Tìm cách khôi phục gần 180.000 ha rừng bị thiệt hại nặng do bão số 3

Tìm cách khôi phục gần 180.000 ha rừng bị thiệt hại nặng do bão số 3
2 giờ trướcBài gốc
Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, Cục trưởng Cục lâm nghiệp Trần Quang Bảo.
Tại hội nghị, ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết: Thống kê đến 16h ngày 23/9, có 13 tỉnh, thành bị thiệt hại về rừng với diện tích gần 170.000ha. Diện tích này chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt. Trong đó, 4 địa phương thiệt hại nặng nhất là: Quảng Ninh (hơn 110.000ha), Bắc Giang (hơn 26.000ha), Lạng Sơn (gần 20.000ha), Hải Phòng (hơn 10.000ha).
Ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp trình bày báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Bảo Thắng)
Hiện các địa phương chưa có thống kê chính thức về doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản bị thiệt hại. Tuy nhiên, qua thống kê sơ bộ, bão số 3 chủ yếu gây thiệt hại cho các doanh nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Hầu hết doanh nghiệp ván dán, ván thanh, ván bóc tại các tỉnh miền núi phía Bắc có nhà xưởng xây dựng không kiên cố nên khi bão đổ bộ bị tốc mái, sau bão thì lũ lụt gây sạt lở đất. Ước tính khoảng 200 doanh nghiệp bị thiệt hại, với tổng số tiền khoảng 40 tỷ đồng.
Ông Lực dự báo, thời gian tới lượng gỗ nguyên liệu cung cấp trong ngành chế biến gỗ sẽ chịu nhiều tác động. Cụ thể, gần 12 triệu m3 gỗ nguyên liệu (gỗ nhỏ) bị thiệt hại.
Các chi phí khai thác và vận chuyển cây bị đổ gãy khó khăn, giá cao, trong khi giá trị gỗ nguyên liệu từ cây bị đổ gãy giảm. Chuỗi cung cấp gỗ nguyên liệu có xu hướng giảm. Các doanh nghiệp dăm gỗ, ván bóc, ván dán bị thiệt hại tới máy móc, thiết bị, sản phẩm và cơ sở hạ tầng. Ước tính giá trị xuất khẩu dăm gỗ, viên nén và các loại ván năm 2024 có thể giảm khoảng 300 triệu USD.
Nhiều dự án của ngành lâm nghiệp cũng chịu ảnh hưởng bởi bão số 3. Trong đó, có dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) bị ảnh hưởng nhiều nhất tại 3 địa phương là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa.
Qua công tác kiểm tra sơ bộ, xác định có nhiều diện tích trồng rừng ngập mặn của dự án đã bị sóng đánh trôi và xô đổ cây rừng trồng. Riêng tại Quảng Ninh, do điều kiện mưa lũ và thủy triều dâng cao nên cán bộ dự án chưa tiếp cận được hiện trường để đánh giá, xác định được số liệu cụ thể về thiệt hại sau bão.
Tại phường Bàng La (quận Đồ Sơn) Thành phố Hải Phòng kiểm tra được khoảng 30% diện tích rừng đã trồng ở vị trí cách đê từ 1,5 - 3km có thiệt hại ước tính khoảng 80%. Phường Tân Thành (quận Dương Kinh) ước tính thiệt hại từ 50% đến 90%.
Tại tỉnh Thanh Hóa, tổng diện tích trồng rừng là 395ha, trong đó có gần 285ha rừng trồng ngập mặn và hơn 110ha rừng trồng trên cạn. Qua kiểm tra, đánh giá bước đầu khu vực trồng tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc có hơn 40ha rừng ngập mặn trồng bị thiệt hại trên 70%.
Ngoài FMCR, Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng” (KFS), với tổng vốn đầu tư 4,4 triệu USD, thực hiện tại Nam Định và Ninh Bình cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, phần diện tích bị đổ gãy và hư hại không đáng kể.
Ông Vũ Duy Văn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh. (Ảnh: Bảo Thắng)
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, ông Vũ Duy Văn cho biết: Địa phương bị thiệt hại chủ yếu là rừng trồng. Phần diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng nhiều nhất chỉ chịu thiệt hại khoảng 30%. "Với hơn 110.000ha rừng bị ảnh hưởng, Quảng Ninh ước tính có thể giảm tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn hơn 10%", ông Văn nói.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị chia sẻ: Bão số 3 được đánh giá là dị thường và bất thường, cả về đường đi của bão, ảnh hưởng của bão. Đồng thời, bão số 3 đã gây mưa lớn trên phạm vi rộng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng cả đời sống và sản xuất. Cơn bão số 3 gây ra những tác động nặng nề từ lĩnh vực thủy sản đến lâm nghiệp, chăn nuôi... Với lĩnh vực lâm nghiệp, bị ảnh hưởng trong cả chuỗi sản xuất lâm nghiệp, từ cây giống đến phát triển rừng, không chỉ ở hiện tại mà cả chu kỳ sản xuất trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, đây chính là thời điểm để bàn về giải pháp để xác định những bước đi khắc phục khó khăn hiện tại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, giúp phát triển rừng, những người làm nghề rừng, lâm nghiệp vượt qua những khó khăn, tạo đà phục hồi, phát triển bền vững trong thời gian tới.
Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Nhằm khắc phục và giảm thiểu những thiệt hại đối với diện tích rừng do thiên tai gây ra, Cục Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã công văn đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng tổ chức thống kê, phân loại ngay diện tích, mức độ rừng bị thiệt hại để có giải pháp phù hợp.
Toàn cảnh hội nghị bàn về giải pháp khắc phục thiệt hại trong lĩnh vực lâm nghiệp sau bão số 3.
Theo đó, về xử lý, khai thác rừng bị thiệt hại: Đối với rừng trồng, rừng trồng thuộc sở hữu của chủ rừng do chủ rừng quyết định việc khai thác, tận dụng, tận thu, sau khi khai thác, chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi.
Đối với gỗ rừng sản xuất là rừng trồng do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, rừng phòng hộ là rừng trồng: tổ chức đánh giá mức độ thiệt hại, ước tính giá trị lâm sản tận thu; phương thức, điều kiện khai thác, tận thu. Cụ thể: Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nặng, cây rừng bị đổ gãy hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy hơn 70%), thì khai thác, tận thu toàn bộ số cây. Sau khi khai thác, tận thu chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi.
Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nhẹ, số cây còn lại đủ tiêu chí thành rừng thì chỉ tận thu những cây bị đổ, gãy. Việc khai thác, tận dụng, tận thu ngay sau khi có điều kiện thời tiết thuận lợi, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở thu mua, cơ sở chế biến trên địa bàn để thu mua hết lượng lâm sản khai thác, tận thu.
Riêng đối với rừng tự nhiên (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) tiến hành vệ sinh rừng; thu gom, xử lý vật liệu cháy, sửa chữa các đường băng cản lửa giảm nguy cơ cháy rừng. Áp dụng các biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung để phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng.
Chọn loài cây, phục hồi, trồng lại rừng, tổ chức thực hiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia, trong đó ưu tiên rà soát và phân định ranh giới 3 loại rừng trên thực địa, đưa những khu vực có độ dốc cao, nguy cơ sạt lở vào quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện các biện pháp trồng rừng.
Ưu tiên trồng cây bản địa, cây bản địa cây đa tác dụng; cây có tán lá rậm, thường xanh, hệ rễ phát triển; cây sống lâu năm; cây có khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh; cây sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng thích nghi với môi trường.
Về nguồn vốn hỗ trợ khắc phục thiệt hại: Đối với những diện tích rừng bị thiệt hại thuộc vùng được chi trả dịch vụ môi trường rừng thì sử dụng trong 5% kinh phí theo quy định tại điểm d, khoản 23 Điều 70 Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp để hỗ trợ.
Đối với các diện tích rừng bị thiệt hại khác thì sử dụng nguồn kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 02/2017/CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ để hỗ trợ.
Gia Hồng
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/tim-cach-khoi-phuc-gan-180000-ha-rung-bi-thiet-hai-nang-do-bao-so-3-post526454.html