Sáng 28-3, UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư.
Theo quy hoạch được duyệt, Khánh Sơn được định hướng phát triển trở thành vùng du lịch sinh thái, với những giá trị cảnh quan và văn hóa độc đáo, thân thiện với môi trường.
Theo đó, quy hoạch xây dựng địa phương phát triển hệ thống đô thị theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng; hình thành các đô thị có mật độ cây xanh, sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, giảm tỷ lệ giao thông cơ giới trong đô thị, gia tăng hệ thống đường xe đạp, đi bộ, giao thông công cộng.
Công bố Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đồng thời, theo quy hoạch sẽ kiến tạo các vành đai xanh, áp dụng thiết kế vườn trên mái, hạ tầng xanh, nhằm từng bước xây dựng Khánh Sơn trở thành một điểm đến độc đáo của tỉnh. Quy hoạch hướng đến xây dựng địa phương trở thành trung tâm du lịch vùng núi đặt trọng tâm khai thác các giá trị sinh thái, cảnh quan, văn hóa, di sản và sinh thái nông nghiệp sạch.
Theo quy hoạch được duyệt, huyện Khánh Sơn với diện tích tự nhiên khoảng 33.853ha, dự báo dân số tổng hợp khoảng 48.000 người đến năm 2030; đến năm 2040 khoảng 65.000 người; đến năm 2050 khoảng 90.000 người. Quy hoạch cũng phân huyện Khánh Sơn làm 3 tiểu vùng để phát triển.
Tiểu vùng 1 là vùng trọng điểm phát triển du lịch, đô thị và dân cư, khai thác các giá trị hạ tầng và cảnh quan - tầm nhìn đặc sắc, kết hợp đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tiểu vùng này có tổng diện tích tự nhiên là 13.103ha, bao gồm thị trấn Tô Hạp và 3 xã: Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam.
Khu vực này có chức năng chính là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và thương mại dịch vụ huyện lỵ gắn với phát triển du lịch sinh thái núi rừng; đóng vai trò kết nối, lan tỏa phát triển đến các khu vực lân cận, địa phương tiếp giáp.
Mây phủ trắng xóa thung lũng Tô Hạp nhìn từ đỉnh đèo Khánh Sơn
Tiểu đô thị sinh thái núi rừng Khánh Sơn chìm trong mây
Tiểu vùng 2: Vùng sinh thái cảnh quan nông - lâm nghiệp, đan xen dịch vụ du lịch sinh thái - văn hóa, gắn với điều kiện khí hậu tại địa phương; với tổng diện tích tự nhiên là 8.191ha, bao gồm 2 xā: Sơn Bình, Sơn Hiệp.
Tiểu vùng này có chức năng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp - công nghiệp, đan xen du lịch - dịch vụ; ưu tiên các mô hình du lịch cộng đồng - văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đồng thời tiểu vùng này sẽ phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe tại các khu vực ven hồ, suối…; phát triển du lịch, dịch vụ, khai thác nông, lâm nghiệp kết hợp làm du lịch dưới tán rừng.
Sầu riêng thương hiệu Khánh Sơn đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu
Tiểu vùng 3 là vùng nông - lâm nghiệp - khuyến khích phát triển du lịch sinh thái - văn hóa; tổng diện tích tự nhiên 2.559ha, gồm 2 xã Thành Sơn và Sơn Lâm. Chức năng của Tiểu vùng 3 là vùng phát triển nông nghiệp năng suất cao và cây công nghiệp, hình thành các vùng sinh thái nông nghiệp, đan xen dịch vụ du lịch.
Giai đoạn đến năm 2030, địa phương phát triển mới Cụm Công nghiệp Sơn Bình với quy mô khoảng 18ha. Sau năm 2030, khu vực dự trữ phát triển sản xuất công nghiệp quy mô khoảng 31,4ha tại các khu vực: Thị trấn Tô Hạp, xã Sơn Lâm, xã Ba Cụm Bắc và một phần xã Thành Sơn.
Khánh Sơn phát triển nông nghiệp năng suất cao và cây công nghiệp, hình thành các vùng sinh thái nông nghiệp, đan xen dịch vụ du lịch
Ông Bùi Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, cho rằng tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm ở Khánh Sơn là rất lớn. Vùng đất này hội đủ các giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử gắn với đồng bào Raglai, tìm hiểu về đàn đá Khánh Sơn - nơi xuất phát bộ đàn đá có niên đại khoảng 2.500-3.000 năm (đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa) được công nhận là bảo vật quốc gia.
"Huyện ủy Khánh Sơn sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó kỳ vọng đường liên huyện Khánh Sơn - Khánh Vĩnh sẽ giúp kết nối một cung đường - 2 thác nước đẹp nhất Khánh Hòa là Tà Gụ - Yangbay (Khánh Vĩnh). Huyện sẽ tiếp tục hướng đến các chương trình xúc tiến đầu tư, phát triển các sản phẩm nông nghiệp và du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm... để thu hút khách. Phấn đấu xây dựng huyện miền núi Khánh Sơn trở thành "tiểu đô thị sinh thái núi rừng" theo định hướng của Bộ Chính trị" - ông Nam cho biết.
Ký kết hợp tác giữa UBND huyện Khánh Sơn và các đối tác
Tại lễ công bố quy hoạch, UBND huyện Khánh Sơn đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc triển khai giải pháp tổng thể chuyển đổi số trên địa bàn huyện Khánh Sơn giai đoạn 2025-2027.
UBND huyện này cũng ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch với Trường Cao Đẳng Du lịch Nha Trang.
Đồng thời ký bản cam kết tiến độ thực hiện dự án Hợp tác kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản giữa với Công ty cổ phần tập đoàn XNK Trái cây Chánh Thu với huyện.
Tin, ảnh: Kỳ Nam