Logo TikTok được in trên trụ sở chính của công ty truyền thông xã hội tại thành phố Culver, California, Mỹ vào ngày 18/1. Ảnh: Reuters.
TikTok đã “tắt máy” ở Mỹ vào cuối ngày 18/1, vài giờ trước khi lệnh cấm liên bang đối với ứng dụng video ngắn do Trung Quốc sở hữu có hiệu lực, cắt quyền truy cập vào nền tảng đã thu hút gần một nửa số người dân Mỹ, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và định hình văn hóa trực tuyến ở nước này.
"Luật cấm TikTok đã được ban hành ở Mỹ. Thật không may, điều đó có nghĩa là bạn không thể sử dụng TikTok vào lúc này. Chúng tôi thật may mắn khi Tổng thống Trump đã cho biết rằng ông ấy sẽ làm việc với chúng tôi để tìm giải pháp khôi phục TikTok sau khi nhậm chức. Làm ơn hãy chú ý theo dõi", một tin nhắn trên ứng dụng cho biết.
Sau nhiều tháng đấu tranh pháp lý, Tòa án Tối cao Mỹ hôm 17/1 đã giữ nguyên luật cấm nền tảng chia sẻ video phổ biến này vì lý do an ninh quốc gia, trừ khi chủ sở hữu Trung Quốc đạt được thỏa thuận bán nó cho một bên mua không phải Trung Quốc vào Chủ nhật.
Chỉ vài tháng sau khi ủng hộ luật này, các nhà lập pháp và quan chức Mỹ giờ đây lại đang lo lắng về lệnh cấm, để mắt xem liệu ông Donald Trump có thể tìm cách cứu ứng dụng này hay không.
Từ những vũ công tuổi teen cho đến những bà nội trợ chia sẻ mẹo nấu ăn, TikTok đã được đánh giá cao nhờ khả năng biến người dùng bình thường thành người nổi tiếng toàn cầu bằng các đoạn video lan truyền.
Sau khi thảo luận về TikTok với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hôm 17/1, ông Trump nói với NBC News vào hôm 18/1 rằng ông có thể kích hoạt lệnh miễn trừ trong 90 ngày sau khi trở lại Phòng Bầu dục.
“Tôi nghĩ đó chắc chắn sẽ là một lựa chọn mà chúng tôi đang xem xét. Việc gia hạn 90 ngày là điều rất có thể sẽ được thực hiện vì nó phù hợp”, ông nói trước lễ nhậm chức hôm 20/1. “Nếu tôi quyết định làm điều đó, có lẽ tôi sẽ công bố nó vào thứ Hai”.
Luật cho phép trì hoãn 90 ngày nếu Nhà Trắng có thể cho thấy có tiến bộ hướng tới một thỏa thuận khả thi, nhưng chủ sở hữu TikTok, ByteDance đã thẳng thừng từ chối bất kỳ giao dịch mua bán nào.
Sau thất bại tại tòa án, Giám đốc điều hành TikTok Shou Chew đã tìm tới sự giúp đỡ của ông Trump, cảm ơn ông vì “cam kết hợp tác với chúng tôi để tìm ra giải pháp”. Ông Trump "thực sự hiểu nền tảng của chúng tôi", ông nói thêm.
TikTok đã vận động hành lang dữ dội để ngăn cản việc thực thi luật và ông Chew sẽ tham dự lễ nhậm chức của ông Trump trong hôm đầu tuần tới.
Theo luật cấm TikTok, Apple và Google phải xóa TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng của họ, chặn các lượt tải xuống mới. Các công ty có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 5.000 USD cho mỗi người dùng truy cập ứng dụng. Oracle, nơi lưu trữ các máy chủ của TikTok, cũng sẽ có nghĩa vụ pháp lý phải thực thi lệnh cấm.
Hiện vẫn chưa rõ người dùng Mỹ sẽ cảm nhận được tác động nhanh như thế nào và Bộ Tư pháp cho biết việc thực hiện lệnh cấm có thể sẽ mất thời gian.
Xuất hiện nhiều đề nghị mua TikTok vào phút chót. Ảnh: Getty.
Những đề nghị mua lại TikTok
Một đề xuất mua ứng dụng vào phút chót đã được đưa ra 18/1 (giờ Mỹ) bởi công ty khởi nghiệp Perplexity AI. Công ty này đã đề nghị sáp nhập chi nhánh TikTok tại Mỹ, một nguồn thạo tin về thỏa thuận này nói với AFP. Thỏa thuận đó có thể cho phép công ty mẹ ByteDance có được một giải pháp khả thi mà không cần bán toàn bộ ứng dụng.
Kế hoạch này, được đài truyền hình CNBC đưa tin đầu tiên, sẽ chứng kiến việc thành lập một liên doanh mới kết hợp tài sản của TikTok tại Mỹ và Perplexity AI – công ty được hỗ trợ bởi người sáng lập Amazon Jeff Bezos.
Đề xuất không đi kèm mức giá đề xuất cho thương vụ, nhưng nguồn tin ước tính nó sẽ có giá trị ít nhất là 50 tỷ USD.
Frank McCourt, cựu chủ sở hữu của đội bóng chày Los Angeles Dodgers, cũng đã đưa ra lời đề nghị mua lại TikTok chi nhánh Mỹ và cho biết ông “sẵn sàng làm việc với công ty và Tổng thống Trump để hoàn tất một thỏa thuận”.
Nhà đầu tư Canada Kevin O'Leary cũng nhập cuộc, nói rằng ông đã đưa ra mức giá đề nghị 20 tỷ USD để mua lại TikTok tại Mỹ. Ông thừa nhận vụ việc cấm TikTok vẫn khiến ông thấy không chắc chắn về mặt pháp lý, đồng thời vẫn còn câu hỏi bỏ ngỏ rằng liệu lệnh hành pháp của ông Trump nhằm ngăn chặn lệnh cấm có ảnh hưởng đến luật hay không.
Adam Kovacevich, giám đốc điều hành của tập đoàn thương mại công nghiệp Chamber of Progress, cảnh báo: “Quốc hội đã đưa ra luật này để có thể chống lại sự can thiệp của Tổng thống”.
Sarah Kreps, giáo sư về chính phủ và luật tại Đại học Cornell, cho biết "nếu một lệnh hành pháp xung đột với luật hiện hành, luật đó sẽ được ưu tiên và lệnh này có thể bị tòa án bác bỏ".
Nếu TikTok buộc phải ngừng hoạt động, các đối thủ Instagram Reels và YouTube Shorts sẽ được hưởng lợi.
Hàng nghìn người dùng TikTok lo lắng đã chuyển sang sử dụng Xiaohongshu, một mạng truyền thông xã hội Trung Quốc tương tự như Instagram. Được người dùng Mỹ đặt biệt danh là "Red Note", đây là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên Apple Store Mỹ trong tuần này.
Huyền Chi