Tìm anh giữa mùa Xuân đại thắng

Tìm anh giữa mùa Xuân đại thắng
9 ngày trướcBài gốc
Băng Đội Thanh niên Tự vệ-Võ trang Thành phố Sài Gòn-Gia Định mà bà Huỳnh Quan Thư (bên phải) đã đeo khi đi tìm chồng trong ngày 30/4/1975
Từ giảng đường đến chiến khu lửa đạn
Bà Huỳnh Quan Thư (bí danh Tư Vinh) sinh năm 1943 tại Sài Gòn. Sự giáo dưỡng của gia đình, thầy cô, đặc biệt là của người cha đã hun đúc trong bà lòng yêu nước từ sớm. Bà nhớ lại: "Những khi bạn bè khó khăn, chị em tôi giúp đỡ, ba má luôn ủng hộ. Có lần, ba nói với tôi: Các con giúp như vậy chỉ giúp cho vài người, phải làm cách mạng mới giúp cho cộng đồng". Câu nói đó ăn sâu vào tâm trí bà và đã bắt đầu định hình con đường mà bà lựa chọn: Đánh giặc Mỹ cứu nước.
Học xong cấp 3 ở Mỹ Tho, bà lên Sài Gòn ghi danh tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Theo nhiệm vụ của tổ chức giao, bà đã ứng cử làm Ủy viên Thường vụ Hội đồng đại diện sinh viên Văn khoa niên khóa 1966-1967 và trúng cử. Niên khóa 1967-1968, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của tổ chức, sự ủng hộ, tín nhiệm cao của thầy cô, bạn bè, bà đã đắc cử Phó Chủ tịch ngoại vụ Ban Chấp hành sinh viên Văn khoa, sau đó là Tổng Thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Hoạt động công khai, năng nổ tại Đại học Văn khoa và Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, tháng 12/1968, bà bị bắt. Tháng 8/1969, bà được trả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 3/1970, 41 sinh viên các trường Đại học tại Sài Gòn bị bắt. Bà bị phát hiện, bị mật thám theo dõi ráo riết nên phải rút vào bí mật, thoát ly gia đình vào chiến khu, bước vào một giai đoạn mới đầy thử thách.
Cuộc sống nơi chiến khu kham khổ, thiếu thốn đủ bề, những trận mưa bom, bão đạn, những cuộc càn quét liên miên của địch. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Nhưng chính môi trường khắc nghiệt ấy đã tôi luyện nên một Huỳnh Quan Thư bản lĩnh, kiên cường. Gian nan không làm bà sờn lòng, thử thách càng làm ý chí cách mạng thêm sắt đá, vững bước trên con đường đã chọn.
Chân dung bà Huỳnh Quan Thư hồi trẻ
Mối tình Văn khoa và đám cưới trong căn cứ
Chính tại Đại học Văn khoa, trong những ngày tháng hoạt động sôi nổi của phong trào sinh viên niên khóa 1967-1968, bà Huỳnh Quan Thư đã gặp ông Lê Quang Lộc. Họ cùng chung lý tưởng, cùng sát cánh trong các hoạt động đấu tranh. Từ tình đồng chí, tình yêu đôi lứa đã nảy nở, trong sáng và thầm lặng. Mối tình ấy được giữ bí mật, chỉ có tổ chức biết, bởi kỷ luật và sự an toàn là trên hết.
Đầu năm 1968, ông Lê Quang Lộc được lệnh vào mật khu tham gia Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam. Chuyến ra đi bí mật và gấp rút nên hai người không kịp gặp nhau để nói lời tạm biệt. Bà Huỳnh Quan Thư vẫn ở nội thành tiếp tục hoạt động trong phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh Sài Gòn. Do tính chất ác liệt của cuộc chiến, một thời gian dài, ông bà bị cắt đứt liên lạc, sau đó được nối lại qua một người bạn. Để đảm bảo bí mật, hai người liên lạc với nhau qua địa chỉ hòm thư ở bên Pháp. Dẫu chưa có một lời hẹn ước chính thức nhưng trong lòng họ đã thuộc về nhau, luôn hướng về nhau với niềm tin son sắt vào ngày đoàn tụ, ngày đất nước thống nhất.
Sau gần 3 năm xa cách, tháng 12/1970, tổ chức đã tạo điều kiện để ông Lê Quang Lộc về công tác tại Thành Đoàn và hai người được gặp lại nhau. Tình yêu lứa đôi trải qua thử thách của bom đạn và xa cách được đơm hoa kết trái bằng một đám cưới giản dị, ấm cúng vào đầu tháng 4/1971, giữa căn cứ Thành Đoàn nằm bên bờ sông Sở Thượng (Hồng Ngự, Đồng Tháp), gần biên giới Việt Nam - Campuchia.
Làm vợ, làm mẹ thời chiến
Tháng 7/1971, căn cứ Thành Đoàn dời về BôngKông, Campuchia. Căn cứ đóng ở trong khu rừng lớn, dày, ẩm ướt, có rất nhiều khỉ. Lúc này, bà đang mang thai đứa con đầu lòng. Với vai trò là Chánh Văn phòng, công việc của ông Lê Quang Lộc luôn bận rộn, thường khuya mới về chỗ nghỉ. Gần đến ngày sinh nở, bà phải nén lòng tạm biệt chồng, trở về Sài Gòn sống hợp pháp để đảm bảo an toàn cho mẹ và con. Ba tháng sau khi sinh hạ cậu con trai đầu lòng, bà nối lại liên lạc với tổ chức, dằn lòng gửi lại đứa con còn trứng nước cho gia đình nuôi dưỡng, một lần nữa thoát ly về căn cứ. Khoảnh khắc bước lên đò rời Sài Gòn, bà phải đeo kính râm để che đi đôi mắt đỏ hoe vì khóc thương con.
Sau đó, bà cùng đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn có chuyến về căn cứ Thành Đoàn đóng trên đất bạn Campuchia để dự Đại hội vào cuối tháng 1/1973. Chuyến đi bằng đường bí mật trong 50 ngày đêm, nếm trải biết bao gian khổ, nhiều phen suýt mất mạng vì đụng đầu với địch. Tại đây, ông bà gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Những giây phút hiếm hoi bên nhau nhắc đến đứa con thơ ngoài vùng tạm chiếm, lòng không khỏi xót xa.
Sau Hiệp định Paris, Thành Đoàn mở đường trở lại miền Nam. Trên đường đi, có lần hai ông bà suýt chết vì bị trực thăng tấn công. Cú chết hụt đó khiến bà quyết định sinh thêm con để nhỡ ba mẹ có hy sinh thì anh em còn nương tựa, nâng đỡ lẫn nhau. Bà mang thai đứa con thứ hai tại căn cứ Thanh An (Bến Cát, Bình Dương). Và cũng như lần trước, gần đến ngày sinh, bà lại phải một mình trở về Sài Gòn tá túc ở nhà ba má. Hai lần vượt cạn đều vắng chồng, phải bất đắc dĩ mang danh "vợ bé ông đại úy" để che mắt địch và những người xung quanh, lòng bà đau như cắt. Nhưng vì sự an toàn cho bản thân, cho chồng và cho cả tổ chức, bà chấp nhận tất cả.
Cuộc hội ngộ cuối cùng và nỗi mất mát trước ngưỡng cửa mùa Xuân đại thắng
Đầu năm 1975, tình hình chiến sự miền Nam sôi động. Sau bao tháng ngày xa cách, nhớ thương, hai lần ông Lê Quang Lộc viết thư về nhắn bà đưa con vào căn cứ cho ông gặp. Hiểu được nỗi khắc khoải mong con của chồng, dù biết đường đi vô cùng hiểm trở, bà vẫn quyết tâm đưa cậu con trai lớn lúc đó gần 4 tuổi vượt qua bom đạn vào chiến khu. Mười ngày ngắn ngủi được sống trong vòng tay yêu thương của chồng, bà lại phải bịn rịn nói lời tạm biệt, đưa con trở lại Sài Gòn để cả hai cùng chuẩn bị bước vào trận chiến mới: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bà không thể ngờ lần gặp đó là lần cuối cùng. Trên đường tiến quân về giải phóng Sài Gòn, mũi tiền tiêu do ông Lê Quang Lộc chỉ huy bị lọt vào trận địa pháo của giặc. Ông đã dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, vào đêm 14 rạng sáng ngày 15/4/1975 nhưng bà Huỳnh Quan Thư không hay biết.
"Cuộc đời tôi nhiều bất hạnh nhưng luôn can đảm vượt qua phần lớn là nhờ vào những bệ đỡ tình thương lớn lao, vững chắc của gia đình, tổ chức, đồng đội, bạn bè và rất nhiều người tốt xung quanh".
Bà Huỳnh Quan Thư
Ngày 30/4/1975, cả Sài Gòn rợp trời cờ đỏ sao vàng. Trong dòng người hân hoan niềm vui chiến thắng, bà Huỳnh Quan Thư, trên cánh tay vẫn đeo dải băng Đội Thanh niên Tự vệ -Võ trang Thành phố Sài Gòn - Gia Định, lòng như lửa đốt, chạy khắp nơi tìm chồng. Bà đến Bệnh viện Quân y Cộng hòa (nay là Quân Y viện 175), trái tim thắt lại, hồi hộp mở cửa từng phòng bệnh, nhìn kỹ từng gương mặt thương binh với hy vọng mong manh rằng ông chỉ bị thương. Nhưng không thấy bóng dáng quen thuộc. Bà lại chạy xuống nhà xác, run rẩy mở từng hộc tủ lạnh ngắt, nhưng vẫn không thấy. Bà lại tất bật lên Hóc Môn và tại đây, bà đã tìm thấy mộ ông cùng chiếc khăn do chính tay bà may cho ông với tất cả tình thương yêu-trên chiếc khăn còn thấm những giọt máu lúc ông hy sinh…
Bà Huỳnh Quan Thư (bên phải)
Liệt sĩ Lê Quang Lộc, người đồng chí, người bạn đời đã vĩnh viễn ra đi ngay trước ngưỡng cửa mùa Xuân đại thắng, để lại cho bà Huỳnh Quan Thư nỗi đau xé lòng. Tưởng chừng như nỗi mất mát quá lớn ấy sẽ quật ngã người phụ nữ nhỏ bé ấy. Nhưng bản lĩnh và ý chí được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh đã giúp bà đứng vững trên đôi chân của mình. Bà lao vào công việc như một cách để quên đi nỗi đau, để cống hiến sức mình cho công cuộc tái thiết đất nước.
Để gánh vác trọng trách Thường vụ Quận Đoàn, Trưởng ban Thiếu nhi Quận Đoàn Bình Hòa- Bình Thạnh, sau đó là cán bộ Sở Thương nghiệp rồi Phó Giám đốc Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp-Thành phố Hồ Chí Minh (Thương xá TAX), bà làm việc không quản ngày đêm, vừa công tác, vừa tranh thủ đi học nâng cao trình độ, tần tảo nuôi dạy hai con nên người. Suốt những năm tháng sau ngày ông hy sinh, dù có nhiều cơ hội để "đi bước nữa", bà vẫn một lòng thủy chung, son sắt với người chồng đã khuất. Bà giữ trọn đạo đức cách mạng, sống giản dị, bao dung, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội và bà con lối xóm. Bà nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành bằng tình yêu thương, bằng chính tấm gương về lòng yêu nước, sự hy sinh và đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Bà kể cho các con nghe về người ba anh hùng, về truyền thống gia đình, về những đồng đội của ba mẹ đã cống hiến cả tuổi xuân cho Tổ quốc. Thấm nhuần sự giáo dục của mẹ và noi gương ba mẹ, hai người con của ông bà đều nỗ lực vươn lên, thành đạt trong sự nghiệp, tiếp nối con đường mà ba mẹ đã đi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bùi Thị Hoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/tim-anh-giua-mua-xuan-dai-thang-20250409142845037.htm