Theo The Verge, thông báo nội bộ của TikTok viết, công ty “tiếp tục lên kế hoạch cho con đường phía trước”. Dự kiến ngày 15/1 (giờ địa phương), Tòa án tối cao Mỹ sẽ công bố quyết định liên quan đến số phận của ứng dụng Trung Quốc.
“Chúng tôi biết rằng, thật đáng lo ngại khi không biết chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, thông báo viết. Dù vậy, văn phòng TikTok vẫn sẽ mở cửa trong vài ngày tới.
Nội bộ TikTok đang rất ảm đạm, theo The Verge. Nguồn tin mô tả tình hình “rất căng thẳng”, trong khi nguồn tin khác lưu ý ngay cả những nhân viên sống sót qua những thời khắc khó khăn trước đây của công ty cũng đang không ổn.
Dù có thể chìm vào bóng tối khi đến giờ G, điều đó không có nghĩa TikTok sẽ biến mất mãi mãi. Nếu công ty bán mình cho một người mua Mỹ, họ có thể quay lại.
Tỷ phú Frank McCourt bày tỏ mong muốn mua lại TikTok. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói, muốn cứu TikTok khỏi lệnh cấm thông qua một số thỏa thuận.
Tuy nhiên, lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 19/1 nếu ứng dụng không thoái hết vốn Trung Quốc, một ngày trước khi ông trở lại Nhà Trắng.
Hé lộ nguyên nhân nhấn chìm doanh số iPhone
Dữ liệu từ Counterpoint Research cho thấy, thị phần iPhone đã giảm chỉ còn 18% trong năm 2024. Tương tự, Samsung Electronic cũng bị lấn át bởi các nhà sản xuất smartphone chạy Android Trung Quốc như Xiaomi và Vivo.
Thiếu vắng tính năng trí tuệ nhân tạo (AI Intelligence) ở Trung Quốc khiến doanh số iPhone toàn cầu sụt giảm. Ảnh: PhoneArena
Tính cả năm 2024, Apple giảm khoảng 2% doanh số trong bối cảnh thị trường chung tăng trưởng 4% toàn cầu.
Hồi tháng 9, công ty trụ sở Cupertino đã ra mắt dòng iPhone 16 tích hợp bộ tính năng AI Intelligence được phân phối theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, người dùng tại Trung Quốc sẽ không thể sử dụng những cập nhật này do Apple chưa nhận được sự đồng ý của cơ quan chức năng đại lục.
Bloomberg cho biết Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất của “nhà táo” (ngoài Mỹ). Công ty cũng đang gấp rút thiết lập đối tác với các công ty địa phương để ra mắt những tính năng AI như hỗ trợ viết văn bản và tạo hình ảnh.
"Series iPhone 16 nhận được những tín hiệu trái chiều, một phần vì sự thiếu vắng Apple Intelligence tại thời điểm ra mắt", ông Tarun Pathak, Giám đốc Counterpoint, cho biết. "Tuy nhiên, Apple vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở các thị trường ngoài cốt lõi như Mỹ Latinh".
Cũng theo nghiên cứu, Lenovo Motorola, Huawei và Honor là những thương hiệu phát triển nhanh nhất trong top 10. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc đều đang phát triển các công cụ và đại lý AI nội bộ của riêng mình, bao gồm các dịch vụ có thể thực hiện các nhiệm vụ thay cho người dùng.
Theo IDC, trong quý IV/2024, các hãng smartphone Trung Quốc chiếm 56% thiết bị xuất xưởng toàn cầu khi họ mở rộng thị phần ở cả châu Âu, châu Phi với các phân khúc giá rẻ và tầm trung.
Mỹ áp lệnh cấm xuất khẩu chip AI
Ngày 13/1, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố lệnh cấm xuất khẩu mới đối với chip dùng trong AI sang nhiều nước, bao gồm Trung Quốc.
Nvidia là một trong những công ty lên tiếng phản đối chính sách hạn chế xuất khẩu chip mới của Mỹ. Ảnh: Nvidia
Theo lệnh cấm xuất khẩu mới nhất, Mỹ cho phép 20 đồng minh và đối tác thân cận tiếp cận không hạn chế chip bán dẫn liên quan đến AI, song yêu cầu hầu hết nước khác phải xin phép. Động thái này ngay lập tức bị ngành công nghiệp bán dẫn trong nước phản đối.
Financial Times nhận định, mục đích của chính sách nhằm khiến Trung Quốc không thể thông qua các nước khác để lách các hạn chế hiện tại để có được công nghệ dùng trong mô hình vũ khí hạt nhân đến tên lửa siêu thanh.
Chính sách tạo ra hệ thống cấp phép ba cấp đối với các chip dùng trong trung tâm dữ liệu. Cấp cao nhất, bao gồm các thành viên G7 và các nước như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan và Ireland.
Cấp thứ ba bao gồm các nước như Trung Quốc, Iran, Nga và Triều Tiên. Cấp trung gồm hơn 100 quốc gia, bị giới hạn giấy phép xuất khẩu.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết chính sách này đảm bảo các biện pháp kiểm soát mới không "bóp nghẹt sự đổi mới hoặc dẫn đầu về công nghệ của Mỹ". Tuy nhiên, nó gây ra phản ứng dữ dội từ ngành công nghiệp bán dẫn nội địa. EU cũng lên án các quy tắc mới.
Các nguồn tin giấu tên trong ngành chỉ trích động thái này, gọi đó là một bước đi chưa từng có, cho thấy Washington đang cố gắng quản lý vi mô chuỗi cung ứng chip toàn cầu nhằm gây bất lợi cho các đồng minh và các công ty của chính họ như Nvidia, AMD, Dell và Supermicro.
Các nguồn tin trong ngành bày tỏ hy vọng chính quyền ông Donald Trump sắp tới sẽ rút lại các biện pháp kiểm soát.