Nếu trước đây, hộ kinh doanh được thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức khoán thì ngày 01/1/2026 (Nghị Quyết 198/2025/QH15), toàn bộ hộ kinh doanh bất kể uy mô nào đều phải áp dụng phương pháp tính thuế theo doanh thu thực tế.
Điều này đồng nghĩa, mọi hộ buôn bán nhỏ lẻ, từ tiệm tạp hóa đến hàng rong, đều cần ghi chép đầy đủ sổ sách, có chứng từ đầu vào, đầu ra hợp lệ để kê khai chi phí. Trước mắt, theo lộ trình, 37.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ/năm áp dụng hóa đơn điện tử qua máy tính tiền kết nối trực tiếp với cơ quan thuế, từ 01/7.
Dù có không ít lo lắng, trăn trở với quy định trên nhưng ghi nhận của phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội cho thấy, một số hộ kinh doanh đã bắt đầu chủ động tự điều chỉnh cách vận hành mới, hướng đến minh bạch hóa giấy tờ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dù sẵn sàng chuyển đổi, đóng thuế theo doanh thu thực tế nhưng nhiều ngày nay, chị Phượng - chủ hộ kinh doanh tạp hóa tại đường Lĩnh Nam không khỏi lo lắng về chi phí hàng hóa "đội" lên theo hóa đơn đầu vào, đầu ra.
Chị Nguyễn Thị Phượng - chủ hộ kinh doanh tạp hóa trên đường Lĩnh Nam (phường Hoàng Mai, Hà Nội) mất ăn mất ngủ nhiều ngày nay do nhiều chi phí "đội" lên hàng hóa, trong khi đó, các cửa hàng tạp hóa cạnh tranh nhau từng ngàn đồng.
Chị Phượng tính toán, một thùng mì tôm nhập 78.000 đồng, trước đây, có thể bán 80.000 là đã có lời "mỏng". Người bán cứ "ăn lời mỏng" là có thể bán "túc tắc", nhưng nay thêm phí hóa đơn, giá nhập tăng, buộc phải bán giá cao hơn. Thế nhưng, khi bán giá cáo hơn thì dễ bị khách từ chối.
Chị Phương đã tính toán đến phương án giảm số lượng mặt hàng nhập, chỉ duy trì các sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, chị Phượng cho rằng, đây không phải phương án "dài ngày" trong kinh doanh, nên chị đã bỏ tiền để thuê kế toán riêng vừa hướng dẫn chị chuẩn hóa sổ sách, hóa đơn...
Không ít hộ kinh doanh chia sẻ, nếu muốn nhận được hóa đơn từ nhà cung cấp, họ phải chấp nhận bị cộng thêm 10% thuế VAT. Song, với các mặt hàng bán lẻ có biên lợi nhuận thấp như mì tôm, dầu ăn, cám chăn nuôi… con số này đủ để bào mòn lợi nhuận.
Dù phải chi thêm gần 5 triệu đồng mỗi tháng để thuê kế toán, chị Phượng cho rằng đây là giải pháp cần thiết để hộ kinh doanh nhỏ lẻ thích ứng với thay đổi, từng bước vận hành chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tương tự, chị Trần Thị Phương Lan - chủ một quán cơm tại ngõ 167 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) cũng vò đầu bứt tai do không thể "xoay" được hóa đơn đầu vào.
Chị cho biết, hằng ngày phải mua rau củ vào ban đêm để có giá rẻ, đảm bảo lời lãi vài nghìn mỗi phần ăn. Nếu phải mua từ siêu thị hay nhà cung cấp có hóa đơn, chi phí đầu vào tăng mạnh, khiến giá bán đội lên, không cạnh tranh được với các quán khác.
Không ít hộ kinh doanh chia sẻ, nếu muốn nhận được hóa đơn từ nhà cung cấp, họ phải chấp nhận bị cộng thêm 10% thuế VAT. Song, với các mặt hàng bán lẻ có biên lợi nhuận thấp như mì tôm, dầu ăn, cám chăn nuôi… con số này đủ để bào mòn lợi nhuận.
Tuy nhiên, chị Phương Lan cũng cho rằng, việc hướng đến minh bạch hóa trong kinh doanh là xu thế không thể đảo ngược.
Dù còn nhiều vướng mắc trong việc lấy hóa đơn đầu vào, đặc biệt với nguồn hàng mua trực tiếp từ tiểu thương hoặc nông dân, chị vẫn tin rằng nếu có thêm hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ phù hợp với thực tiễn, các hộ kinh doanh nhỏ hoàn toàn có thể thích ứng, vừa đảm bảo tuân thủ quy định, vừa duy trì được sinh kế.
Theo khảo sát mới nhất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 70, có tới 60% hộ kinh doanh nhỏ dự định thu hẹp quy mô và gần 25% cân nhắc ngừng kinh doanh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu – Trưởng Ban nghiệp vụ thuế (Cục Thuế) – ngành thuế đang nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế Thu nhập cá nhân để dần thu hẹp sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Mục tiêu là xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, công bằng và minh bạch hơn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng chính sách chỉ phát huy hiệu quả nếu đi kèm lộ trình phù hợp, công cụ hỗ trợ thiết thực và giải pháp giảm áp lực cho người yếu thế.
Trong bối cảnh hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang đóng góp phần lớn cho nền kinh tế dân sinh, nếu không được hỗ trợ kịp thời, nguy cơ "bỏ sạp, đóng cửa" sẽ không còn là cảnh báo, mà là hiện thực.
Bảo Loan