Video tọa đàm 'Tìm hiểu về tác hại của đồ uống có đường đối với thanh thiếu nhi':
Tiêu thụ nước ngọt tăng mạnh, kéo theo đó là nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường ở giới trẻ Việt Nam.
Tại tọa đàm 'Tìm hiểu về tác hại của đồ uống có đường đối với thanh thiếu nhi' do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Vital Strategies tổ chức sáng 16/5, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về xu hướng tiêu thụ nước ngọt và hậu quả trực tiếp đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Cù Đức Quân – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn – cho biết: 'Đồ uống có đường đang phổ biến trong giới trẻ không chỉ do thị trường phát triển mạnh mà còn bị chi phối bởi quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội, truyền thông. Trong khi đó, nhiều loại nước ngọt, trà sữa, nước trái cây đóng chai… thực tế lại chứa lượng đường vượt khuyến nghị, kéo theo hệ lụy như béo phì, tiểu đường, tim mạch'.
Ông Cù Đức Quân đưa ra cảnh báo và nhấn mạnh vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn, trong đó có tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc định hướng lối sống lành mạnh và kỳ vọng tọa đàm sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hướng đến một thế hệ trẻ khỏe mạnh, chủ động.
Sáng 16/5 đã diễn ra tọa đàm 'Tìm hiểu về tác hại của đồ uống có đường đối với thanh thiếu nhi'.
Người Việt đang tiêu thụ đường vượt mức khuyến cáo, dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe
Phát biểu tại tọa đàm, Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhấn mạnh: 'Lượng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đang tăng ở mức độ phi mã'.
Theo ông Lâm, nếu năm 2009, lượng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam mới dừng ở mức 1,59 tỷ lít thì đến năm 2023, con số này đã vọt lên 6,67 tỷ lít – tức tăng hơn 4 lần chỉ trong vòng 15 năm. Đặc biệt, giai đoạn cao điểm từ năm 2009 đến 2014 ghi nhận tốc độ tăng trưởng tới 20% mỗi năm.
'Đây là mức tăng quá nhanh đối với một mặt hàng có hại cho sức khỏe nếu tiêu thụ thường xuyên', ông Lâm nói.
Bác sĩ Lâm cảnh báo, sự gia tăng này phản ánh một thực tế đáng lo ngại: người Việt đang tiêu thụ đường vượt mức khuyến cáo, dẫn đến hệ lụy là tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng đáng kể ở cả trẻ em, vị thành niên và người trưởng thành.
Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cho biết chỉ số khối cơ thể (BMI) áp dụng cho người dân châu Á cần thấp hơn chuẩn chung toàn cầu, nếu áp dụng theo ngưỡng chung của thế giới thì nguy cơ béo phì và các bệnh chuyển hóa có thể xuất hiện sớm hơn.
'Nhìn chung, xu hướng thừa cân – béo phì tại Việt Nam đang tăng gấp đôi. Đây không chỉ là vấn đề dinh dưỡng, mà còn là khởi nguồn cho hàng loạt bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, rối loạn chuyển hóa...', Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cảnh báo.
Không chỉ dừng ở con số, chuyên gia WHO cũng phân tích tác động sâu xa từ mức tiêu thụ đường vượt chuẩn. Ông nhấn mạnh: 'Khuyến nghị của WHO là tối đa 25 gam đường tự do mỗi ngày, nhưng điều đó không có nghĩa là nên tiêu thụ tới mức đó. Ngược lại, chúng ta nên tiêu thụ càng ít càng tốt'.
Theo ông Lâm, hiện tượng hiểu sai khuyến cáo khiến nhiều người nghĩ rằng 25 gam là "mức an toàn", trong khi thực tế mọi lượng đường nạp vào đều nên được kiểm soát chặt chẽ, nhất là với trẻ em.
Đặc biệt, trong bối cảnh người dân có thu nhập cao hơn, mức chi tiêu cho đồ uống có đường cũng tăng nhanh. Đây là lý do khiến chuyên gia WHO ủng hộ mạnh mẽ việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại sản phẩm này. Bằng chứng từ các quốc gia cho thấy, nếu giá nước ngọt tăng 10%, mức tiêu thụ có thể giảm tương đương 10%. Tăng giá là biện pháp kinh tế nhưng mang lại hiệu quả y tế rõ ràng.
PGS.TS Vũ Thị Thu Hiền, Trưởng Khoa Hóa sinh và Chuyển hóa dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Một lon nước ngọt khoảng 330 ml, cơ thể đã nạp vào từ 30 đến 40 gam đường
Trước đó, PGS.TS Vũ Thị Thu Hiền, Trưởng Khoa Hóa sinh và Chuyển hóa dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: 'Chỉ với một lon nước ngọt khoảng 330 ml, cơ thể đã nạp vào từ 30 đến 40 gam đường – vượt xa ngưỡng khuyến nghị 25 gam/ngày của WHO. Đáng ngại hơn, nước ngọt không chỉ cung cấp năng lượng rỗng mà còn có tính chất gây nghiện nhẹ: uống vào cảm thấy hưng phấn, thèm ăn và ăn nhiều hơn trong thời điểm đó, dẫn tới tình trạng thừa năng lượng, tích lũy mỡ, gây béo phì'.
PGS.TS Hiền cảnh báo, nếu tình trạng tiêu thụ nước ngọt hàng ngày kéo dài, người dùng có thể đối mặt với hàng loạt hệ lụy sức khỏe như đái tháo đường tuýp 2, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch, sâu răng và các bệnh lý về xương. Đặc biệt, thói quen sử dụng nước ngọt phổ biến ở các bữa tiệc, dịp liên hoan... đang khiến giới trẻ mất kiểm soát lượng đường nạp vào, làm gia tăng nhanh chóng tỷ lệ béo phì trong cộng đồng.
Kết luận tọa đàm, các chuyên gia kêu gọi sự phối hợp giữa chính sách công, truyền thông, giáo dục và hành động cá nhân để kiểm soát lượng đường tiêu thụ trong xã hội.
'Giảm tiêu dùng đường là con đường duy nhất để ngăn chặn làn sóng bệnh không lây lan đang gia tăng ở Việt Nam. Và nó cần bắt đầu từ nhận thức đúng đắn, cụ thể và quyết liệt ngay từ hôm nay', bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh.
Thực hư việc uống nước ngọt làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan?