Ngày 22-11, UBND quận 1 (TP.HCM) tổ chức hội thảo góp ý và đề xuất các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc thực hiện dự án Chợ Gà, Gạo theo phương án nhà ở thương mại. Tại hội thảo các chuyên gia, doanh nghiệp đã có nhiều góp ý cho dự án này.
Hội thảo góp ý và đề xuất các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc thực hiện dự án Chợ Gà, Gạo sáng 22-11. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Xây dựng nhà ở thương mại
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng Phòng Quản lý đô thị, UBND quận 1 cho biết, qua đánh giá tổng quan khu vực, khu đất thực hiện dự án khu chợ Gà, Gạo có chức năng hỗn hợp nhà ở kết hợp khu phức hợp thương mại, văn phòng là phù hợp thực tiễn, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của toàn khu vực phía Nam TP.
Về quy mô, các dự án nhà ở dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt, tầng cao trung bình trên 20 đến 38 tầng, chiều cao công trình lên đến 140 m.
Xét điều kiện hiện trạng vị trí khu đất và tương quan với các dự án trong khu vực, các dự án đã có chỉ tiêu theo đồ án 930 ha, UBND quận 1 đề xuất chỉ tiêu quy hoạch cho dự án chợ Gà, Gạo như sau: Diện tích khuôn viên thực hiện dự án 6.339 m², trong đó diện tích đất phù hợp quy hoạch là 5.949 m².
Dự án với chức năng là nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ, văn phòng với tổng diện tích sàn xây dựng theo hệ số đề xuất là 89.235 m2. Mật độ xây dựng cho phép của dự án là 50%, từ mật độ xây dựng và hệ sử dụng đất có thể quy đổi số tầng cao công trình là 30 tầng, hệ số sử dụng đất là 15.
"UBND quận 1 kiến nghị chỉ tiêu dân số quy hoạch của dự án là 1.400 người. Với hệ số sử dụng đất là 15 cho dự án sẽ đảm bảo đủ diện tích sàn để tái định cư trở lại cho 1.210 dân. Dự án có số lượng căn hộ là 550 căn (trung bình 65 m2/căn) đủ để tái định cư cho các hộ dân và có thêm các chức năng thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê phục vụ cho khu vực"- ông Nguyễn Thành Phát nói.
Khu chợ Gà, Gạo môi trường sống của người dân không được tốt như mong đợi. Người dân sống nơi đây có trường hợp phải chia sẻ nhà tắm, nhà vệ sinh, có trường hợp phải luân phiên nhau để ngủ. Trước đây quận cũng đã nhiều lần mời và kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu và đưa ra các phương án trong việc hợp tác phát triển dự án nhằm giải tỏa khu vực chợ Gà, Gạo nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Ông Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy quận 1
Tính toán hạ thấp quy chuẩn xây dựng
Tại hội thảo, KTS Khương Văn Mười, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, bài toán cần đặt ra là vấn đề kinh tế để các nhà đầu tư thực hiện dự án. Dự án cần tính toán, xem xét các yếu tố như giới hạn diện tích, giới hạn chiều cao, hệ số sử dụng đất... Khu đất cần có những điều chỉnh phù hợp thực tế để giải quyết được vấn đề xã hội lớn, an cư cho người dân và phù hợp với quy hoạch của một khu trung tâm lớn.
Cuộc sống của người dân ở khu vực chợ Gà, Gạo. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Tương tự, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân cho rằng quận 1 cần phải có quy trình thẩm định giá toàn bộ đất và tài sản trên đất. Ngoài ra, quận cần có trao đổi với người dân để đưa ra khung giá đền bù hợp lý. Đối với dự án này, TP cũng cần đưa ra tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư, qua đấu thầu, xây dựng nhà ở thương mại.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, cho hay khu vực Chợ Gà, Gạo ở vị trí đặc biệt nên khó hạ thấp các quy chuẩn đô thị hiện đại theo gợi ý của các nhà đầu tư. Đối với nhà đầu tư, mặc dù quận kêu gọi tinh thần chia sẻ trách nhiệm xây dựng TP, nhưng đây là doanh nghiệp, khi kinh doanh phải có lời.
Chính vì vậy, muốn thu hút được nhà đầu tư cho dự án này, hoặc là hạ thấp quy chuẩn xây dựng hoặc phải tăng thêm mức giá đấu thầu để doanh nghiệp có lời.
"Đây là dự án mang tính cấp bách nếu vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia thì chính quyền sẽ tiếp tục vận động và chờ đợi, khi đó dự án không còn tính cấp bách nữa. Từ đó đặt ra câu hỏi, phải chăng dự án nhất định chỉ thực hiện bằng vốn huy động từ các nhà đầu tư mà không thể là vốn đầu tư công của nhà nước. Nếu không thể chờ đợi các nhà đầu tư thì TP nên điều chỉnh một số dự án kinh tế khác để có vốn đầu tư cho dự án mang nhiều ý nghĩa chính trị - xã hội này"- TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.
Kết luận tại hội thảo, ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, quận 1 sẽ tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp, kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp. Các ý kiến góp ý liên quan chỉ tiêu, hay làm rõ thêm cơ chế cũng như tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chí xây dựng. Ngoài việc góp ý các chỉ tiêu, phương thức đầu tư, quận 1 rất mong doanh nghiệp quan tâm, trực tiếp tham gia thì dự án mới khả thi và sớm triển khai trên thực tế.
"Qua hội nghị tôi đề nghị tổ công tác tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý các chỉ tiêu như hệ số sử dụng đất, các thiết kế. Đặc biệt là nghiên cứu ý kiến liên quan đến cơ chế, ở đây là nhà nước có thu hồi đất được hay không hay nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân"- ông Lê Đức Thanh nói.
Người dân sống chen chúc, không có chỗ ngủ
Khu Chợ Gà, Gạo là khu chợ truyền thống, diện tích khoảng 3.384 m², tổng cộng có 237 sạp. Bao gồm: Chợ Gà có 113 căn, 112 hộ, 458 nhân khẩu; Chợ Gạo có 57 căn, 80 hộ, 332 nhân khẩu; Hẻm số 3 Yersin có 67 căn, 45 hộ, 171 nhân khẩu.
Tại đây, các ô chợ thông nhau với các lối đi (hẻm) chỉ rộng khoảng 1m. Các nhà sạp nhỏ hẹp, quy mô từ 1-3 tầng, để buôn bán cũng là nơi sinh sống của người dân. Khu chợ hiện đã xuống cấp, ẩm thấp, khoảng cách giữa các sạp, các lối đi không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và an toàn thoát hiểm.
Căn phòng chật hẹp với nhiều người sinh sống ở khu vực chợ Gà, Gạo. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Theo bà Nguyễn Thị Kim Vàng (Võ Văn Kiệt, quận 1), nhà bà chỉ khoảng 4 m2 bao gồm một căn gác nhưng có đến năm người sinh sống, việc sinh hoạt hằng ngày của các thành viên trong nhà rất bất tiện vì nhà vô cùng chật hẹp.
"Bữa cơm hằng ngày chúng tôi không ngồi chung nhau để ăn, ngủ thì có người ngủ trong nhà, người thì mang ghế ra phía trước ngủ vào những ngày trời nắng nóng"- bà Vàng nói.
NGUYỄN CHÂU