã rút gọn còn 45 điều mà vẫn giữ nguyên được tinh thần cốt lõi của dự luật. Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) ban đầu cơ quan soạn thảo trình gồm 11 chương và 96 điều, đến thời điểm này đã rút xuống còn 9 chương, 89 điều.
Đặc thù của ngành công nghiệp hóa chất thường là các dự án công nghiệp với mức đầu tư lớn, do đó nếu chính sách không đồng bộ, không có các quy định tiêu chuẩn quy chuẩn rõ ràng sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Khi lấy ý kiến vào dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), doanh nghiệp lo lắng khi quy định về khoảng cách an toàn, đặc biệt với khu dân cư thể hiện tại Điều 62, Chương 6, bởi nếu luật thực thi, doanh nghiệp sẽ gặp khó khi buộc phải di dời nhà xưởng.
Trong báo cáo tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ Công Thương khẳng định sẽ nghiên cứu sửa đổi theo hướng không áp dụng quy định về khoảng cách an toàn đối với các doanh nghiệp hoạt động đang hiện hữu. Thực tế đã cho thấy sự đổi mới rõ nét trong quá trình xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), sau nhiều lần lấy ý kiến, thẩm tra luật, luật đã giảm 2 chương, 7 điều so với ban đầu. Sự đổi mới này cũng được các chuyên gia ghi nhận, đánh giá cao.
Các chuyên gia cũng cho rằng, phải tiếp tục nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ soạn thảo luật, đánh giá kỹ tác động chính sách. Đồng thời, muốn khuyến khích đổi mới sáng tạo thì phải làm luật khung. Còn nếu luật quá chi tiết thì lại không đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành. Do đó, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì không nên quy định trong luật, cần xây dựng luật theo hướng ngắn gọn, cụ thể nhưng không quá chi tiết. Đây cũng chính là một trong những yêu cầu mà Chủ tịch Quốc hội nêu ra trong văn bản ngày 29/10 về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, nâng cao hơn nữa chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội.
Đổi mới công tác lập pháp luôn là mục tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra và càng phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian tới. Sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội, Chính phủ sẽ thực hiện hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, từ đó giúp khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Đánh dấu một kỷ nguyên mới của dân tộc khi hội tụ đầy đủ thế và lực - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!
Bích Hạnh - Thùy Linh
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/tieu-diem-thao-go-diem-nghen-khoi-thong-dong-chay-huong-toi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-241703.htm