Room ngoại tại MB, HDBank, VPBank sẽ được nới lên 49% kể từ ngày 19/5/2025
Cơ hội khi nới room ngoại
Kể từ ngày 19/5/2025, MB, HDBank, VPBank sẽ được nới room ngoại sau khi nhận ngân hàng chuyển giao bắt buộc theo Nghị định 69/2025/NĐ-CP, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ) được vượt 30%, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ.
Cụ thể, Nghị định 69/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài: “Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại các khoản 6, 6a Điều này hoặc trong thời gian thực hiện quy định tại khoản 9 Điều 14 Nghị định này. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 50% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này”.
Bên cạnh đó, khoản 6 Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung: “Trong trường hợp đặc biệt để bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém, gặp khó khăn vượt giới hạn quy định tại các khoản 2, 3, 5 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể”.
Về nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài, Nghị định 69/2025/NĐ-CP bổ sung quy định: “Khi nhà đầu tư nước ngoài mua thêm cổ phần do tổ chức tín dụng chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong tổ chức tín dụng mà bị vượt giới hạn về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 7 Nghị định này, trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ thời điểm bị vượt giới hạn, nhà đầu tư ngoại phải thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, đảm bảo tuân thủ giới hạn quy định tại Điều 7 Nghị định này. Trường hợp tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài bị vượt giới hạn quy định tại Điều 7 Nghị định này thì nhà đầu tư nước ngoài không được mua thêm cổ phần của tổ chức tín dụng đó cho đến khi tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ quy định tại Điều 7 Nghị định này”.
Trước đó, trong giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém là chuyển giao CB về Vietcombank, chuyển giao Oceanbank về MB, chuyển giao DongA Bank về HDBank, chuyển giao GPBank về VPBank. Việc chuyển giao ngân hàng yếu kém được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng này khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt. Trong khi đó, các ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi về nguồn vốn, room tín dụng để mở rộng quy mô tài sản, dư nợ nhằm tạo động lực để các nhà băng này quyết liệt tham gia tái cấu trúc thành công các tổ chức tín dụng yếu kém.
Việc room ngoại tại các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc là MB, HDBank, VPBank sẽ được nới lên 49% kể từ ngày 19/5 tới được xem là cơ hội cho không chỉ nhà đầu tư ngoại khi muốn tham gia vào các nhà băng này, mà 3 ngân hàng này có thêm điều kiện hút vốn ngoại, tăng năng lực tài chính.
Số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, tính đến ngày 20/3/2025, nhà đầu tư ngoại nắm giữ hơn 1,4 tỷ cổ phiếu MB, tương đương tỷ lệ sở hữu 23,24%; nắm giữ 1,97 tỷ cổ phiếu VPBank, tương đương tỷ lệ sở hữu 24,86%; nắm giữ 603,8 triệu cổ phiếu HDBank, tương đương tỷ lệ sở hữu 17,2% (HDBank đã chủ động tạm khóa room ngoại từ mức 20% xuống 17,5% và hiện chưa có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài).
Nhà đầu tư ngoại tái cơ cấu danh mục
Tính đến ngày 20/3/2025, có 12/27 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%, bao gồm Techcombank (22,51%), ACB (30%), MB (23,24%), VietinBank (26,84%), MSB (27,55%), TPBank (28,05%).
Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã bán ra hơn 128 triệu cổ phiếu VIB trong phiên 5/3/2025, tổng giá trị giao dịch ước đạt khoảng 2.600 tỷ đồng. Trước khi giao dịch này diễn ra, CBA nắm giữ hơn 140 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,7%.
Trước đó, CBA có nhiều năm nắm giữ cổ phiếu VIB với tỷ lệ 20% vốn điều lệ (năm 2010 bắt đầu tham gia Ngân hàng với tỷ lệ góp vốn 15% và năm 2011 nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%), nhưng đến ngày 24/9/2024 bán ra gần 150 triệu cổ phiếu, ước tính thu về khoảng 2.700 tỷ đồng và ngày 29/10/2024 bán thêm 300 triệu cổ phiếu VIB, thu về khoảng 5.400 tỷ đồng. Theo CBA, việc thoái vốn tại VIB là phù hợp với chiến lược tập trung vào mảng ngân hàng tại Australia và New Zealand.
Hiện mức trần room ngoại đối với các ngân hàng tại Việt Nam là 30%. Số liệu từ VSDC cho thấy, tính đến ngày 20/3/2025, có 12/27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%, trong đó có Techcombank (22,51%), ACB (30%), MB (23,24%), VietinBank (26,84%), MSB (27,55%), TPBank (28,05%). Ngược lại, một số ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp như Nam A Bank (1,62%), BaoViet Bank (0,09%), KienLong Bank (1,1%), VietA Bank (0,23%), Vietbank (0,01%), thậm chí tại Bac A Bank là 0%. Bên cạnh đó, có những ngân hàng khóa room ngoại ở mức thấp để chờ đối tác chiến lược như LPBank (5%), SeABank (5%), BVBank (5%).
Mới đây nhất, Quỹ Pyn Elite Fund thông báo đã bán hơn 1,11 triệu cổ phiếu STB của Sacombank trong phiên 26/2/2025, giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,02% (113,5 triệu cổ phiếu) xuống 5,96% (112,4 triệu cổ phiếu). Ước tính, Quỹ thu về khoảng 42,8 tỷ đồng từ giao dịch này.
Tương tự, các quỹ thuộc Dragon Capital cũng đã thoái vốn tại Sacombank. Cụ thể, Norges Bank giảm tỷ lệ sở hữu tại Sacombank từ 1,27% xuống 1,1%; Amersham Industries Limited bán hơn 19 triệu cổ phiếu và rút khỏi danh sách cổ đông lớn của Sacombank.
Tại OCB, Portal Global Limited bán ra hơn 40 triệu cổ phiếu OCB, giảm khối lượng nắm giữ từ hơn 62 triệu cổ phiếu (tương đương gần 3,03% vốn điều lệ) xuống hơn 21 triệu cổ phiếu, không còn trong danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ Ngân hàng. Trong cơ cấu cổ đông tổ chức nước ngoài của OCB hiện nay, Aozora Bank sở hữu 15%, Pyn Elite Fund sở hữu hơn 2,4%.
Những động thái trên cho thấy, các quỹ đầu tư nước ngoài đang điều chỉnh danh mục đầu tư, giảm tỷ lệ sở hữu tại một số ngân hàng Việt Nam, song có những nhà đầu tư ngoại khác tiếp tục mua vào. Chẳng hạn, BIDV vừa phát hành riêng lẻ hơn 123,8 triệu cổ phiếu, với giá 38.800 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 4.805 tỷ đồng. Trong đó, các nhà đầu tư trong nước mua gần 38,7 triệu cổ phiếu, các nhà đầu tư nước ngoài mua gần 85,2 triệu cổ phiếu.
Trước đó, cuối năm 2024, lãnh đạo Techcombank cho biết, Ngân hàng dự kiến sẽ bán 10 - 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược dài hạn, ưu tiên các đối tác có năng lực về công nghệ.
Giới chuyên gia dự báo, dòng vốn ngoại sẽ có xu hướng chảy vào thị trường ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital, rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia vào các ngân hàng vẫn là giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa 30%, trong khi không phải ngân hàng nào cũng còn nguyên room ngoại. Thực tế, có không ít nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các ngân hàng Việt với mục đích kiếm lời. Với mục tiêu đó, họ sẽ tìm các ngân hàng tốt để đầu tư, song cũng có nhà đầu tư muốn hợp tác lâu dài, nhất là những nhà băng còn nhiều room ngoại. Có 3 tiêu chuẩn chính mà khối ngoại tập trung xem xét ngân hàng nội là lợi nhuận trong quá khứ và kỳ vọng ở tương lai; bộ máy quản trị tốt; ngân hàng đã niêm yết để có thể thoái vốn khi cần.
Thùy Vinh