TikTok chuẩn bị thuật toán và dữ liệu người dùng riêng tại Mỹ

TikTok chuẩn bị thuật toán và dữ liệu người dùng riêng tại Mỹ
6 giờ trướcBài gốc
Thuật toán và dữ liệu người dùng riêng
Trong vài tháng qua, nhân viên TikTok đã làm việc với thời hạn gấp rút để xây dựng một phiên bản TikTok đặc thù cho thị trường Mỹ bằng cách chuyển giao và sao chép mã nguồn của ứng dụng - bao gồm các mô hình AI, thuật toán, tính năng và dữ liệu người dùng - từ nền tảng toàn cầu.
TikTok chuẩn bị ra mắt thuật toán và dữ liệu người dùng riêng tại Mỹ.
Động thái này có thể mở ra cơ hội giải quyết tranh cãi kéo dài nhiều năm về việc liệu công ty có chia sẻ "viên ngọc quý" của nền tảng chia sẻ video ngắn thuộc sở hữu của ByteDance hay không - đó là thuật toán gợi ý nội dung, vốn là tâm điểm của cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dự án, được gọi nội bộ là "M2", thời hạn hoàn thành vào tháng 9 và có thể đánh dấu sự tách biệt kỹ thuật lớn nhất giữa hoạt động của TikTok tại Mỹ và hoạt động kinh doanh quốc tế. Sự thay đổi này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến cách 170 triệu người dùng Mỹ truy cập nội dung toàn cầu và cách các nhà sáng tạo nội dung ngoài Mỹ kiếm tiền trên nền tảng.
Ứng dụng dành riêng cho Mỹ được thiết kế để hoạt động độc lập, tương tự như Douyin - phiên bản TikTok chỉ có ở Trung Quốc đại lục. Theo các nguồn tin, người dùng ngoài Mỹ sẽ không tìm thấy phiên bản Mỹ này trên cửa hàng ứng dụng của họ.
Đây là lần đầu tiên các chi tiết kỹ thuật về ứng dụng Mỹ sắp ra mắt được công bố. The Information là tờ đưa tin sớm nhất về kế hoạch ra mắt ứng dụng TikTok dành riêng cho Mỹ.
Mặc dù nội dung hiện tại dự kiến sẽ được chuyển sang ứng dụng mới, vẫn chưa rõ mức độ tích hợp nội dung mới từ các ứng dụng TikTok toàn cầu vào phiên bản Mỹ.
Ứng dụng mới được cho là sẽ chỉ sử dụng dữ liệu từ người dùng Hoa Kỳ để huấn luyện thuật toán gợi ý, qua đó tách biệt hơn nữa khỏi hệ thống toàn cầu của TikTok. Kết quả là, phần lớn người dùng sẽ được gợi ý nội dung được tạo ra trong phạm vi nước Mỹ.
Năm 2020, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lần đầu thúc đẩy việc bán hoạt động kinh doanh TikTok tại Mỹ, Trung Quốc đã cập nhật quy định kiểm soát xuất khẩu để bao gồm các công nghệ như thuật toán gợi ý, qua đó trao quyền cho chính phủ trong bất kỳ thương vụ chuyển giao nào.
Vào thời điểm đó, đội ngũ quản lý TikTok đã bác bỏ kế hoạch tách hoạt động tại Mỹ, cho rằng điều này sẽ gây tổn hại cho cả người dùng và mạng lưới toàn cầu.
Hiện tại, các cuộc thảo luận về số phận của TikTok cũng là một phần trong các cuộc đàm phán thương mại rộng lớn hơn của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc về thuế quan. Tuần trước, ông Trump cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận liên quan đến TikTok.
Dù không tự tin về việc Bắc Kinh sẽ phê duyệt, ông Trump nói thêm: "Tôi nghĩ thỏa thuận này tốt cho Trung Quốc và cũng tốt cho chúng ta".
Lo ngại về sự tách biệt
Việc tách ứng dụng TikTok Mỹ khỏi nền tảng toàn cầu đã được tiến hành trong nhiều tháng, khi các lãnh đạo ByteDance chuẩn bị nhiều phương án để ngăn chặn lệnh cấm ứng dụng tại Mỹ - một yêu cầu từ đạo luật gần đây về lo ngại an ninh dữ liệu.
Việc ByteDance chuẩn bị thuật ngữ và dữ liệu người dùng riêng tại Mỹ khiến nhiều người dùng lo ngại ứng dụng này sẽ bị tách biệt so với toàn cầu.
Tương lai của ứng dụng được gần một nửa dân số Mỹ sử dụng đã trở nên bấp bênh kể từ khi luật năm 2024, được thông qua với sự ủng hộ áp đảo từ lưỡng đảng, yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trước ngày 19/1.
Các quan chức Washington cho rằng việc TikTok thuộc sở hữu của ByteDance khiến ứng dụng này chịu sự chi phối của chính phủ Trung Quốc và Bắc Kinh có thể sử dụng ứng dụng để thực hiện các chiến dịch ảnh hưởng tại Mỹ cũng như thu thập dữ liệu của người Mỹ.
Sau hạn chót đầu tiên và một khoảng thời gian ngắn "tạm ngừng hoạt động" vào tháng 1, TikTok bắt đầu chuyển dữ liệu người dùng không phải ở Mỹ ra khỏi các trung tâm dữ liệu tại Mỹ do Oracle vận hành, đảm bảo chỉ dữ liệu người dùng Mỹ còn lại trên các máy chủ tại Mỹ, mở đường cho việc tách biệt hoạt động kinh doanh tại Mỹ và quốc tế.
Công ty cũng đã bắt đầu tách mã nguồn cho thuật toán cốt lõi từ năm ngoái - một động thái lần đầu được truyền thông đưa tin và bị công ty phủ nhận vào thời điểm đó.
Khi quá trình tách biệt hoàn tất, công nghệ cốt lõi và việc phát triển liên tục sẽ được quản lý riêng biệt khỏi đội ngũ TikTok toàn cầu, mặc dù một số nhân viên ByteDance có thể tiếp tục hỗ trợ TikTok Mỹ theo hình thức thuê ngoài.
Điều này đã gây ra lo ngại nội bộ về việc liệu thuật toán dành cho Mỹ có duy trì được hiệu quả lâu dài như hiện nay, khi TikTok có thể tận dụng đội ngũ kỹ sư và chuyên môn sản phẩm toàn cầu của ByteDance.
Dự án diễn ra trong bối cảnh ByteDance tiếp tục chịu áp lực chính trị từ Washington để thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Một thỏa thuận đã được tiến hành vào mùa xuân năm nay để tách hoạt động TikTok tại Mỹ thành một công ty mới có trụ sở tại Mỹ, nhưng đã bị tạm dừng sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ không phê duyệt, sau các thông báo của ông Trump về việc áp thuế nặng lên hàng hóa Trung Quốc.
Nếu thương vụ bán được hoàn tất, ứng dụng mới dự kiến sẽ thuộc sở hữu của một liên doanh do một nhóm nhà đầu tư Mỹ và ByteDance thành lập, với ByteDance giữ cổ phần thiểu số.
Liên doanh này, được xem là ứng cử viên hàng đầu, bao gồm các cổ đông hiện tại của ByteDance như Susquehanna International Group (SIG), General Atlantic, KKR, cùng với các nhà đầu tư mới như Blackstone và Andreessen Horowitz. Oracle cũng có khả năng sẽ nắm giữ một phần cổ phần. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh đã phê duyệt kế hoạch sao chép thuật toán hay bán hoạt động TikTok tại Mỹ hay chưa.
Trong các cuộc đàm phán trước đây, giới chức Trung Quốc bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với việc xuất khẩu thuật toán gợi ý của TikTok, vốn được xem là tài sản giá trị nhất của ByteDance và là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phổ biến toàn cầu của ứng dụng.
Đức Bình
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/tiktok-chuan-bi-thuat-toan-va-du-lieu-nguoi-dung-rieng-tai-my-19225070922493605.htm