Tìm cách 'giữ chân' doanh nghiệp ở lại thị trường

Tìm cách 'giữ chân' doanh nghiệp ở lại thị trường
9 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa: AI
Giữa bức tranh kinh tế còn nhiều biến động, doanh nghiệp thành lập mới có tăng, nhưng tốc độ rút lui khỏi thị trường lại nhanh hơn, nhiều hơn.
Cụ thể, theo báo cáo, tháng 4/2025 cả nước ghi nhận hơn 15.200 doanh nghiệp thành lập mới – giảm 2,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm không nằm ở số lượng thành lập mới, mà là ở xu hướng rút lui tăng nhanh và mạnh. Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn đạt 7.184, tăng 63,6% so với tháng trước; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể là 8.989, tăng tới 83,5% và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp đã hoàn tất giải thể là 1.750, tăng 37,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 89,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 96,5 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng có hơn 24,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo phân tích của TS. Phạm Minh Thành (Viện Kinh tế chiến lược LSE), 89.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động – một con số tích cực nếu chỉ nhìn ở góc độ tổng lượng. Nhưng nếu đặt cạnh con số 96.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cùng kỳ – tức bình quân mỗi tháng có hơn 24.000 doanh nghiệp “đóng cửa”, thì bức tranh rõ ràng trở nên đáng lo ngại. Sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp mới không theo kịp tốc độ rút lui, khiến cho tổng thể khu vực doanh nghiệp trong nước đối mặt với nguy cơ “hụt hơi” mở rộng.
Như nhận xét của TS. Phạm Minh Thành, "trong bức tranh kinh tế, những con số biết nói về tình hình doanh nghiệp đang phác họa một thực tế nhiều mảng sáng – tối đan xen. Doanh nghiệp mới có tăng, nhưng chưa thể bù đắp được cho số lượng ngày càng lớn các doanh nghiệp đang rời bỏ thị trường."
Dưới góc nhìn của chính những doanh nhân đang trực tiếp điều hành, quản trị doanh nghiệp, làn sóng rút lui khỏi thị trường không còn đơn thuần là phản ứng nhất thời, mà là hệ quả của quá trình tích tụ sức ép kéo dài.
Ông Vũ Thế Việt, Giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại tại Hà Nội, chia sẻ: "Tôi vừa nộp hồ sơ xin tạm ngừng hoạt động. Đó là một quyết định vô cùng khó khăn sau hơn 10 năm gây dựng thương hiệu. Nhưng sức ép chi phí đầu vào, sụt giảm đơn hàng và đặc biệt là những khó khăn trong tiếp cận vốn khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”. Theo ông Việt, phần lớn doanh nghiệp mới hiện nay có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vốn mỏng, khả năng chống chịu gần như bằng không. Trong khi đó, những doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm, có thâm niên, lại bị bào mòn bởi hàng loạt biến cố từ hậu Covid-19, xung đột địa chính trị, giá nguyên liệu leo thang, và sức mua trong nước yếu kéo dài.
Cùng chung nhận định, ông Lê Tuấn Hà – chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ mỹ nghệ xuất khẩu, cho rằng: “Kinh tế toàn cầu chưa hồi phục rõ ràng. Chi phí vận tải, logistics vẫn cao, trong khi thị trường tiêu dùng trong nước và quốc tế đều đang co cụm. Nhiều đơn hàng từ Mỹ, EU sụt giảm khiến chúng tôi không dám tái đầu tư. Việc duy trì vận hành một doanh nghiệp trong bối cảnh này tôi như chèo lái con thuyền giữa sóng dữ."
Nếu các yếu tố bên ngoài như thị trường quốc tế, lãi suất toàn cầu, và giá năng lượng là những rào cản khách quan, thì còn nguyên nhân sâu xa lại đến từ chính nội tại nền kinh tế. Bà Vũ Việt Hà, nguyên Giám đốc một doanh nghiệp dịch vụ đã đóng cửa từ năm 2023, phân tích: "Năng suất lao động của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, chất lượng quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh. Trong khi đó, thủ tục hành chính dù đã cải cách nhưng vẫn còn rườm rà, thiếu nhất quán giữa các cấp, ngành. Đặc biệt, chính sách tín dụng chưa thực sự đi vào đúng điểm nghẽn. Nhiều doanh nghiệp rất cần vốn, nhưng lại không tiếp cận được ngân hàng."
Cũng theo bà Hà, một trong những sai lệch trong cách tiếp cận hỗ trợ hiện nay là quá chú trọng khởi nghiệp mà thiếu quan tâm đến việc “giữ chân” những doanh nghiệp đang vận hành. "Chúng ta nói nhiều về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng lại bỏ quên một thực tế: doanh nghiệp có bề dày, có kinh nghiệm và mạng lưới là lực lượng cần bảo vệ nhất trong giai đoạn hiện nay. Họ là trụ cột của nền kinh tế, là người đang sử dụng lao động, đang nộp thuế, đang tạo ra giá trị thực."
Theo nhận định của các doanh nhân trong cuộc cho thấy, các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong những năm qua, bao gồm cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ thuế, giảm lãi suất điều hành… đều là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ, hoặc chưa “đến tay” đúng đối tượng.
TS. Phạm Minh Thành nhận định: "Một nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng bền vững khi không chỉ có thêm doanh nghiệp mới, mà còn phải giữ được sự sống của những doanh nghiệp đã và đang tạo ra giá trị cho xã hội."
Để "giữ chân" doanh nghiệp, TS. Thành đề xuất tập trung vào ba trụ cột: thứ nhất, tháo gỡ nhanh gọn các vướng mắc về thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ; thứ hai, triển khai các gói tín dụng ưu đãi có trọng tâm cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và doanh nghiệp nhỏ và vừa; thứ ba, cải thiện khả năng dự báo và minh bạch hóa chính sách để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất.
“Trong một nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp chính là xương sống, là lực kéo tăng trưởng và tạo việc làm. Việc hơn 96.000 doanh nghiệp rút lui chỉ trong 4 tháng đầu năm là một hồi chuông cảnh báo “thể trạng” của doanh nghiệp trong nước đang yếu đi. Hơn lúc nào hết, cần một cú hích mạnh mẽ, quyết liệt và đúng trọng tâm để không chỉ khơi thông làn sóng doanh nghiệp mới, mà còn giữ cho được những doanh nghiệp đang vật lộn bám trụ – những người đã và đang góp phần làm nên sức sống thật của nền kinh tế”, bà Vũ Minh Ánh, Phó Giám đốc dự án phi lợi nhuận Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp Tây Bắc nhận định.
Thanh Bình
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tim-cach-giu-chan-doanh-nghiep-o-lai-thi-truong-10305356.html