TikTok xây dựng phiên bản mới ở Mỹ, mở đường cho thương vụ mua bán lịch sử

TikTok xây dựng phiên bản mới ở Mỹ, mở đường cho thương vụ mua bán lịch sử
7 giờ trướcBài gốc
The Information đưa tin TikTok đã phát triển một kế hoạch để ra mắt phiên bản mới tại các cửa hàng ứng dụng của Mỹ (Apple App Store, Google Play Store) vào ngày 5.9.
Theo The Information, người dùng TikTok cuối cùng sẽ phải tải xuống phiên bản mới để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ. Ứng dụng TikTok hiện tại sẽ hoạt động cho đến tháng 3.2026 nhưng thời gian biểu có thể thay đổi.
TikTok đã không ngay lập tức phản hồi câu hỏi của hãng tin Reuters về vấn đề trên.
TikTok đang xây dựng một phiên bản mới dành cho người dùng ở Mỹ trước khi ứng dụng này có thể được bán cho một nhóm nhà đầu tư - Ảnh: Reuters
Thông tin này xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ bắt đầu đàm phán với Trung Quốc vào ngày 7.7 hoặc 8.7 về một thỏa thuận TikTok tiềm năng. Ông nói rằng Mỹ "khá chắc chắn" sẽ có một thỏa thuận về việc bán ứng dụng video ngắn TikTok.
Tháng trước, ông Trump đã gia hạn thời hạn đến ngày 17.9 để tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) thoái vốn khỏi tài sản của TikTok tại Mỹ.
Thỏa thuận từng được thực hiện gần đây để tách các hoạt động của TikTok tại Mỹ thành một công ty mới có trụ sở tại nước này, do các nhà đầu tư Mỹ sở hữu và điều hành phần lớn. Động thái đó đã bị hoãn lại sau khi Trung Quốc cho biết sẽ không phê duyệt thỏa thuận sau các thông báo từ ông Trump về việc áp thuế cao lên hàng hóa từ nước này. Ông Trump nói rằng Mỹ có lẽ sẽ phải nhận được sự chấp thuận của Trung Quốc cho một thỏa thuận.
Tái cấu trúc đội ngũ thương mại điện tử tại Mỹ
ByteDance (công ty mẹ của TikTok) đang tiến hành tái cấu trúc đội ngũ thương mại điện tử tại Mỹ bằng cách thay thế nhân sự tại văn phòng ở thành phố Seattle, bang Washington bằng các lãnh đạo từ Trung Quốc.
Tại văn phòng Seattle, nhiều thay đổi lớn đã được áp dụng, gồm cả việc chuyển sang sử dụng tiếng Trung trong một số hoạt động nội bộ và chính sách bắt buộc có mặt tại văn phòng nghiêm ngặt hơn. Những thay đổi này xuất hiện sau chuyến thăm của Bob Kang, Giám đốc thương mại điện tử TikTok đến từ Trung Quốc, gây ra sự hoang mang cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần nhân viên.
Tính đến nay, hơn 100 nhân viên đã rời công ty hoặc bị sa thải trong khuôn khổ cắt giảm nhằm nâng cao hiệu quả vận hành. Mu Qing, cựu lãnh đạo mảng thương mại điện tử của Douyin (phiên bản TikTok ở Trung Quốc) và hiện là người điều hành TikTok Shop tại Mỹ, đang đưa thêm nhiều lãnh đạo Trung Quốc vào hệ thống.
Sau kết quả kinh doanh không tốt của TikTok Shop ở Mỹ, ByteDance hy vọng thay đổi này sẽ tái tạo mô hình thành công của Douyin. TikTok Shop ban đầu đặt mục tiêu đạt 17,5 tỉ USD tổng giá trị giao dịch tại Mỹ trong năm 2024. Song theo nhiều báo cáo, con số thực tế chỉ đạt khoảng 9 tỉ USD. Công ty Trung Quốc đã bác bỏ số liệu này và gọi nó là “không chính xác”.
Tuy nhiên, việc thay thế nhân sự người Mỹ bằng người đến từ Trung Quốc đã tạo ra rào cản trong giao tiếp và hợp tác. Các cuộc họp từng diễn ra bằng tiếng Anh nay chuyển sang tiếng Trung và nhiều thông tin nội bộ cần phải dịch lại, có thể gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc.
Ngoài ra, việc ByteDance yêu cầu làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần trái ngược với xu hướng linh hoạt của ngành công nghệ tại Mỹ, cũng có thể tạo ra cú sốc.
Chưa hết, sự chồng chéo và mơ hồ trong cơ cấu lãnh đạo, giữa Bob Kang, Nico Le Bourgeoi và sau đó là Mu Qing, khiến nhiều nhân viên không rõ nên tuân theo chỉ đạo từ ai.
Nicole Le Bourgeois từng lãnh đạo mảng TikTok Shop tại Mỹ. Theo các nguồn tin, ông từng chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động thương mại điện tử của TikTok tại thị trường Mỹ, gồm cả việc làm việc với các nhà bán hàng nội địa, mở rộng TikTok như một nền tảng thương mại, thúc đẩy doanh số bán hàng qua livestream và TikTok Shop. Tuy nhiên, trong một đợt tái cơ cấu lãnh đạo hồi tháng 4 – 5.2025, vai trò của Le Bourgeois đã bị giảm. Ông không còn trực tiếp báo cáo với Bob Kang, mà chuyển xuống dưới quyền Mu Qing.
Le Bourgeois được cho tiếp tục tập trung vào việc tương tác với các thương nhân Mỹ, nhưng đã phần nào mất quyền điều phối chính.
Mu Qing trước đây là Phó chủ tịch phụ trách mảng thương mại điện tử của Douyin.
Việc bổ nhiệm Mu Qing vào vị trí lãnh đạo TikTok Shop tại Mỹ hồi tháng 4 đánh dấu một bước chuyển đổi chiến lược quan trọng, nhằm tận dụng kinh nghiệm thành công từ thị trường Trung Quốc để cải thiện hiệu suất tại Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của ông, TikTok đã thực hiện nhiều thay đổi lớn, gồm cả việc tái cơ cấu đội ngũ và cắt giảm nhân sự để xây dựng mô hình vận hành hiệu quả hơn.
Mu Qing đã tiếp quản các đội quan trọng như quan hệ đối tác với người sáng tạo nội dung và các đại lý, đồng thời giám sát những hoạt động thương mại điện tử toàn cầu của TikTok. Sự thay đổi này phản ánh chiến lược của ByteDance trong việc củng cố quyền kiểm soát dưới sự lãnh đạo của các giám đốc người Trung Quốc và Singapore, đặc biệt là khi TikTok đang đối mặt với áp lực chính trị và kinh doanh tại thị trường Mỹ.
TikTok thắt chặt chi tiêu sau thời gian bạo chi
Sau hai năm đầu tư mạnh tay để phát triển mảng thương mại điện tử, TikTok đang thực hiện các bước đi mới nhằm thu lại lợi nhuận.
Kể từ tháng 2, TikTok Shop đã cắt giảm nhân sự dựa trên hiệu suất làm việc, áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về việc trở lại văn phòng và thực hiện hai đợt sa thải trong khi triển khai thêm các biện pháp kiểm soát chi phí, theo chia sẻ của 7 nhân viên với trang Insider.
TikTok cũng áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí trên toàn công ty, gồm áp mức trần ngân sách cho những chuyến công tác.
Hôm 21.5, công ty Trung Quốc bắt đầu đợt sa thải mới, nhắm vào các nhân sự vận hành mảng thương mại điện tử và một số người làm việc với các thương hiệu toàn cầu. Trong các email gửi đến những người bị mất việc, TikTok cho biết đang đơn giản hóa bộ máy để "tạo ra mô hình vận hành hiệu quả hơn cho sự tăng trưởng dài hạn của đội ngũ".
Ông Shou Zi Chew (Châu Thụ Tư), Giám đốc điều hành TikTok, đã gợi ý về việc thắt chặt chi tiêu để đạt hiệu quả cao hơn từ hồi tháng 2. Shou Zi Chew nói với nhân viên rằng ông muốn rà soát từng đội nhóm trong công ty và loại bỏ các lớp quản lý không cần thiết, theo trang The Information.
Chỉ đạo của Shou Zi Chew tương tự nỗ lực từ các lãnh đạo tại Meta Platforms, Microsoft và Google - những công ty gần đây đã cắt giảm phúc lợi của nhân viên, tinh giản nhân sự và điều chỉnh tiêu chuẩn đánh giá hiệu suất để tiết kiệm chi phí.
Các biện pháp cắt giảm chi phí của TikTok diễn ra trong thời điểm nhạy cảm. TikTok có thể đối mặt với việc bị cấm tại Mỹ nếu không đạt được thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump liên quan đến luật do ông Biden ban hành hồi tháng 4.2024, yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh của ứng dụng này tại Mỹ. Những tháng gần đây, TikTok đã thực hiện nhiều thay đổi với đội ngũ tại Mỹ, gồm cả việc chuyển quyền kiểm soát về tay các lãnh đạo ở Trung Quốc, các nhân viên chia sẻ với Insider.
Dù video trên TikTok vẫn cực kỳ phổ biến, hoạt động kinh doanh của TikTok Shop lại chưa đạt kỳ vọng.
Những thay đổi trong môi trường làm việc và sự bất định chung đang ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên TikTok.
“Trong nhiều tháng qua, tinh thần và cảm giác an toàn trong công việc của mọi người rất thất thường”, một nhân viên bị sa thải thổ lộ.
Ngoài việc sa thải lao động, một số đội nhóm đã điều chỉnh mục tiêu hiệu suất trong quý 2/2025 để tập trung vào chi phí, lợi nhuận và các chỉ số doanh thu như GMV, theo chia sẻ từ hai nhân viên.
Công ty cũng lên kế hoạch sẽ ngừng trợ cấp vận chuyển miễn phí cho người bán trên TikTok Shop, sau một số lần cắt giảm trước đó.
Động thái đó sẽ đưa chính sách của TikTok tương tự các đối thủ như Amazon, nhưng có thể khiến nhiều đối tác bán hàng không hài lòng, một nhân viên cho biết.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy TikTok đang cắt giảm rộng hơn. Giữa tháng 5, TikTok thông báo đến toàn bộ nhân viên rằng sẽ áp dụng quy trình phê duyệt nghiêm ngặt hơn cho các chuyến công tác. Công ty yêu cầu cung cấp thêm thông tin về kế hoạch đi lại để đánh giá rõ hơn tác động đến ngân sách, đồng thời áp mức trần chi tiêu cho khách sạn và vé máy bay.
Bộ phận thương mại điện tử của TikTok là mục tiêu bị cắt giảm chi phí. Công ty đã chi hàng trăm triệu USD để phát triển mảng kinh doanh này.
Nền tảng mua sắm là trọng tâm lớn của ByteDance, vốn đang cố gắng tái tạo thành công về thương mại điện tử của Douyin cho TikTok.
Lãnh đạo ByteDance tỏ ra thất vọng với tiến độ kinh doanh tại Mỹ, vốn không đạt được nhiều mục tiêu vào năm 2024. Doanh số bán hàng trên TikTok Shop tại Mỹ bị ảnh hưởng trong năm 2025, một phần do thuế quan toàn cầu.
Trong nỗ lực xoay chuyển tình hình, công ty đã tái cơ cấu ban lãnh đạo mảng thương mại điện tử, gồm cả trao thêm quyền cho các lãnh đạo có kinh nghiệm làm việc với Douyin.
Sau một loạt đợt sa thải, cắt giảm lao động dựa trên hiệu suất, tái cơ cấu đội nhóm và nhân viên tự nghỉ việc, TikTok Shop tại Mỹ đang trở nên gọn nhẹ hơn.
Sau những thay đổi về tổ chức, các đội nhóm sẽ “vận hành nhanh hơn, tinh gọn hơn và hiệu quả hơn”, Mu Qing viết.
Sơn Vân
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/tiktok-xay-dung-phien-ban-moi-o-my-mo-duong-cho-thuong-vu-mua-ban-lich-su-234606.html