Tìm 'chữa lành' trong cuộc khủng hoảng tôn giáo

Tìm 'chữa lành' trong cuộc khủng hoảng tôn giáo
17 giờ trướcBài gốc
Trong cuốn sách được tập hợp từ các trao đổi qua email suốt năm 2024, một cách từ tốn và tự tại, họ cùng nhau bàn luận về cuộc khủng hoảng hiện nay từ các tiêu điểm: giáo dục, sức khỏe, tôn giáo, bạo lực, lòng trắc ẩn, truyền thông, kinh tế, môi trường. Trong lời giới thiệu, hai tác giả tự xem “cuộc chuyện trò là cách để nhắc nhau soi lại tâm mình”.
Được phép của hai tác giả Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Vĩnh Nguyên và nơi giữ bản quyền - Phanbook, Người Đô Thị trích đăng một phần trong chương 5 - Khủng hoảng tôn giáo hay là chuyện không chỗ tựa đầu? Nhan đề do Người Đô Thị tạm đặt.
* * *
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Thử nhìn qua Kitô giáo. Mới đây, tôi đọc được một ý của Giáo hoàng Francis đề cao truyền thống đan tu. Nhìn lại Kinh Thánh từ Cựu ước đến Tân ước, ta đều thấy thời nào cũng có những câu chuyện coi trọng hành trình sa mạc hay lên núi trong đơn độc. Moise lên núi để gặp Đức Chúa mặc khải thông qua ngọn lửa rực sáng giữa bụi gai. Dân Israel chịu thử thách hơn 40 năm trong sa mạc trước khi vượt qua Biển Đỏ được ngợi ca như một chiến thắng sử thi, nhưng thực ra tôi muốn xuyên qua lớp vỏ bọc huyền thoại đó để hiểu đơn giản là con đường tu tập, thử thách nội tâm [của một cộng đồng, cá nhân] nhiều hơn.
Tôi cũng lại thấy hành trình của Thánh John khổ hạnh trong sa mạc trước khi công bố điều mình chứng ngộ về sự ra đời của Đấng Cứu Thế hay, ngay cả Chúa Jesus đi vào hoang địa 40 đêm ngày trước khổ nạn - thảy đều là những “gợi ý” về tính nguyên ủy của tôn giáo: Hướng vào sâu thẳm tâm thức và truyền trao điều được “thấy” hơn là tạo ra các thiết chế áp đặt của quyền lực nào trong những cuộc chiến thế tục.
Đứng ở góc độ con người trong một xã hội có nền tảng tôn giáo bị lung lay, tôn giáo bị tha hóa bởi các dạng thức quyền lực can thiệp, thì phải làm gì để cho mình một cơ hội được thấy, được thăng bằng, được tựa đầu trong trạng thái an tâm? Tôi muốn thử hỏi anh vấn đề này khi thấy biệt ngữ “chữa lành” gần đây được sử dụng nhiều, người ta đổ xô đi mua các khóa tu chữa lành ngắn hạn, xuất hiện những tu sĩ có ảnh hưởng trên truyền thông đại chúng với những chương trình pháp thoại được pha trộn với điều trị tâm lý...
Thật tế nhị, bởi động đến yếu tố tôn giáo, chúng ta không thể triệt để phê phán mặt tốt mặt xấu bằng lý trí, khoa học hay sự phán xét chủ quan. Phật cũng bảo rằng, tùy chúng sanh mà độ. Xin hỏi ý anh, từ phương Tây, nơi các pháp môn có tính quy ẩn đã từng phát triển và giải quyết các vấn đề tâm lý thời đại khá phổ biến.
Nguyễn Tường Bách: “Triết gia đến từ thành thị, thánh nhân tôn giáo đến từ sa mạc” - Đó là điều ta có thể kết luận từ lịch sử văn hóa châu Âu. Đúng vậy, các nhà huyền bí vùng Trung Đông không ai là không sống một thời gian độc cư và bí ẩn trong sa mạc.
Tính nguyên ủy - như anh nói - của các tôn giáo phương Tây xuất phát từ sự độc cư ẩn tu, trong những miền hoang địa bao la của sa mạc. Thậm chí có cả một lý thuyết cho rằng Đức Jesus đi ẩn tu tại Ấn Độ trước khi xuất hiện trước quần chúng và bị hành hình. Trong tình trạng huyền bí của sự cô độc khổ hạnh, các vị đó đã “thấy” thực tại theo một cách nào đó và trao truyền cho các môn đệ về sau. Trong Phật giáo cũng không khác bao nhiêu, nơi đó ta biết đến phép khổ hạnh và xuất gia. Vị Phật lịch sử Thích-ca cũng từng tu khổ hạnh trước khi đến cây bồ đề và đạt giác ngộ. Các vị Tổ về sau cũng thường sống khổ hạnh, có khi gọi là thực hiện “hạnh đầu đà” với mục đích trừ bỏ lòng tham ái. Nhiều vị Lạt Ma trong truyền thống Tây Tạng cũng tu hạnh ẩn cư, sống nhiều năm không tiếp xúc với người khác.
Đối với phần lớn tu sĩ Phật giáo, xuất gia là điều kiện bắt buộc, trong đó các vị từ bỏ gia đình, từ bỏ các mối liên hệ thế gian. Thế nên ta có thể nói, nguyên ủy của mọi con đường tu học tôn giáo đều phải xa lìa thế tục, từ bỏ tiện nghi của đời sống vật chất. Người ta đi tìm cái thấy, cái biết trong chính tâm mình, trong tình trạng cô độc của đời sống ẩn tu.
Sự thể ngày nay rất khác. Khi Phật giáo Tây Tạng, từ thế kỷ XVI, bị lịch sử đưa vào thế phải nắm chính quyền tại đó, người ta đã biết tính chất của nền tôn giáo này sẽ bị biến đổi một cách tiêu cực. Mặc dù đó là thời kỳ xem ra rất “thịnh trị” của Phật giáo nhưng các âm mưu tranh chấp thế quyền đã làm cho Phật giáo sa hẳn vào con đường thế tục. Đạt Lai Lạt Ma là một dòng tái sinh xuất hiện từ thế kỷ XVI và là dòng nắm quyền lực chính trị tại Tây Tạng kể từ thời gian đó. Vị này chết thì vị sau lên thay thế. Lịch sử cho thấy nhiều vị Đạt Lai Lạt Ma chết rất trẻ và đầy bí ẩn. Vị Đạt Lai thứ 14 còn sống cũng thừa nhận một trong những nguyên nhân gây nên sự tan rã của Phật giáo Tây Tạng “nằm ngay trong hành xử của tổ tiên chúng ta”.
Tại Trung Quốc ngày nay, Phật giáo bị quyền lực can thiệp nên trở thành một tổ chức có tính văn hóa chung chung, chùa chiền đa phần chỉ có tính chất du lịch. Và tại Việt Nam chúng ta đang thấy lan tràn một thứ lề thói xem Phật giáo là chỗ cầu xin cúng tế, giải oan giải hạn, hầu như chỗ thương lượng đổi chác như trong đời thường.
Thế nhưng - như anh nói - một khuynh hướng tích cực hơn cũng xuất hiện. Đó là nhiều người thấy đạo Phật có những nét trí tuệ, trong đó con người học đạo để gia tăng phẩm chất cho chính mình, cho cuộc sống, nhất là cho nhận thức và tâm lý của mình. Và điều mà con người vẫn luôn luôn âu lo nhất chính là sức khỏe, thể chất và tâm lý. Do đó mà chúng ta hay gặp khái niệm “chữa lành”. Nếu làm đúng cách, Phật giáo có thể phần nào “chữa lành” con người, tôi nghĩ thế.
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Trước khi nói thêm về Phật giáo, với tư cách là người sống ở phương Tây hơn nửa thế kỷ, anh cho biết tôn giáo phương Tây có đang nắm giữ chức năng “chữa lành” cho cuộc khủng hoảng tâm lý trong thời hiện đại này không?
Nguyễn Tường Bách: Câu hỏi này quá rộng. Thế nào là “chữa lành”? Tôi ở châu Âu, chỉ có thể nói đời sống thực hành tôn giáo ở đây hiện nay đang sa sút, tôn giáo đang mất tín đồ. Nhưng tôn giáo vẫn đóng một vai trò, họ không “chữa lành” nhưng vẫn có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn các giá trị. Quần chúng, dù không phải tất cả, vẫn tin vào sự hiện hữu của Thượng đế và lòng tin đó giữ vững hành vi và thái độ đạo đức của họ. Các nguyên lý đạo đức xuất phát từ niềm tin tôn giáo - có khi được gọi là lương tâm - vẫn là nền tảng của đời sống xã hội, dù xã hội ngày càng phức tạp và kích thích cái xấu, cái ác.
“Nếu sống vào thời đại này, những người như Chúa Jesus sẽ mất sức hơn, vì đuổi không xuể cái phàm
đang ngụy trang, cái giả đạo đức đang khuếch trương quyền lực quy tụ trong các ngôi đền thiêng”. Ảnh: tranh “Chúa đuổi những người đổi tiền ra khỏi đền thờ” của họa sĩ El Greco (Tây Ban Nha), năm 1600
Người Đức ở nơi tôi sống vẫn là người làm từ thiện bậc nhất thế giới, họ biết coi trọng phẩm giá của người khác, kể cả người nhập cư. Họ đi du lịch nhiều và tôn trọng các nền văn hóa và con người xứ khác. Chính điều này cũng làm thay đổi hình ảnh, ấn tượng về người Đức sau những gì xảy ra trong Thế chiến Thứ hai. Ở thời đại hiện nay, trong các vấn đề mới mẻ của xã hội, ta luôn luôn thấy các “định chế đạo đức” (Ethik) lên tiếng. Thí dụ mới nhất, trước sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo và vì các tiêu chí đạo đức có thể bị tổn thương, các “định chế đạo đức” có ngay tiếng nói của mình. Trước các cuộc chiến tranh đang xảy ra, họ thường lên tiếng rất rạch ròi sòng phẳng và nhất là độc lập với chính quyền. Thế nhưng, tôn giáo chỉ có thể bảo tồn các giá trị.
Đối với các căn bệnh của thời đại mà cụ thể là sự lan tràn bạo lực, các loại bệnh ghiền, nghiện, khủng hoảng tâm lý, các loại bệnh tâm thần... thì theo tôi, tôn giáo phương Tây hiện nay bó tay bất lực. Phương Tây là nơi phát sinh ngành phân tâm học với Sigmund Freud (1856 - 1939) và ngành này phát triển rất mạnh. Ngày nay người ta có hàng chục tạp chí chuyên ngành có uy tín về tâm lý học. Thế nhưng phân tâm thì dễ nhưng “chữa lành” rất khó, con người phương Tây chỉ đi những bước chập chững.
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Bảo tồn các giá trị, anh nói đúng nhưng chưa đủ. Tôi phải thêm, tôn giáo phương Tây đóng vai trò then chốt trong bảo tồn các giá trị tinh thần. Từ “Thượng đế” là khái niệm chung nhất của các tôn giáo phương Tây. “Thượng đế” được hiểu rất khác nhau. Có vị Thượng đế như Đức Chúa trời của Thiên Chúa giáo, có nhân trạng. Có Thượng đế phi nhân trạng như Thượng đế của Spinoza (1632 - 1677). Triết gia này coi Thượng đế là “chất liệu” nằm trong mọi hình thái tồn tại. Có Thượng đế được hiểu như là quy luật điều hành thế giới tự nhiên, như nhiều nhà khoa học quan niệm. Ngước nhìn sự kỳ vĩ của thiên nhiên có người đã thấy kính sợ và tin rằng sau đó phải có một năng lực bí ẩn, đó cũng đã là lòng tin tôn giáo. Mặc dù những lòng tin đó mơ hồ và khác nhau, chúng có một điểm chung, đó là tin nơi một thể tính tinh thần của vũ trụ.
Tôn giáo duy tâm phương Tây có một ưu điểm vô cùng quý báu của con người là xây dựng và bảo tồn các giá trị tinh thần. Lòng thương yêu và sự liêm chính là cốt tủy của các giá trị này.
Trên hai cơ sở đó, nền văn hóa, tư tưởng và đạo lý cộng đồng được xây dựng lên. Ngược lại, chủ nghĩa duy vật xem hoạt động của loài người chỉ là các hình thái của quan hệ xã hội, bản thân con người do biện chứng của vận động xã hội. Thế nên chủ nghĩa duy vật dễ đưa đến con đường xử trí bằng ý chí con người, bằng sự chuyên chính và bạo lực, điều mà nhân loại chứng kiến gần cả trăm năm qua.
Hiện nay tại phương Tây, tôn giáo dường như đang ở giai đoạn thoái trào nhưng ta phải khẳng định, không có tôn giáo thì thế giới không còn có được kháng thể như ngày hôm nay.
Nguyễn Tường Bách: Duy vật thực ra là một nền triết học rất đáng được coi trọng. Duy tâm hay duy vật khác nhau ở chỗ xem ý thức con người từ đâu mà ra. Nhà duy tâm cho rằng nó xuất phát từ một thể tính tinh thần, nói một cách vắn tắt. Còn nhà duy vật xem ý thức là một thuộc tính của vật chất, ý thức hay tinh thần không thể tồn tại ngoài vật chất. Ý thức được ví như sự sắc bén của một con dao, con dao khi mài với đá thì sinh ra sắc bén. Con dao mất đi thì sự sắc bén cũng mất theo, sự sắc bén không thể nằm ngoài dao.
Cũng thế, ý thức con người sinh ra nhờ sự nhào nặn của xã hội ngoại cảnh. Xưa nay chủ thuyết duy vật không hề thua kém trong sự tranh chấp với duy tâm. Tại Ấn Độ trong thời Phật Thích-ca đã có ít nhất sáu môn phái duy vật. Nền vật lý, nhất là vật lý cổ điển dựa trên nền tảng của triết lý duy vật. Chỉ có điều thú vị là trong thế kỷ trước, có một chủ thuyết lấy chủ nghĩa duy vật để khoác cho mình một cơ sở triết học, điểm tô cho tư tưởng đấu tranh giai cấp, với ý đồ biến một chủ nghĩa chính trị thành một tiến trình tất yếu của lịch sử (…)
Thế nhưng ta hãy trở lại với đề tài các căn bệnh của thời đại. Đây là thời kỳ của các căn bệnh thuộc về tâm thần, những chứng rối loạn. Con người dễ bị ngã vào sự cực đoan, ghiền nghiện.
Phải chăng con người thời nay cảm thấy bơ vơ không có một chỗ nương tựa, không thấy “ý nghĩa” của đời sống, không có chỗ tựa đầu? Vậy thì hiện tượng đáng chú ý nhất trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay là gì? Tìm hiểu điều này có lẽ không đơn giản, còn nói chuyện “chữa lành” cho nó có lẽ là điều nằm ngoài khả năng của chúng ta.
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Bản thân cách đặt vấn đề ở trên của anh cũng đã hàm chứa những lý giải. Tôi nghĩ rằng thời đại nào cũng có những cuộc khủng hoảng của thời đại đó, chúng ta không nên phóng đại sự bi đát của thời đại mình và coi nhẹ những cuộc khủng hoảng của tiền nhân. Chúng ta càng không nên chỉ nhìn thấy vết thương của nhân quần mình sống đáng giá hay trầm trọng, đáng huy động mọi năng lực chữa lành hơn vết thương của các cộng đồng khác.
Không nên đề cao tính chất vết thương chủ quan, nhưng cần thấy trong sự “vận động” của xã hội loài người, bi kịch là một phần “hằng có”, kể cả những thời kỳ được tô vẽ là thịnh vượng và thái hòa nhất. Đời, vốn dĩ là bể khổ, theo quan điểm Phật giáo. Và thế gian là chốn lưu đày, theo quan điểm Thiên Chúa giáo.
Hiểu tính cách phổ quát đó thì chúng ta không nên quá mất bình tĩnh vì sự khủng hoảng tâm lý nơi con người để có thể chú tâm hơn vào một cuộc khủng hoảng khác: Cuộc khủng hoảng của nguồn linh dược tôn giáo. Tôn giáo đang được bào chế thành những viên nén giảm đau và được bán đại trà cho đại chúng, đó phải chăng là cuộc khủng hoảng đáng sợ nhất trong xã hội thị trường ngày nay? Và không chỉ tôn giáo, triết học, tâm lý học được xay nhuyễn thành những thứ thần dược lúc thì củng cố cho hình ảnh, nhãn hiệu, thương hiệu, lúc là liều thuốc an thần cho cùng một đối tượng sử dụng. Khi những nền tảng cho tinh thần đó bị định dạng, định vị lại, thì suy tư, sự tôn kính, cái thiêng, cái thanh cao biến mất. Khủng hoảng một phần là từ đây. Hình ảnh Chúa Jesus xua đuổi và giận dữ trước cảnh các nhà buôn tụ tập trong đền thờ Jerusalem để buôn bán, mặc cả hết thứ nọ đến thứ kia, là một biểu trưng để đòi lại cái thiêng trong tuyệt vọng. Nếu sống vào thời đại này, những người như Chúa Jesus sẽ mất sức hơn, vì đuổi không xuể cái phàm đang ngụy trang, cái giả đạo đức đang khuếch trương quyền lực quy tụ trong các ngôi đền thiêng.
Nguyễn Tường Bách: Tôi nghĩ, tác động của truyền thông và trí tuệ nhân tạo, sự thay đổi của công nghệ cũng là một phần của vấn đề. Dòng chảy công nghệ diễn ra quá nhanh, nó định hình lại đời sống chúng ta theo một trật tự khác, hướng con người từ điểm nhìn này sang điểm nhìn khác, tâm thức này đến tâm thức khác.
Con người hôm nay vừa nhập cuộc say sưa, theo cách nói của anh, vào dòng chảy thời đại mình nhưng thiếu vắng những khoảng trống để trầm tư. Công nghệ lại soi chiếu và mở ra rất nhiều khả năng, nhưng đa số là những khả năng hướng ngoại, kích hoạt sự ghiền nghiện, thúc đẩy nhu cầu phô bày và biểu thị nhưng thiếu vắng sự thông đạt và tĩnh tại.
Thông đạt được hiểu là khả năng hướng nội để thấy cái gì cần cho kho tàng tâm thức vốn là thứ giúp mình đứng vững, cái gì là cần nhịp độ từ tốn để cuộc sống được cân bằng.
Hằng ngày, thế giới social media không ngừng trình diễn sự phồn vinh theo chiều hướng “kịch nghệ” và ngụy trang. Thế gian vốn đã ảo còn bị thêm cái ảo chồng chất.
(Trích Cân bằng trong khủng hoảng của tác giả Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phanbook & NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/tim-chua-lanh-trong-cuoc-khung-hoang-ton-giao-46614.html